Cải thiện môi trường đầu tư
Trong năm 2024, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thể hiện sự quyết tâm cao trong việc tạo dựng một hệ sinh thái kinh doanh thuận lợi và cạnh tranh. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt văn bản quan trọng, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Tỉnh ủy về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Một góc Cửa Việt hôm nay - Ảnh: T.T
Điển hình là Quyết định số 410/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, Chỉ thị số 35- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác cải cách hành chính, Quyết định số 64/QĐ-UBND triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Chủ động xây dựng và triển khai các chương trình hành động cụ thể hóa các nghị quyết quan trọng của Trung ương và Tỉnh ủy về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững.
Đặc biệt, việc thực hiện Chuyên đề năm 2024 với chủ đề “Quảng Trị: Quyết liệt cải thiện PCI, phát triển kinh tế” cho thấy sự chủ động và quyết tâm cao của tỉnh trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ và phân bổ kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các sở, ngành liên quan, đồng thời tổ chức các cuộc họp ban chỉ đạo để đánh giá tình hình và đề ra các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI.
Một điểm sáng trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung, thống nhất, góp phần minh bạch hóa quy trình và giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Điểm sáng trên các lĩnh vực trọng điểm
Hiện nay, đã có nhiều nhà đầu tư, trong đó có các tập đoàn, công ty lớn, có uy tín trong nước, khu vực và trên thế giới đã đến khảo sát, làm việc và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Quảng Trị. Tiêu biểu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát trao đổi, tìm hiểu để nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư tại Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị.
Tập đoàn Central Group Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Đông Dương đến tìm hiểu đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại TP. Đông Hà; Công ty Năng lượng ENI Việt Nam thảo luận cơ hội hợp tác với tỉnh Quảng Trị trong việc hợp tác phát triển các dự án năng lượng khí tại KKT Đông Nam Quảng Trị.
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hạ tầng và Giao thông về thống nhất địa điểm tổ chức khảo sát, lập hồ sơ xin bổ sung quy hoạch Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Intracom-Quảng Trị (tổng mức đầu tư dự án khoảng 72.000 tỉ đồng)...
Trong năm 2024, tỉnh đã tiếp nhận tổng cộng 441 lượt hồ sơ liên quan đến cấp mới, điều chỉnh dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần và chấm dứt dự án. Theo thống kê, đã có 53 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn lên đến 14.370,85 tỉ đồng.
Các dự án này tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau, cho thấy sự đa dạng trong thu hút đầu tư của tỉnh. Một số dự án tiêu biểu được cấp phép trong năm 2024 bao gồm: Dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên lãnh thổ Việt Nam với vốn đầu tư 1.489,3 tỉ đồng, góp phần tăng cường năng lực logistics của khu vực; Dự án nuôi tôm công nghệ cao RAS với vốn 883,5 tỉ đồng, mở ra hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Dự án Nhà máy sản xuất viên gỗ nén năng lượng (465 tỉ đồng) và Dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi KIDOS (350 tỉ đồng) đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến và nông nghiệp.
Xe chở than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay - Ảnh: T.T
Lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong năm 2024, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2,633 triệu USD. Bên cạnh đó, có 5 hồ sơ đáp ứng điều kiện mua phần vốn góp với giá trị 2.186,9 tỉ đồng, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc mở rộng hoạt động tại tỉnh.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 28 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động với tổng mức đầu tư 2.789,032 triệu USD. Trong đó, 18 dự án được triển khai ngoài các khu công nghiệp, KKT với tổng vốn đầu tư 2.614,664 triệu USD, 10 dự án thực hiện trong các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn 174,368 triệu USD. Hiện có 22 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động, có 6 dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư lên đến 2.453,611 triệu USD.
Một số dự án FDI tiêu biểu đang triển khai có thể kể đến như: Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tỉnh Quảng Trị-Giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 2,317 tỉ USD có sự tham gia của các nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc, hứa hẹn tạo ra nguồn năng lượng lớn và góp phần vào an ninh năng lượng quốc gia. Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị của liên doanh Việt Nam- Singapore, Amata Biên Hòa và Sumitomo Corporation với vốn đầu tư 88,26 triệu USD kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào tỉnh.
Tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn
Những kết quả đạt được trong năm 2024 là một tín hiệu tích cực, cho thấy Quảng Trị đang đi đúng hướng trong chiến lược thu hút đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh xác định đây chỉ là bước khởi đầu và sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng hành và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư.
Năm 2025, tỉnh Quảng Trị xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm và dự án then chốt để tập trung thu hút đầu tư với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương, đồng thời chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư FDI chất lượng cao.
Theo đó, tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh. Lĩnh vực công nghiệp điện-năng lượng, bao gồm điện mặt trời, điện gió và điện khí, tiếp tục được xem là mũi nhọn, cùng với công nghiệp nhẹ sản xuất hàng xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ.
Tỉnh Quảng Trị xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm và dự án then chốt để tập trung thu hút đầu tư, với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương, đồng thời chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao.
Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động sản xuất-kinh doanh. Lĩnh vực công nghiệp điện- năng lượng, bao gồm điện mặt trời, điện gió và điện khí, tiếp tục được xem là mũi nhọn, cùng với công nghiệp nhẹ sản xuất hàng xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ.
Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng thu hút các dự án thuộc ngành sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí nội ngoại thất, hàng dân dụng, hàng tiêu dùng và xuất khẩu; chế biến nông, lâm, hải sản, bao bì, nhựa, dệt may. Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển đô thị, các khu dân cư, nhà ở xã hội, y tế và giáo dục cũng nằm trong danh mục ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2025.
Với những nỗ lực chủ động trong việc cải thiện môi trường đầu tư, khai thác hiệu quả các lợi thế đặc thù của địa phương và tăng cường hợp tác quốc tế, Quảng Trị đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thu hút đầu tư. Điều này không chỉ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh trong những năm tới.
Thanh Trúc
Nguồn: https://baoquangtri.vn/quang-tri-diem-sang-ve-thu-hut-dau-tu-193366.htm
Bình luận (0)