Đề án hậu phương…

Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để bảo đảm xăng dầu cho các lực lượng, Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật) đã chỉ đạo Phòng Xăng dầu (nay là Cục Xăng dầu) triển khai củng cố lại hệ thống kho xăng dầu trong toàn quân; đồng thời tổ chức thi công xây dựng mới các kho xăng dầu trên địa bàn chiến lược. Đến cuối năm 1960, hệ thống kho xăng dầu trong toàn quân đã được củng cố và mở rộng, tổng sức chứa lên tới gần 7.000 tấn xăng dầu, có 16 trạm cấp phát, 14 trạm bơm máy, 2 trạm bơm tay và thành lập được 1 đội xe xitec để cơ động vận chuyển xăng dầu cho các đơn vị.

Trong giai đoạn 1954-1960, mặc dù được sự viện trợ tích cực của bạn bè quốc tế, song xăng dầu phục vụ cho Quân đội còn rất nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, toàn quân đã phát động phong trào tiết kiệm xăng dầu, đẩy mạnh nghiên cứu các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, từ khâu quản lý đến sử dụng xăng dầu và vật tư, khí tài xăng dầu.

Tháng 2-1964, Tổng cục Hậu cần đã lập đề án hậu phương, quy định trong 1 năm phải bảo đảm 30 cơ số xăng dầu cho xe con, 20 cơ số cho xe xích, 30 cơ số cho xe tăng, pháo tự hành, 20 cơ số cho xe vận tải đơn vị và 60 cơ số cho xe vận tải chiến lược. Ngoài ra, đề án còn xác định Nhà nước dự trữ đủ xăng dầu bảo đảm cho 1 năm chiến tranh, Quân đội dự trữ đủ 3 tháng. Thực hiện các chủ trương, chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Tổng cục Hậu cần, bộ đội xăng dầu đã khẩn trương dồn lực lượng và vật chất cho nhiệm vụ. Sau thời gian ngắn, xăng dầu cùng các trang bị, khí tài xăng dầu đã được dự trữ đúng, đủ cơ số theo quy định. Riêng Quân khu 4 đã tổ chức tiếp nhận, đưa vào dự trữ lên đến 7 cơ số phục vụ cho thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn…

Tiếp nhận, tra nạp xăng dầu phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1975. Ảnh tư liệu

“Kiệu xăng” vào chiến trường

Bước vào năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân viễn chinh nhằm tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch ngày càng quyết liệt, các quân chủng, binh chủng, quân khu phát triển lực lượng rất nhanh, trang bị phương tiện khá hiện đại.

Ngày 3-4-1965, Quân ủy Trung ương quyết định giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 tổ chức mở đường vận chuyển cho chiến trường miền Nam và Trung, Hạ Lào. Từ đây, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn dần chuyển hướng sang phương thức vận tải cơ giới hóa, được trang bị hàng nghìn xe, máy các loại, chỉ riêng xe vận tải đã có 1.336 chiếc. Do vậy, công tác bảo đảm xăng dầu cho tuyến vận tải chiến lược quan trọng này cần khối lượng vô cùng lớn.

Điều kiện địa hình hiểm trở, đặc biệt đế quốc Mỹ áp dụng chiến thuật chặt đứt giao thông hòng băm nát khu vực “cán soong” dài chưa đầy 200km từ vĩ tuyến 19 trở vào khiến việc bảo đảm vận tải và xăng dầu càng khó khăn hơn. Chỉ trong tháng 3 và tháng 4-1968, trên địa bàn Quân khu 4, địch đã dùng không quân, pháo binh đánh phá 12.000 phi vụ, nút giao thông trọng điểm Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm trở thành “tam giác lửa”. Bom đạn kẻ thù trút xuống, các phương tiện vận chuyển xăng dầu bằng cơ giới bị cháy khá nhiều.

Việc bảo đảm xăng dầu trong giai đoạn này cho tuyến vận tải chiến lược 559 gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu vận chuyển bằng phương pháp thủ công, như gùi thồ, vận chuyển bằng phuy. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ còn áp dụng phương pháp “kiệu xăng”, bằng cách lấy vỏ phuy loại 100 lít nạp đầy xăng, rồi 4 người khiêng 1 phuy qua bãi lầy, vượt qua trọng điểm đánh phá của kẻ thù. Một cách làm hay nữa là Quảng Bình huy động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm dầm mình dưới sông Gianh, dùng dây thép gông 40 phuy xăng thành một mảng, sau đó vừa đẩy, vừa chèo, vừa kéo xăng ngược dòng để kịp thời bảo đảm xăng dầu cho các phương tiện vận tải của ta hoạt động…

Đến đường ống xăng dầu vươn dài theo đất nước

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ý tưởng thi công xây dựng tuyến đường ống xăng dầu ngầm vượt qua các trọng điểm luôn thôi thúc lãnh đạo, chỉ huy Cục Xăng dầu và Tổng cục Hậu cần. Nhạy bén trước diễn biến mới của tình hình, lãnh đạo Cục Xăng dầu đề xuất với thủ trưởng Tổng cục Hậu cần, thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Nhà nước cho nhập đường ống xăng dầu của Liên Xô để thi công thử nghiệm phương pháp bảo đảm mới, vận hành xăng dầu bằng đường ống.

Theo đề nghị của Chính phủ ta, Liên Xô đã viện trợ 2 bộ đường ống dã chiến với tổng chiều dài 200km và 20 máy bơm PNU35/70. Tổng cục Hậu cần đã ra quyết định thành lập Công trường 18, thi công tuyến ống xăng dầu trên địa bàn Quân khu 4. Trước mắt, Công trường 18 xây dựng tuyến đường ống xăng dầu vượt qua “tam giác lửa” Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm (được đặt tên là Công trình X42).

Sau 45 ngày đêm lao động quên mình, vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù trên vùng "tam giác lửa", Công trường 18 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi công xây dựng tuyến ống xăng dầu dài 42km vượt sông Lam, sông La, qua các trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù. Ngày 10-8-1968, đường ống dẫn đầu tiên của Quân đội đưa dòng xăng dầu chui ngầm dưới lòng đất, xuyên qua lòng sông, men theo ruộng lúa, chân đồi vào tiếp sức cho tuyến vận tải chiến lược 559 và các lực lượng trên địa bàn Quân khu 4.

Sau khi xây dựng thành công tuyến ống X42, bộ đội xăng dầu được giao nhiệm vụ tiếp tục tổ chức thi công tuyến ống xăng dầu thọc sâu, vươn dài ra tuyến trước. Nhiều công trình đường ống xăng dầu khác tiếp tục được hình thành, như X40, T70, T72, T72b… tạo thành mạng lưới đường ống xăng dầu rộng khắp chạy suốt từ miền Bắc, vượt Trường Sơn vươn sang cả đất bạn Lào, Campuchia vào đến Đông Nam Bộ, kịp thời chi viện, bảo đảm xăng dầu cho các lực lượng vũ trang tiến công địch.

Trải qua những năm tháng gian khổ, bất chấp điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt và sự ngăn chặn ác liệt của kẻ thù, đến đầu năm 1975, bộ đội xăng dầu đã xây dựng được hệ thống tổ chức bảo đảm xăng dầu khá hoàn chỉnh, vững chắc. Xây dựng, quản lý công trình đường ống vươn dài theo đất nước, từ biên giới Việt-Trung tới Đông Nam Bộ (Bù Gia Mập, Bình Phước) với 4.990km đường ống, 316 trạm bơm vừa hút vừa đẩy, 101 điểm kho bể hàn cố định và bể dã chiến với tổng sức chứa 328.354m3 xăng dầu trên tuyến đường đó. Tùy theo tính chất bảo đảm và vận chuyển xăng dầu mà có đoạn bố trí 4 tuyến, 2 tuyến ống đi song song…

Tuyến ống do Bộ đội Xăng dầu làm chủ đủ sức vừa tiếp nhận, vận chuyển lớn, vừa bảo đảm cung cấp cho các quân, binh chủng hoạt động trên địa bàn miền Bắc, trên dọc tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn và các chiến trường miền Nam; bảo đảm kịp thời xăng dầu cho các lực lượng tiến công địch, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

MINH QUANG

Nguồn: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/sang-tao-trong-bao-dam-xang-dau-phuc-vu-khang-chien-826098