Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sắp xếp, hợp nhất Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội: Gần dân, hiểu dân, phục vụ Nhân dân hiệu quả hơn

Thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức bộ máy, tỉnh Lâm Đồng đang chủ động triển khai việc sắp xếp, hợp nhất MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đây không chỉ là bước đi nhằm tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà còn hướng đến mục tiêu cốt lõi: gần dân hơn, hiểu dân hơn và phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng26/05/2025

Tiến độ làm việc, xây dựng Đề án Hợp nhất, sáp nhập Mặt trận, các đoàn thể
3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông được triển khai khẩn trương
Tiến độ làm việc, xây dựng Đề án Hợp nhất, sáp nhập Mặt trận, các đoàn thể 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông được triển khai khẩn trương

QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ CAO, HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT

Đồng chí Phạm Triều - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: Việc xây dựng Đề án Sắp xếp, hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ 3 tỉnh (Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông) thành 1 cơ quan MTTQ Việt Nam cấp tỉnh (tỉnh Lâm Đồng mới sau khi sáp nhập) là cần thiết, nhằm thực hiện nguyên tắc chung đó là: Giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, tránh chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, sử dụng hiệu quả trụ sở, tiết kiệm chi phí, tái cơ cấu, tin giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, góp phần định hình lại mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo chủ trương, định hướng của Đảng và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam… Qua đó đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Mặt trận trong giai đoạn mới, hướng đến mục tiêu “Gần dân, hiểu dân, phục vụ Nhân dân hiệu quả hơn”.

Vai trò chủ động của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông thời gian qua cho thấy tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và Nhân dân.

Hiện nay, 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông, mỗi tỉnh đều có 5 tổ chức chính trị - xã hội (Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) và các tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở tỉnh được giao biên chế, kinh phí hoạt động và đều là thành viên của MTTQ Việt Nam tỉnh. Người đứng đầu của các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở tỉnh đều là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ở cấp huyện và cấp xã cũng có cơ cấu tương tự như cấp tỉnh. Như vậy, thực chất Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp nào được cơ cấu bởi người đứng đầu của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng cấp đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp dưới trực tiếp và các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp Nhân dân...

Cơ quan mới sau sắp xếp tiếp tục đảm bảo đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, vai trò nòng cốt trong công tác đoàn kết, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời tinh gọn đầu mối, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, sử dụng hiệu quả nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong thời gian qua đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo chuyển biến tích cực trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, tăng cường giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, bộ máy còn cồng kềnh, hoạt động ở một số nơi chưa gắn bó mật thiết với Nhân dân. Có tình trạng “một việc nhiều tổ chức cùng làm”, trùng lắp đối tượng vận động, hiệu quả phối hợp chưa cao. Việc hợp nhất theo mô hình mới là cần thiết, để MTTQ thực sự là trung tâm kết nối, thể hiện vai trò là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Trong mô hình mới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng (mới) sẽ có cơ cấu gọn, rõ, thống nhất. Ban Thường trực bao gồm đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội lớn như: Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... Cùng với đó là 10 ban chuyên trách giúp việc, đáp ứng yêu cầu tham mưu, điều phối và tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, không chồng chéo, không trùng lắp.

HƯỚNG TỚI BỘ MÁY “GẦN DÂN, HIỂU DÂN, VÌ DÂN”

Sự đổi mới không chỉ đơn thuần là sự sắp xếp lại về mặt tổ chức, mà là bước chuyển quan trọng nhằm tinh giản đầu mối, giảm trùng lặp chức năng, tránh dàn trải nguồn lực và phát huy hiệu quả vai trò tập hợp, đoàn kết, phản biện, giám sát của hệ thống chính trị. Việc hợp nhất này còn nhằm khai thác tối đa nguồn lực, sử dụng hiệu quả trụ sở, cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng cán bộ, góp phần định hình lại mô hình tổ chức chính trị theo định hướng của Đảng.

Cơ cấu bộ máy mới sẽ bao gồm một Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh với Ban Thường trực gồm các đại diện tiêu biểu từ các tổ chức chính trị - xã hội lớn: Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… Mỗi ban chuyên trách sẽ đảm nhận chức năng riêng, giảm chồng chéo và tăng tính chuyên sâu trong thực hiện nhiệm vụ. Việc sắp xếp tổ chức đồng nghĩa với sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức. Đây là một trong những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi sự đồng thuận cao và phương án cụ thể, nhân văn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý, bảo đảm quyền lợi, chính sách theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trụ sở làm việc dùng chung cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh sẽ thực hiện rà soát, bố trí lại hợp lý, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ, công chức trong hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sau sáp nhập.

Với vai trò, chức năng quan trọng, cùng với tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên cũng cần tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát cơ sở, sát dân, gần dân. Công tác giám sát, phản biện xã hội, tập hợp ý kiến Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền phải thực chất, có chiều sâu. 

Việc hợp nhất MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Lâm Đồng là một bước tiến quan trọng trong công cuộc đổi mới hệ thống chính trị theo tinh thần nghị quyết của Đảng. Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự đồng lòng, thống nhất trong toàn hệ thống, tin tưởng rằng bộ máy mới sẽ vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, phát huy cao độ vai trò trung tâm đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh.

Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/sap-xep-hop-nhat-mat-tran-cac-doan-the-chinh-tri-xa-hoi-gan-dan-hieu-dan-phuc-vu-nhan-dan-hieu-qua-hon-0067644/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm