Một là vào ngày 18-5-1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Bác Hồ đến chúc mừng đại hội và ân cần căn dặn: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học và công nghệ của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp... Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...”.
Hai là vào ngày 18-6-2013, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, thống nhất chọn ngày 18-5 hằng năm là ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ đó sự kiện này được tổ chức thường niên nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến một trong hai quốc sách hàng đầu và đến đội ngũ các nhà hoạt động khoa học đã không ngừng đóng góp chất xám qua các công trình nghiên cứu chất lượng cao cũng như qua các ý kiến phản biện giàu hàm lượng khoa học, đầy tâm huyết trí thức và trách nhiệm công dân.
Trong bối cảnh Đà Nẵng được xem là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, việc chọn chủ đề tọa đàm liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là đã chạm đúng vào điểm nhấn cốt lõi nhất trong việc thực hiện hiệu quả không chỉ Nghị quyết số 57-NQ/TW mà còn cả “bộ tứ trụ cột”, cụm từ Tổng Bí thư Tô Lâm dùng để định danh bốn nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành trong nửa năm qua.
Trước hết, về chủ đề tọa đàm: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển ở đây bao hàm hai động thái: tự đào tạo và thu hút. Đề xuất của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, về việc sớm gầy dựng Đà Nẵng thành “Thành phố đại học” cho thấy Đà Nẵng có năng lực đảm đương động thái tự đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đương nhiên tự đào tạo không chỉ là đào tạo tại chỗ thông qua hệ thống các trường đại học được thiên hạ nghe tên biết tiếng trên địa bàn, mà còn là đầu tư ngân sách để cử người đi thụ giáo ở các cơ sở đào tạo lừng danh trong nước cũng như ở nước ngoài.
Về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Đà Nẵng và chắc không chỉ Đà Nẵng rất mong một số chủ trương mang tính đột phá của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW sớm được thể chế hóa, có thế các địa phương mới có hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” nhằm “thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các ‘tổng công trình sư’ trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực” mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đề ra.
Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong kỷ nguyên mới không chỉ qua việc trải thảm, chìa tay mời người giỏi người tài về làm việc ở địa phương mình mà còn qua giao lưu quốc tế về khoa học công nghệ. Tôi rất tâm đắc câu chuyện của PGS.TS.BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, cũng là nhà khoa học trưởng thành từ một đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng, kể rằng nhờ giao lưu hợp tác về khoa học công nghệ với các nhà y học Australia mà Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đã có thêm nhiều thành tựu trong nghề, chưa kể còn được hỗ trợ không ít thiết bị y tế hữu dụng như máy trợ thở áp lực dương liên tục (CPAP)…
Đà Nẵng từng đặt vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ nửa sau thập niên 2000 với việc thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trực thuộc UBND thành phố trước khi chuyển sang trực thuộc Sở Nội vụ, cùng lúc quan tâm cả hai nguồn tự đưa người đi đào tạo và mời gọi người đã qua đào tạo. Trong thực tế, nguồn thứ nhất giúp địa phương chủ động hơn trong việc tạo nguồn đúng theo chuyên ngành/lĩnh vực mình cần, nhưng nhược điểm dễ nhận thấy là phải mất thời gian chờ người đi đào tạo trở về.
Nguồn thứ hai thì có thể không phải chờ, có điều chuyên ngành/lĩnh vực của người được mời lên “thảm đỏ” có thể không thật phù hợp với chuyên ngành/lĩnh vực địa phương mình đang cần, và quan trọng hơn động thái trải thảm đỏ để thu hút cũng chỉ là một trong ba công đoạn nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, thu hút, trọng dụng và giữ chân, trong đó trọng dụng là giải pháp cốt lõi nhất để giữ chân người được thu hút.
Diễn giả Trần Văn Thọ, một người Quảng xa quê, hiện là Giáo sư danh dự của Trường Đại học Waseda Nhật Bản, gây ấn tượng sâu sắc với bài thuyết trình uyên bác của anh về kinh tế Việt Nam trước những biến động của thế giới. Ngồi nghe anh trao đổi bằng chất giọng Quảng Nam hầu như không thay đổi sau hơn nửa thế kỷ sống ở nước ngoài, tôi rất ấn tượng với “mô hình kinh tế Hợp Phì”, thủ phủ của tỉnh An Huy, Trung Quốc. Đúng như anh Trần Văn Thọ đánh giá, nhờ chính sách đột phá về hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp như xe điện, tấm pin mặt trời và các sản phẩm công nghệ khác, đã đưa Hợp Phì từ thủ phủ của một tỉnh ở vùng nông nghiệp nghèo khó trước đây, nhanh chóng tăng thứ hạng về thu nhập và trở thành hình mẫu cho các thành phố Trung Quốc…
Cuối cùng, là về câu hỏi ai được xem là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tôi thực sự tâm đắc với ý kiến của TS Nguyễn Nhật Quang, đồng tác giả cuốn sách Chuyển đổi số thế nào? (cùng với GS Hồ Tú Bảo, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, đoạt giải B giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 6 năm 2023) khi anh nhấn mạnh cần phân biệt “chất lượng cao” với “trình độ cao”, với “bằng cấp cao”.
Mới đây, trên Tạp chí điện tử Người Đô Thị có đăng bài Kỹ Nho nước Việt-một nét mới của Nho giáo Việt Nam của TS Trần Hậu Yên Thế cho rằng “trong các nước đồng văn, lịch sử Nho giáo nước Việt có một hiện tượng rất đặc biệt, các vị khoa bảng cũng đồng thời là tổ nghề; họ được nhân dân tôn vinh nhờ đã có đóng góp cho việc truyền dạy kỹ thuật ngành nghề thủ công” và do vậy các Kỹ Nho cũng được người Việt đánh giá cao như các Lễ Nho, Văn Nho, Đồ Nho…
BÙI VĂN TIẾNG
Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202505/thu-hoach-tu-mot-cuoc-gap-mat-va-toa-dam-khoa-hoc-4007569/
Bình luận (0)