Tỷ lệ tỉnh có biển tăng cao
Hiện nay, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 28 tỉnh, thành phố ven biển.
26/28 tỉnh, thành phố giáp biển đều có cảng biển, trừ Ninh Bình và Bạc Liêu. Ninh Bình là một trong những tỉnh có đường bờ biển ngắn nhất Việt Nam, chỉ dài khoảng 18km. Bạc Liêu có đường bờ biển dài 56 km nhưng cũng chưa có cảng biển.
Ngoài 26/28 tỉnh, thành phố ven biển đều có cảng biển, hiện Việt Nam còn có 8 tỉnh thành dù không giáp biển nhưng có hệ thống cảng biển. Trong đó, 2 địa phương có cảng biển loại I là Đồng Nai và Cần Thơ; 2 địa phương có cảng biển loại II là Đồng Tháp và Hậu Giang; 4 địa phương còn lại có cảng biển loại III là Bình Dương, Long An, An Giang, Vĩnh Long.
Các tỉnh thành giáp biển và có cảng biển hiện nay (Đồ họa: Tùng Nguyên).
Theo Nghị quyết số 60, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh 11 tỉnh, thành giữ nguyên hiện trạng, 53 địa phương còn lại dự kiến sáp nhập thành 23 tỉnh thành.
Theo danh sách dự kiến này, Việt Nam chỉ còn lại 21 tỉnh ven biển so với con số 28 tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, nếu so sánh về tỷ lệ thì sau sáp nhập, tỷ lệ các tỉnh thành có biển là 62% (21/34 tỉnh), lớn hơn rất nhiều so với con số 44% hiện nay (28/63 tỉnh).
Danh sách các tỉnh ven biển và có cảng biển sau sáp nhập (Đồ họa: Tùng Nguyên).
Đặc biệt, 21/21 tỉnh thành ven biển sau khi sáp nhập đều có cảng biển. Ngoài ra, sau sáp nhập còn có 2 tỉnh không giáp biển nhưng vẫn có cảng biển là Đồng Nai (hợp nhất Đồng Nai và Bình Phước) và Tây Ninh (hợp nhất Tây Ninh và Long An).
"Phép cộng" nâng tầm khi hướng biển
Quan trọng hơn, kế hoạch sáp nhập trên tạo thành những địa phương có hệ thống cảng biển cực lớn như TPHCM (hợp nhất TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu).
Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu đã có hệ thống cảng biển loại đặc biệt với 48 cảng biển, TPHCM có hệ thống cảng biển loại I với 40 cảng biển, Bình Dương chỉ có bến cảng tổng hợp Bình Dương.
Khi hợp nhất 3 địa phương trên thành TPHCM mới thì thành phố trực thuộc Trung ương này sẽ có hệ thống cảng biển siêu lớn, với 89 cảng biển. Nếu tính thêm 10 cảng dầu khí ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay thì tổng số cảng biển của TPHCM sau hợp nhất là 99 cảng biển, lớn hơn nhiều so với hệ thống cảng biển lớn nhất nước hiện nay là Hải Phòng (50 cảng biển).
Sau khi sáp nhập, TPHCM sẽ trở thành siêu đô thị với hệ thống cảng biển lớn nhất nước (Ảnh minh họa: PN).
Theo TS Trần Du Lịch, chỉ xét riêng về quy mô, nếu mở rộng TPHCM theo hướng đó thì thành phố sẽ trở thành một siêu đô thị mà tầm cỡ của nó vượt ra ngoài tầm châu lục chứ không chỉ ở Đông Nam Á.
"Thành phố sẽ là cửa ngõ giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại tài chính, trung tâm logistic, trung tâm cảng trung chuyển... Khi đó, TPHCM sẽ lập tức nâng tầm", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Một địa phương khác cũng sẽ có thời cơ để phát triển kinh tế biển sau sáp nhập là thành phố Cần Thơ (hợp nhất Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang).
Sau sáp nhập, địa phương này sẽ có 21 cảng biển. Tuy số lượng còn ít nhưng điều quan trọng là sau hợp nhất, Cần Thơ sẽ thành một thành phố biển.
Hiện nay, dù không giáp biển, vị trí địa lý cách cửa biển đến cả trăm km nhưng TP Cần Thơ vẫn phát triển được 17 cảng biển, hệ thống cảng biển xếp loại I. Khi có biển sau sáp nhập, thành phố thủ phủ miền Tây sẽ có nhiều điều kiện phát triển kinh tế biển hơn.
Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ, địa phương sẽ có sự phát triển rất mạnh mẽ nếu có biển.
Ông nói: "Nếu có biển, chúng tôi có thể phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, phát triển hệ sinh thái ven biển, du lịch biển gắn kết với đồng bằng sinh thái, logistics, hạ tầng ven biển... Đây là nguồn lực rất lớn".
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu: "Mở rộng ra phía biển là cơ hội bước ngoặt của Cần Thơ" (Ảnh: Xuân Hinh).
Ngoài ra, kế hoạch sắp xếp các tỉnh lần này giúp nhiều tỉnh Tây Nguyên vốn là vùng núi, nằm sâu trong nội địa trở thành những địa phương có biển, như: Đắk Lắk (hợp nhất Phú Yên và Đắk Lắk), Lâm Đồng (hợp nhất Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận), Gia Lai (hợp nhất Gia Lai và Bình Định)…
Theo TS Trần Du Lịch, sáp nhập tỉnh theo hướng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh ven biển sẽ thay đổi cách tổ chức những tỉnh mới thành những tiểu vùng kinh tế, gắn kết với sự phát triển không gian vùng núi, vùng cao với vùng biển, bổ sung lợi thế cho nhau.
Tỉnh Đồng Nai sau sáp nhập (hợp nhất Đồng Nai và Bình Phước) tuy không giáp biển nhưng vẫn thừa hưởng hệ thống 18 cảng biển của tỉnh Đồng Nai hiện nay.
Tỉnh Tây Ninh sau sáp nhập (hợp nhất Tây Ninh và Long An) cũng không giáp biển nhưng thừa hưởng hệ thống 3 cảng biển của Long An hiện nay.
Dự kiến tên gọi và trung tâm hành chính của 34 tỉnh, thành sau sáp nhập (Nội dung: Hoài Thu; Thiết kế: Tuấn Huy).
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/noi-vu/sau-sap-nhap-viet-nam-co-2134-tinh-thanh-ven-bien-20250415061733257.htm
Bình luận (0)