- Ông có thể cho biết vì sao cần phải xây dựng định mức đầu tư hỗ trợ từ NSNN phát triển lâm nghiệp theo Nghị định số 58, trong khi tỉnh đang triển khai Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (thay thế Nghị quyết số 337)?
+ Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2024 với nhiều điểm mới mang tính đột phá, nhằm khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia trồng rừng gỗ lớn. Trong đó, đã mở rộng đối tượng, phạm vi về trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa và cây lâm sản, cây dược liệu dưới tán rừng để đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, theo quy định về phát triển rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững. Nghị quyết áp dụng cho các địa phương trong toàn tỉnh.
Qua rà soát, nhu cầu tham gia chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn của các chủ rừng tại các địa phương có tổng diện tích đăng ký tham gia trong giai đoạn 2024-2026 khoảng 6.360ha, trong đó hộ gia đình, cá nhân là 4.589ha, các tổ chức, doanh nghiệp là 1.771ha. Chính sách trồng rừng gỗ lớn đã được đông đảo nhân dân trên toàn tỉnh hưởng ứng, việc mở rộng phạm vi áp dụng chính sách tại các địa phương trong toàn tỉnh phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của chủ rừng cũng như điều kiện về phát triển rừng gỗ lớn.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 37 sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/12/2026. Do vậy, để đảm bảo có đầy đủ căn cứ pháp lý tổ chức triển khai thực hiện chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2026 trở đi theo các chính sách được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 58 và đảm bảo cho nguồn lực phát triển, bảo vệ rừng không có độ trễ, việc Quảng Ninh sớm ban hành nghị quyết quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư, mức khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
- Nghị quyết mới quy định định mức đầu tư hỗ trợ từ NSNN cho phát triển lâm nghiệp theo Nghị định số 58 có những điểm mới gì, thưa ông?
+ Nghị định số 58/2024/NĐ-CP là tín hiệu vui cho ngành lâm nghiệp, đây là điểm mới, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư đối với các nội dung trong dự thảo nghị quyết bằng với mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư quy định tại Nghị định số 58. Mục đích để hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, các chủ rừng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, phục hồi diện tích rừng bị thiệt hại do cơn bão số 3 năm 2024; đảm bảo phù hợp với các mục tiêu, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, mức hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng bình quân được nâng lên thành 500.000 đồng/ha/năm (tăng 200.000 đồng/ha/năm so với mức hỗ trợ tại chính sách hiện hành). Với xã khu vực II, khu vực III, mức hỗ trợ bằng 1,2 lần; vùng đất ven biển bằng 1,5 lần mức bình quân. Mức hỗ trợ phát triển sinh kế, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư vùng đệm khu rừng đặc dụng tăng từ 40 triệu đồng lên 50 triệu đồng/cộng đồng/năm. Định mức cho phát triển được tính theo định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành. Thẩm quyền phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật cho các công trình lâm sinh được giao cho chủ đầu tư thay bằng cơ quan chủ quản đầu tư…
Như vậy, trong khi Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND tập trung chủ yếu vào chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, hỗ trợ sản xuất dưới tán rừng thì nghị quyết mới sẽ có độ phủ toàn diện hơn. Bao gồm, thêm mức đầu tư trồng rừng đặc dụng, phòng hộ; trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; hỗ trợ cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; kinh phí bảo vệ rừng đặc hộ, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng; hỗ trợ kinh phí xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; hỗ trợ trồng cây phân tán; mức khoán bảo vệ rừng…
Ngoài hỗ trợ trồng, phát triển rừng, còn có thêm nguồn lực cho lĩnh vực quản lý, bảo vệ với những người làm công tác giữ rừng. Qua đó, sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân sống gần rừng, sống bằng nghề rừng, ngoài ra sẽ khuyến khích người dân, cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ rừng.
Dự thảo nghị quyết cũng quy định rõ, trên một địa bàn, trong cùng một thời gian, nếu có các mức ưu đãi, hỗ trợ khác nhau thì đối tượng hưởng chính sách được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất. Tổ chức, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân hoàn toàn có thể lựa chọn áp dụng Nghị quyết số 37 trong thời gian còn hiệu lực, hoặc nghị quyết mới nếu thấy phương án nào có lợi nhất.
Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, Sở NN&MT đã triển khai lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để hoàn thiện và gửi Sở Tư pháp thẩm định. Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị và tiếp thu ý kiến của Sở Tư pháp, Sở NN&MT sẽ hoàn thiện nội dung dự thảo nghị quyết, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh đảm bảo theo quy định tại kỳ họp gần nhất.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://baoquangninh.vn/se-co-them-nguon-luc-de-dau-tu-bao-ve-va-phat-trien-rung-3358593.html
Bình luận (0)