Tuy nhiên, bước sang thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), sinh viên ngành này phải đối mặt với nhiều thách thức.
Giai đoạn 1999 - 2010 được xem là “kỷ nguyên vàng” của ngành Ngôn ngữ Anh tại Trung Quốc, khi đất nước gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Số lượng trường đại học đào tạo ngoại ngữ tăng gấp 3 lần và tỉ lệ có việc làm sau tốt nghiệp ngành Tiếng Anh luôn vượt quá 90%. Tuy nhiên, số liệu ngày càng sụt giảm.
Chỉ trong giai đoạn 2018 - 2022, dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy 109 trường đại học ngừng tuyển sinh các chuyên ngành ngoại ngữ, trong đó 21 trường dừng chương trình Tiếng Anh. Năm 2024, hàng loạt trường danh tiếng như Đại học Tế Nam, Đại học Hàng không Vũ trụ Thẩm Dương dừng đào tạo ngành học từng được coi là mũi nhọn này.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự phát triển vượt bậc của AI, đặc biệt là các công cụ dịch thuật tự động với độ chính xác lên tới 95% và chi phí chỉ bằng 1% so với con người. Dịch máy đang chiếm 40% thị phần dịch thuật, làm giảm nhu cầu đối với các vị trí biên - phiên dịch cơ bản.
Tỉ lệ việc làm của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh năm 2023 giảm xuống còn 76,8%, thấp hơn mức trung bình toàn quốc và chỉ khoảng 52% làm đúng chuyên môn.
Tuy nhiên, còn lý do khác là sinh viên chưa chuẩn bị đủ kỹ năng để làm việc. Nhiều sinh viên học ngành ngôn ngữ, nhưng lại không thể soạn một email xin việc hoàn chỉnh, trong khi AI có thể viết rất nhanh và bài bản.
Thực tế này chỉ ra rằng vấn đề không chỉ nằm ở AI, mà còn nằm ở sự lỗi thời trong chương trình đào tạo, thiếu định hướng liên ngành và ứng dụng thực tế. Ngành học từng chú trọng ngữ pháp, từ vựng và khả năng viết luận, nhưng lại thiếu các năng lực cần thiết như tư duy số, kỹ năng công nghệ hay kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực như luật, kinh tế, truyền thông.
Bà Đới Giang Văn, Trưởng khoa Tiếng Anh, Đại học Giao thông Bắc Kinh, nhận định ngành ngôn ngữ cần được “tối ưu hóa” chứ không nên loại bỏ. Chuyên gia này nhấn mạnh những giá trị nhân văn độc đáo mà AI không thể thay thế như sự đồng cảm, khả năng tư duy phản biện, và sự nhạy cảm văn hóa. Đây là những yếu tố cốt lõi giúp con người giao tiếp sâu sắc với nhau trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Một trong những hướng đi được giới học giả ủng hộ là mô hình đào tạo “Tiếng Anh + X”. Đó là sự kết hợp giữa ngôn ngữ và chuyên môn khác như khoa học dữ liệu, luật quốc tế, hoặc kỹ thuật số. Như vậy, sinh viên ngôn ngữ có thể tham gia vào các ngành tăng trưởng mạnh như thương mại điện tử xuyên biên giới, quản lý dịch thuật sử dụng AI, hoặc đào tạo AI ngôn ngữ.
Đặc biệt, với những sinh viên có định hướng liên ngành và mục tiêu quốc tế, ngành Ngôn ngữ Anh vẫn có vai trò quan trọng trong ngoại giao, truyền thông quốc tế, nghiên cứu văn hóa, và phát triển công nghệ ngôn ngữ.
Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng AI sẽ không xóa sổ ngành Tiếng Anh mà sẽ “ép buộc” ngành này tiến hóa. Người học cần không chỉ biết ngôn ngữ, mà còn biết ứng dụng ngôn ngữ trong các ngữ cảnh thực tiễn, biết dùng AI như một công cụ, chứ không phải đối thủ.
Ông Ngô Bằng, Trưởng khoa Giáo dục Hải ngoại, Đại học Giang Tô, cho biết: “Ngành Ngôn ngữ Anh đang suy giảm trên toàn cầu, không chỉ tại Trung Quốc. Nguyên nhân đến từ chính sách quốc gia, sự phát triển của AI và việc ngành này đào tạo đơn thuần về ngôn ngữ mà không đáp ứng được yêu cầu của thị trường mới”.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-ngon-ngu-anh-lao-dao-thoi-tri-tue-nhan-tao-post740319.html
Bình luận (0)