Tác giả Philippe Le Failler, Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, chia sẻ rằng cơ duyên đến với Việt Nam bắt đầu từ 35 năm trước. Những tài liệu lưu trữ bằng tiếng Pháp đã đưa ông lần theo dấu vết của một vùng đất kỳ lạ - sông Đà và nhân vật Đèo Văn Trì. Từ đó, hành trình nghiên cứu lịch sử vùng Tây Bắc Việt Nam kéo dài hàng thập kỷ đã mở ra.
Cuốn sách gồm 12 chương, khắc họa những giai đoạn lịch sử nổi bật như thời kỳ phân rã lãnh thổ, kháng chiến, chiêu hàng, chế độ quân quản, dân chính ngắn ngủi, các cuộc nổi dậy của người Hmong và sáp nhập hành chính sau năm 1954. Sông Đà hiện lên không chỉ là một địa danh, mà là một thực thể sống động, nơi quyền lực không ổn định, cư dân đa tộc người cùng sinh sống, hợp tác và cạnh tranh.

Tác giả Philippe Le Failler đã chỉ ra rằng vùng sông Đà là “biên giới di động”, nơi quyền lực không nằm ở bản đồ mà thay đổi theo từng giai đoạn chinh phục, buông lỏng rồi lại cải cách, kiểm soát.
Tại buổi tọa đàm, dịch giả Thanh Thư, người chuyển ngữ tác phẩm sang tiếng Việt, cho biết cô cũng gặp không ít khó khăn vì độ dày học thuật và lượng thông tin dày đặc, trải rộng từ lịch sử, văn hóa, dân tộc học, kinh tế đến quân sự. Quá trình dịch thuật được hỗ trợ bởi chính tác giả và đội ngũ biên tập Omega Plus trong việc tra cứu tư liệu gốc tiếng Việt.
Tọa đàm không chỉ mang đến câu chuyện phía sau một công trình học thuật, mà còn gợi mở góc nhìn mới về lịch sử Việt Nam, không chỉ từ Kinh kỳ mà còn từ những miền biên viễn. “Sông Đà - Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam” được đánh giá là lời nhắc sâu sắc rằng mỗi vùng đất, mỗi dòng sông đều có vai trò riêng trong bản hòa âm lịch sử dân tộc.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/song-da-lich-su-mot-vung-bien-duoi-lang-kinh-su-hoc-phap-post803515.html
Bình luận (0)