Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013: Xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gần dân hơn

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 trong đó có tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trở nên gần dân, sâu sát dân hơn.

Thời ĐạiThời Đại15/05/2025

Chiều 14/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013: Xây dựng MTTQ Việt Nam gần dân hơn
Hội nghị Lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chiều nay 14/5. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Gần dân, sát dân hơn

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng việc quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, đặc biệt là các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trở nên gần dân, sát dân hơn.

Cụ thể, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp 2013, qua đó khẳng định rõ hơn vị thế của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, và là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Ông Nguyễn Túc nhấn mạnh rằng nội dung này vốn đã được đề cập trong Cương lĩnh chính trị của Đảng từ trước và việc đưa vào Hiến pháp lúc này là hoàn toàn hợp lý.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013: Xây dựng MTTQ Việt Nam gần dân hơn
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Nguyễn Túc, việc Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 đưa ra các quy định về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, cũng như đề cập và nhấn mạnh đến công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là rất cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Những quy định này phù hợp với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đã xác định rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò nòng cốt chính trị để nhân dân thực hiện quyền làm chủ.

Vì vậy, vai trò và chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần phải được làm nổi bật trong các quy định của Hiến pháp. Trong đó, Hiến pháp cần nhấn mạnh và cụ thể hoá vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, cũng như đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013: Xây dựng MTTQ Việt Nam gần dân hơn
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm về Dân chủ và Pháp luật Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm về Dân chủ và Pháp luật Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, đối với sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 115 "Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu", đề nghị giữ quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Cụ thể, ông Phúc đề xuất bổ sung nội dung "Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính tương đương còn có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp" vào trong khoản 2 Điều 115.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, tại Điều 110, cụ thể hóa khoản 3 Điều này, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh gồm có xã, phường và đặc khu. Do đó đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo lại với Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị cho giữ lại các thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà ở đó không có đơn vị hành chính là phường.

Giữ nguyên nội dung "phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương"

Liên quan đến việc sửa đổi quy định về chính quyền địa phương, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Phan Xuân Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các đơn vị hành chính cần được quy định thành 2 cấp rõ ràng trong Hiến pháp, không sử dụng cụm từ "dưới tỉnh" trong "các đơn vị hành chính dưới tỉnh" tại Điều 110, tránh gây sự khó hiểu khi tiếp cận các quy định này.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013: Xây dựng MTTQ Việt Nam gần dân hơn
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Phan Xuân Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặt khác, quy định tại khoản 3 Điều 110 "Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định" đã lược bỏ nội dung "phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương" so với quy định cũ, thay vào đó chỉ do Quốc hội quy định.

Điều này chưa hợp lý, bởi trên thực tế việc xác định các loại đơn vị hành chính địa phương rất phức tạp, bao gồm tên gọi, quy mô, quan hệ kinh tế - xã hội... Trong khi người dân tại các cộng đồng dân cư rất am hiểu về lịch sử, văn hóa, truyền thống cũng như sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương nơi họ sinh sống. Việc này nếu chỉ do Quốc hội quy định bỏ qua việc lấy ý kiến nhân dân địa phương là không nên. Do đó, ông Sơn đề nghị giữ nguyên nội dung "phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương" của quy định cũ.

Bày tỏ quan điểm nhất trí với những điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả, việc sửa đổi các quy định của Hiến pháp năm 2013 là rất kịp thời và cần thiết.

Theo ông Nguyễn Viết Chức, việc lập hiến, lập pháp còn chứa đựng nội hàm văn hóa. Việc sửa Hiến pháp này cũng phải thể hiện điều đó thông qua việc lấy ý kiến những người có kinh nghiệm làm hiến pháp. Bởi vậy, ông Chức kiến nghị Quốc hội khóa XVI ngay sau khi được bầu sẽ tiếp tục tiến hành sửa đổi toàn diện Hiến pháp để đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.

Nhấn mạnh Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng quy định về những vấn đề lớn, cơ bản, có tầm chiến lược lâu dài của đất nước, trên cơ sở những ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường mong muốn những điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ phục vụ đắc lực cho tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như chủ trương xây dựng chính quyền hai cấp.

Theo Vietnamplus.vn

https://www.vietnamplus.vn/sua-doi-bo-sung-hien-phap-nam-2013-xay-dung-mttq-viet-nam-gan-dan-hon-post1038522.vnp

Nguồn: https://thoidai.com.vn/sua-doi-bo-sung-hien-phap-nam-2013-xay-dung-mat-tran-to-quoc-viet-nam-gan-dan-hon-213515.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm