Mô hình tái chế pano, áp phích sau khi sử dụng thành túi đi chợ được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Côn Đảo thực hiện thành công, góp phần bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa. |
Tại văn phòng của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Côn Đảo, những chiếc túi nhựa xinh xắn, với nhiều màu sắc được xếp ngay ngắn vào thùng sau khi được lấy về từ các điểm may. Bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Côn Đảo cho hay, các pano, áp phích sau khi treo tại sự kiện xong, thải bỏ ra rất nhiều gây lãng phí, trong khi chúng có thể tạo ra những sản phẩm có ích, có thể ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Từ tháng 7/2024, khi huyện Côn Đảo thực hiện đề án kinh tế tuần hoàn, Hội LHPN huyện Côn Đảo đã đăng ký mô hình tái chế pano, áp phích may thành giỏ đi chợ. Hội đã phối hợp với Trung tâm VHTT huyện thu gom toàn bộ pano, áp phích sau khi đã sử dụng, rồi vệ sinh sạch sẽ, phơi khô. Tùy theo mẫu, thợ sẽ đo, vẽ, cắt cẩn thận rồi tiến hành may thành các sản phẩm. “Hội vận động chị em có tay nghề may mặc, tranh thủ thời gian để may thêm túi xách. Hội trích một phần kinh phí từ đề án kinh tế tuần hoàn và vận động xã hội hóa từ các cá nhân, tập thể để hỗ trợ công may cho chị em. Đến nay, Hội đã xây dựng được 5 điểm may xanh”, bà Thảo cho biết.
Vì được làm từ chất liệu nhựa dày nên việc may túi không dễ dàng, phải là thợ có tay nghề cứng mới thực hiện được. Các đường kim, mũi chỉ cũng tỉ mỉ để chiếc túi bền chắc, có tính thẩm mỹ. Bà Nguyễn Thị Thu Hà (khu dân cư số 8) là một trong những thợ may có tay nghề được Hội LHPN huyện chọn làm “điểm may xanh”. Bà Hà cho biết: “Khi cắt may, tôi thường nương theo từng tấm pano, áp phích để có sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao nhất, qua đó mỗi chiếc túi sản xuất ra không chỉ bền đẹp, mà còn tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền”.
Ngoài may túi lớn, các chị còn tận dụng những mẩu nhỏ để may túi đựng bình nước, bóp. Chị Trần Thị Kiều vốn là một thợ may có thâm niên 8-9 trên địa bàn huyện Côn Đảo. Gần 1 năm qua, ngoài may quần áo, chị Kiều còn may thêm các loại túi xách được chế tạo từ pano, áp phích đã qua sử dụng. “Nhờ Hội LHPN huyện tạo điều kiện nên tôi có thêm thu nhập. Vừa cắt vừa may, trung bình mỗi ngày tôi may được 10-30 cái”, chị Kiều nói.
“Điểm may xanh” tái chế pano, áp phích sau khi sử dụng thành giỏ đi chợ của chị Trần Thị Kiều (huyện Côn Đảo). |
Tính đến giữa tháng 3/2025, Hội đã tổ chức may được 600 chiếc túi xách các loại, với giá bán 25-30 ngàn đồng/cái. “Số tiền thu được từ mô hình này tính đến cuối tháng 3 là gần 16 triệu đồng. Chúng tôi dùng số tiền này để hỗ trợ các chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Hội cũng dành khoảng 200 cái để tặng”, bà Thảo cho biết thêm.
Khi thực hiện mô hình “Tái chế pano, áp phích thành túi đi chợ”, Hội LHPN huyện Côn Đảo ký kết với 9 chi hội địa phương vận động cán bộ Hội sử dụng giỏ khi đi chợ, nói không với rác thải nhựa. Từ đó, chị em là những người gương mẫu chấp hành việc dùng túi pano tái chế để đi chợ, thay thế hoàn toàn túi ni-lông.
Những chiếc túi nêu trên tuy nhỏ về kích thước, nhưng lại mang thông điệp lớn về bảo vệ môi trường, thực thi kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng Côn Đảo xanh và bền vững.
Năm 2024, mô hình “tái chế pano, áp phích thành túi đi chợ” được bình chọn là mô hình dân vận khéo và được nhận bằng khen của UBND tỉnh.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202504/tai-che-rac-thai-nhua-thanh-gio-di-cho-1040429/
Bình luận (0)