
Sự kết nối liền mạch giữa các tài nguyên giúp Đà Nẵng “thoát khỏi chiếc áo chật” về không gian phát triển, đồng thời mở ra cơ hội hình thành các chuỗi giá trị mới trong du lịch: từ vận chuyển, lưu trú, ẩm thực đến các sản phẩm trải nghiệm.
Kết hợp ưu thế để phát triển
Không chỉ xóa bỏ rào cản về tổ chức, việc sáp nhập còn phá vỡ những giới hạn trong việc thiết kế sản phẩm du lịch. Một trong những điểm sáng là sự hình thành các tuyến tour liên tuyến - đa điểm kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết: “Việc kết nối tài nguyên du lịch giữa hai địa phương giúp doanh nghiệp mở rộng biên độ khai thác.
Các tuyến du lịch sinh thái - di sản - biển đảo kết nối từ Sơn Trà đến Cù Lao Chàm, từ Hòa Bắc đến Núi Thành, từ đô thị ven biển đến bản làng miền núi… sẽ được hình thành và vận hành như những hành trình liền mạch, tăng trải nghiệm và chiều sâu văn hóa cho du khách”.
Theo ông Thanh, không gian du lịch mới cũng là tiền đề khai thác các tiềm năng đang bị “bỏ ngỏ” hiện nay như hệ sinh thái rừng suối ở Hòa Bắc, Nam Giang; văn hóa Cơ Tu, làng nghề truyền thống, sản vật bản địa (sâm, quế, trà); không gian nông nghiệp hữu cơ, du lịch cộng đồng, du lịch chữa lành. Đây là những nguồn lực tạo nên bản sắc riêng đồng thời dẫn dắt du lịch địa phương phát triển theo xu hướng du lịch xanh - bền vững.
Một ưu thế khác sau khi Đà Nẵng và Quảng Nam hợp nhất là khả năng cộng hưởng giữa hai nguồn lực du lịch có tính chất bổ sung cho nhau. Đà Nẵng đại diện cho hình ảnh đô thị hiện đại, năng động với hạ tầng đồng bộ, các dịch vụ nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp. Quảng Nam nổi bật với chiều sâu văn hóa, quần thể di sản phong phú, đời sống bản địa đậm đà bản sắc.
Sự kết hợp hài hòa giữa hai vùng sẽ tạo ra một hệ sinh thái du lịch mới đa dạng và đặc sắc, có khả năng đáp ứng nhu cầu của các phân khúc khách khác nhau. Bên cạnh đó, các lễ hội và sự kiện văn hóa lớn, từng được tổ chức riêng lẻ tại hai địa phương, vốn đã thu hút đông đảo du khách nay tiến hành liên kết sẽ nhân đôi lợi thế, tạo điểm nhấn nổi bật cho thương hiệu du lịch “Đà Nẵng mới”.
Tái định vị và phát triển thương hiệu
Trong nhiều năm qua, hình ảnh “Đà Nẵng - thành phố đáng sống”, “thành phố của lễ hội và sự kiện” đã tạo dấu ấn rõ nét với du khách, trở thành từ khóa tìm kiếm khi nhắc đến du lịch Đà Nẵng. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nhận diện cũ, thương hiệu sẽ khó bao quát toàn bộ không gian mới, nhất là những vùng di sản văn hóa và sinh thái đặc trưng của Quảng Nam.
Bài toán đặt ra là phải tái định vị hình ảnh du lịch: vừa giữ được tinh thần hiện đại, năng động của Đà Nẵng, vừa tích hợp chiều sâu văn hóa, bản sắc địa phương vốn là thế mạnh cốt lõi của Quảng Nam, để tạo nên một thương hiệu toàn diện, hấp dẫn và khác biệt.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đặng Mạnh Phước - Giám đốc Công ty The Outbox Company (doanh nghiệp chuyên nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu ngành du lịch) cho biết việc sáp nhập có thể tạo ra cú hích lớn, nhưng nếu thiếu định hướng thương hiệu và chiến lược thị trường rõ ràng, Đà Nẵng sẽ đối mặt với nguy cơ “hai đầu kéo ngược chiều”.
Thách thức lớn nhất là định vị và quảng bá thương hiệu “Đà Nẵng mới” sao cho không bị “trung bình hóa”, nhạt nhòa hay mất bản sắc. Nếu không xây dựng được trục định vị thống nhất và chiến lược thương hiệu sắc nét, các giá trị vốn có thậm chí có thể triệt tiêu lẫn nhau.
Theo ông Phước, việc tái tổ chức hệ biểu tượng và câu chuyện thương hiệu cần được thực hiện thận trọng. Cần tránh “tổn thương” bản sắc cũ cũng như gây khó khăn cho việc nhận diện từ phía du khách và người dân địa phương. Đây cũng là bài toán khó với truyền thông khi phải mở rộng tệp tiếp cận mà vẫn bảo toàn bản sắc điểm đến.
Ngành du lịch Đà Nẵng cần xây dựng và triển khai chiến lược tái thiết toàn diện để trở thành một điểm đến thống nhất về hình ảnh, rõ ràng về thị trường và hiện đại trong cách tiếp cận du khách. Chiến lược này cần thực hiện qua ba bước: tái định vị thương hiệu, xây dựng chiến lược thị trường và đổi mới hoạt động tiếp thị.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ thương hiệu riêng của từng địa phương bị mờ nhạt sau quá trình hợp nhất.
“Để định vị thương hiệu, Đà Nẵng cần xác định rõ các giá trị cốt lõi. Từ đó xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới có chiều sâu và khả năng bao phủ vùng, nhưng vẫn gắn kết với hình ảnh Đà Nẵng hiện đại đã được định vị trước đó.
Cạnh đó, địa phương cần triển khai chiến lược quảng bá phù hợp, nhấn mạnh các đặc trưng mới của điểm đến, đồng thời đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, bản đồ số và các sự kiện quốc tế. Mục tiêu là dù tên gọi hành chính thay đổi, thông tin về điểm đến vẫn phải được tiếp cận dễ dàng, rõ ràng và hấp dẫn với du khách”, ông Quỳnh đề xuất.
Giải quyết bài toán về định vị thương hiệu du lịch của “Đà Nẵng mới”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái định vị tầm nhìn du lịch.
Theo ông Cao Trí Dũng, việc hợp nhất Đà Nẵng - Quảng Nam không thể chỉ dừng lại ở việc chia sẻ khách giữa hai đầu thành phố mà phải là đồng kiến tạo một trung tâm du lịch quốc gia mang tầm khu vực, là cửa ngõ chiến lược đón khách quốc tế đến miền Trung.
Quy hoạch “Đà Nẵng mới” phải được định hình như một cấu trúc liên thông thay vì hai điểm đến tách biệt, tránh tư duy cộng dồn tài nguyên một cách cơ học. Thay vào đó, cần phát triển các trung tâm du lịch gắn liền với tài nguyên đặc thù từng vùng, từ đó xác định rõ sản phẩm chủ lực và tái xác định nhóm khách mục tiêu.
Nguồn: https://baodanang.vn/tai-dinh-vi-thuong-hieu-du-lich-da-nang-3265082.html
Bình luận (0)