Bác sĩ tại khoa cấp cứu đang thăm khám và điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: THU HIẾN
Hiện nay dù các bệnh viện đặt nguyên tắc bất thành văn là "cứu người trước, viện phí tính sau", thế nhưng trong bối cảnh nhiều bệnh viện đang tự chủ tài chính, bài toán chi phí ngày càng căng thẳng, mọi can thiệp y tế đều tốn kém và viện phí thế nào cũng là câu chuyện "đau đầu" với nhiều cơ sở y tế.
Ưu tiên tính mạng con người là trên hết, nhưng...
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 6-5, tại khoa cấp cứu của nhiều bệnh viện ở TP.HCM đa phần đều không bắt buộc người bệnh phải đóng tạm ứng viện phí khi cấp cứu như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện huyện Bình Chánh, Bệnh viện Nhân dân 115... Nhiều thân nhân, bệnh nhân cho biết khi vào khoa cấp cứu, những trường hợp nặng, y bác sĩ ưu tiên xử lý trước, sau đó mới yêu cầu đóng tạm ứng viện phí.
Ông T.H.K. (47 tuổi) cho biết có người thân được đưa vào khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định, các y bác sĩ ưu tiên xử lý trước, sau khi người bệnh đã có sức khỏe ổn định mới đợi đến lượt gọi tên đóng tạm ứng viện phí.
"Theo tôi, nguyên tắc lúc nào cũng phải ưu tiên cho tính mạng người bệnh là trên hết, còn những chuyện khác tính sau. Người nhà tôi chấn thương đưa thẳng vào khoa cấp cứu, các bác sĩ xử lý liền tôi rất yên tâm. Điều này làm vơi bớt đi nỗi lo lắng cho thân nhân và bác sĩ cũng tập trung cứu người", ông K. nói.
Một trưa đầu năm 2025, anh Trương Công Sơn (30 tuổi, Hà Nội) không may gặp tai nạn xe máy khi đang trên đường đi làm. Va chạm mạnh khiến anh chấn thương nặng ở chân dù tỉnh táo nhưng không thể di chuyển.
May mắn, anh được một người đàn ông qua đường đưa đến Bệnh viện 19-8 cấp cứu. "Ngay khi đến bệnh viện, tôi được các y bác sĩ đưa vào phòng cấp cứu. Lúc đó tôi đã mất máu khá nhiều, không còn sức lực, chỉ kịp đọc số điện thoại người thân rồi ngất đi", anh Sơn kể lại.
Anh được các y bác sĩ thực hiện cấp cứu khẩn cấp, anh phải truyền máu, phẫu thuật chân sau chấn thương. Vài tiếng sau người nhà mới đến bệnh viện, lúc này được các bác sĩ thông báo tình trạng bệnh và hướng dẫn nộp tiền ứng viện phí. "Nếu lúc ấy tôi phải chờ người nhà lên mới được cấp cứu thì có lẽ đã "lành ít dữ nhiều". Nhờ sự cấp cứu kịp thời của bác sĩ nên tôi mới có thể bình phục tốt", anh Sơn nói.
Thực tế tại Hà Nội, các cơ sở y tế đều tiếp nhận trường hợp cấp cứu khẩn cấp dù không có người thân. Trên Facebook Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang... vẫn thường đăng tải thông tin "tìm người thân" cho bệnh nhân. Nhưng bệnh viện tự chủ, nhiều khi không thu được viện phí, tìm không được người thân bệnh nhân thì ai sẽ chi trả viện phí?
Cần quỹ cứu trợ khẩn cấp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Phạm Nguyễn Anh Vũ, phó giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP.HCM), cho hay nguyên tắc của bệnh viện là phải ưu tiên cấp cứu cho bệnh nhân trước, dù có thân nhân đi cùng hay không hoặc các trường hợp người bệnh cơ nhỡ không có giấy tờ tùy thân.
Theo đó, khi đưa vào cấp cứu, các bác sĩ sẽ ghi nhận thông tin hành chính, xử lý chấn thương trước, sau khi bệnh nhân ổn định nếu cần phải làm thêm các kỹ thuật khác, thường mới có mức tạm ứng chỉ vài trăm ngàn hay 1-2 triệu đồng.
"Bất kể là ban đêm, nếu bệnh nhân cơ nhỡ có chỉ định chụp CT, chúng tôi ưu tiên xử trí tốt nhất cho bệnh nhân, sau đó việc liên lạc người nhà sẽ tính sau. Với trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi sẽ trích tiền từ quỹ chăm sóc bệnh nhân nghèo (của nhà hảo tâm đóng góp) đóng viện phí cho họ. Từ đầu năm 2025 đến nay có nhiều trường hợp được hỗ trợ từ 20-30 triệu đồng, thậm chí có những bác sĩ móc tiền túi để hỗ trợ cho bệnh nhân", bác sĩ Vũ cho hay.
Thế nhưng theo bác sĩ Vũ, quỹ chăm sóc bệnh nhân cũng có giới hạn, có một thực tế là có những trường hợp người bệnh sau khi cấp cứu xong lại "quên" hoặc cố tình không đóng viện phí. Dù không thường xuyên xảy ra, thế nhưng cũng không phải hiếm gặp, hầu như tháng nào bệnh viện cũng gặp.
Với những trường hợp này bệnh viện cũng chỉ biết cho qua và tự bỏ tiền ra để bù cho bệnh nhân vì không còn cách xử lý nào khác, nhất là với những bệnh nhân không có thẻ BHYT.
Một lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh khẳng định cấp cứu luôn là ưu tiên hàng đầu trong bệnh viện. Bệnh nhân sẽ được chăm sóc sức khỏe trước chứ không phải chờ để ứng viện phí như trường hợp điều trị nội trú thông thường khác.
"Nhưng trong thực tế, mỗi ca cấp cứu không người thân hay tình trạng quá nặng, phải dùng nhiều loại thuốc, vật tư đắt đỏ... lại là một rủi ro tài chính. Bởi sau đó không tìm được người thanh toán, bệnh viện phải gánh phần chi phí này. Không ít trường hợp bệnh viện đã phải trả viện phí cấp cứu do người bệnh không có khả năng chi trả", vị này cho hay.
Tâm lý "phòng thủ" khiến không ít cơ sở y tế đưa ra các yêu cầu như ký cam kết, gọi người thân, thậm chí ứng tiền trước khi thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu. Điều này có thể gián tiếp khiến bệnh nhân mất "thời gian vàng" trong cấp cứu, đánh đổi bằng rủi ro tính mạng.
Để giải quyết vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng Việt Nam cần xây dựng một cơ chế ứng viện phí cấp cứu có tính hệ thống, không để cơ sở y tế đơn lẻ phải "cân não" giữa cứu người và... giữ quỹ. Trong đó, có thể thiết lập quỹ cấp cứu khẩn cấp tại mỗi bệnh viện (hoặc tại sở y tế), dùng cho các ca không rõ thân nhân, không kịp chi trả ngay. Nguồn quỹ có thể gây dựng từ xã hội hóa, Hội Chữ thập đỏ...
Ngoài ra, cần có hướng dẫn chi tiết về phân loại "cấp cứu thực sự" và quy trình tiếp nhận, xử lý, thanh toán linh hoạt hơn. Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm nếu bệnh viện từ chối cấp cứu vì lý do tài chính, đồng thời bảo vệ nhân viên y tế trong những tình huống nhạy cảm.
Khi nào bệnh nhân phải đóng tạm ứng viện phí?
Y tá kiểm tra, sơ cứu cho bệnh nhân - Ảnh: T.HIẾN
Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo phản ánh nhiều người dân phải nộp tạm ứng khi khám chữa bệnh, thậm chí có trường hợp số tiền tạm ứng cao gấp đôi viện phí thực tế, gây khó khăn cho bệnh nhân và gia đình, đề nghị Bộ Y tế có nghiên cứu chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho người dân khám chữa bệnh được thuận tiện, nhất là bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Trả lời nội dung trên, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết chỉ thị 06 từ năm 2016 yêu cầu các bệnh viện không thu tiền tạm ứng đối với người có thẻ BHYT khi khám và điều trị ngoại trú, đặc biệt là trường hợp cấp cứu. Với bệnh nhân điều trị nội trú, bệnh viện chỉ thu tạm ứng trong trường hợp cần sử dụng kỹ thuật điều trị chi phí cao và khoản thu này không bao gồm phần chi trả của BHYT.
Theo quy định của Luật Khám chữa bệnh 2023, việc cấp cứu phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá, phân loại và áp dụng các biện pháp chuyên môn kỹ thuật phù hợp với tình trạng của người bệnh.
"Trong trường hợp cần áp dụng những biện pháp cấp cứu khẩn cấp mà chưa có sự đồng ý của người đại diện của người bệnh thì người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quyền quyết định.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm ưu tiên điều kiện tốt nhất về nhân lực, thiết bị y tế, thuốc cho việc cấp cứu người bệnh và chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp", Luật Khám chữa bệnh nêu rõ.
Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn có quyền thu tạm ứng viện phí sau khi bệnh nhân đã được ổn định tình trạng, đặc biệt với những trường hợp không có BHYT hoặc không rõ danh tính. Từ đây nảy sinh một vùng xám trong thực tế: nhiều ca bệnh dù được gọi là "cấp cứu" nhưng lại bị trì hoãn chỉ vì sự lúng túng trong khâu xác minh - thanh toán - trách nhiệm tài chính.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tam-ung-khi-cap-cuu-khong-de-benh-vien-lan-tan-thu-tuc-dau-tien-20250507064536996.htm
Bình luận (0)