Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tân Khánh nâng cao hiệu quả kinh tế rừng

Xã Tân Khánh (Phú Bình) là địa phương có diện tích rừng lớn thứ hai toàn huyện với hơn 835ha, chiếm gần 40% diện tích tự nhiên của xã. Những năm qua, xã đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả đất rừng, qua đó từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên19/05/2025

Nhờ chú trọng phát triển kinh tế rừng, thu nhập và đời sống của gia đình ông Đặng Văn Sinh, ở xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh (Phú Bình) ngày càng được nâng cao.
Nhờ chú trọng phát triển kinh tế rừng, thu nhập và đời sống của gia đình ông Đặng Văn Sinh, ở xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh (Phú Bình) ngày càng được nâng cao.

Nhận thấy rõ tiềm năng phát triển từ đất lâm nghiệp, UBND xã đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Trong đó, trọng tâm là vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất, với loại cây chủ lực là keo lai - giống cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.

Song song với công tác tuyên truyền, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt hoặc cây ăn quả cho hiệu quả thấp sang trồng rừng tập trung, sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Trong giai đoạn 2021-2024, toàn xã đã trồng mới trên 160ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức trên 33,96%.

Cùng với phát triển diện tích rừng trồng, hàng năm, UBND xã còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Nhờ được trang bị kiến thức bài bản, nhiều hộ dân đã áp dụng hiệu quả các quy trình kỹ thuật, từ đó nâng cao chất lượng rừng trồng.

Ông Đặng Văn Sinh, ở xóm Cầu Cong: Gia đình tôi có 6ha rừng. Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tôi áp dụng đúng quy trình và nhận thấy diện tích keo phát triển nhanh và tốt hơn, hạn chế sâu bệnh. Sau 7-8 năm chăm sóc, tôi thu được khoảng 170 triệu đồng/ha keo. Nhờ đó, tôi có điều kiện đầu tư thêm máy móc sản xuất như máy gặt, máy bừa và xe tải để phát triển kinh tế gia đình.

Nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, xã Tân Khánh đang tập trung vận động người dân chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn; khuyến khích phát triển theo hướng thâm canh, hình thành vùng rừng sản xuất tập trung. Đến nay, các xóm như: Cầu Cong, Kê, Bằng Tranh, Na Ri, Cầu Ngần, Ngò đã xây dựng được mô hình rừng sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, ở xóm Ngò, xã Tân Khánh (Phú Bình) kết hợp trồng rừng với chăn nuôi gà dưới tán rừng để tăng thêm nguồn thu nhập, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, ở xóm Ngò, xã Tân Khánh (Phú Bình), kết hợp trồng rừng với chăn nuôi gà dưới tán rừng để tăng thêm nguồn thu nhập, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp.

Đặc biệt, xã còn khuyến khích người dân tận dụng đất dưới tán rừng để chăn nuôi gà thả đồi. Mô hình này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn thu nhập mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phát triển rừng. Theo đó, phân gà là nguồn phân bón hữu cơ tự nhiên, giúp cải thiện chất lượng đất, tạo điều kiện cho cây rừng sinh trưởng tốt hơn.

Từ những giải pháp đồng bộ, sản lượng gỗ khai thác tại xã Tân Khánh không ngừng tăng, hiệu quả kinh tế từ rừng trồng cũng được nâng cao. Riêng trong năm 2024, sản lượng gỗ khai thác đạt 2.280m3, tăng 180m3 so với năm 2022. Về giá trị kinh tế, đối với cây keo - loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế rừng tại địa phương, người dân có thể thu từ 100-120 triệu đồng/ha sau chu kỳ 5-6 năm.

Đặc biệt, với những diện tích keo được chăm sóc tốt và khai thác sau 7-8 năm, giá trị thu nhập có thể vượt ngưỡng 170 triệu đồng/ha. Phát triển kinh tế rừng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã Tân Khánh và cải thiện cuộc sống người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 3,6%, giảm 1,8% so với năm 2023.

Ông Nguyễn Đình Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng sản xuất tập trung. Mặt khác, xã cũng đang đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Đây được xem là bước đi quan trọng để nâng cao chất lượng rừng trồng, tăng khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm gỗ của địa phương.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/tan-khanh-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-rung-94614fb/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm