Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo

Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) hội nhập quốc tế không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trên quan điểm nhận thức đó, tại Nam Định, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện và có những chuyển biến tích cực, từng bước mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả và tạo nền tảng vững chắc cho các định hướng phát triển trong tương lai.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định21/04/2025

Tình nguyện viên quốc tế tham gia Ban giám khảo tại Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2024-2025.
Tình nguyện viên quốc tế tham gia Ban giám khảo tại Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2024-2025.

Với chiến lược rõ ràng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Nam Định đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy hợp tác đào tạo lưu học sinh quốc tế; đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; đa dạng hoạt động giao lưu và tư vấn du học quốc tế; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp mang tính quốc tế... 

Hoạt động được coi là “điểm nhấn” trong hợp tác đào tạo lưu học sinh quốc tế là triển khai thỏa thuận hợp tác đào tạo giữa tỉnh Nam Định và tỉnh U-đôm-xay, (CHDCND Lào). Theo kế hoạch hợp tác song phương, mỗi năm Nam Định tiếp nhận từ 5 sinh viên bậc đại học và từ 1 đến 2 sinh viên sau đại học của tỉnh bạn sang học tập tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Trong học kỳ I năm học 2024-2025, UBND tỉnh đã tham mưu và tiếp nhận 7 lưu học sinh Lào sang học tiếng Việt và sau đó tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục đại học. Hoạt động này không chỉ góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai địa phương hai nước mà còn nâng cao vị thế của tỉnh trong mạng lưới giáo dục quốc tế.

Đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, từ năm 2021, tỉnh đã triển khai mạnh mẽ “Đề án tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn 2021-2026”. Tính đến học kỳ I năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 7 trung tâm và 109 trường phổ thông (gồm 81 trường tiểu học, 14 trường THCS và 14 trường THPT) triển khai giảng dạy tiếng Anh tăng cường với sự tham gia của giáo viên người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa. Đặc biệt, có tới 51.020 học sinh tham gia học tiếng Anh theo đề án. Con số đó cho thấy quyết tâm và sự đầu tư mạnh mẽ của tỉnh ta trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh. Ngoài ra, ngành GD và ĐT tỉnh còn phối hợp với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực giáo dục để tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận môi trường tiếng Anh thực tế. Cụ thể, tổ chức phi Chính phủ Vì Hòa bình (VFF) đã cử 9 tình nguyện viên quốc tế làm giám khảo tại Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2024-2025, qua đó tạo cơ hội cho học sinh thể hiện bản lĩnh ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp toàn cầu.

Việc định hướng nghề nghiệp, giới thiệu cơ hội học tập ở nước ngoài cũng được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiều trường học đã tích cực tổ chức các hoạt động hợp tác và tư vấn du học. Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Công Trứ (thành phố Nam Định) đã tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp với sự tham gia của 2 chuyên gia đến từ các trường đại học của Hàn Quốc nhằm giới thiệu học bổng và chương trình du học tại Hàn Quốc. Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong phối hợp với Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức các buổi giới thiệu chương trình đào tạo đại học và du học tại Liên bang Nga. Những hoạt động này đã mở rộng cơ hội học tập cho học sinh và giúp giáo viên, phụ huynh cập nhật xu hướng giáo dục toàn cầu.

Đặc biệt, lĩnh vực phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), các đơn vị đã hợp tác liên kết quốc tế trong GDNN để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tiêu biểu như Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, tạo cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên của trường qua việc liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề, cụ thể: Trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm ngoài nước cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp như triển khai “Dự án Trường cấp 3 nông nghiệp Nhật Bản” - mô hình đầu tiên trong cả nước khi kết hợp đào tạo chương trình THPT hệ giáo dục thường xuyên với chương trình trung cấp nghề và tiếng Nhật. Sau 3 năm học văn hóa tại trường, học sinh được cấp bằng THPT và được cấp bằng trung cấp chuyên môn (đáp ứng chuẩn kỹ năng đặc định 1) để làm việc cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản; được cấp bằng ngoại ngữ tiếng Nhật đạt từ N4 trở lên. Năm 2024, nhà trường phối hợp Hội Nhịp cầu Việt - Đức tổ chức cho 16 sinh viên hệ cao đẳng đi trải nghiệm lao động tại Cộng hoà Liên bang Đức; phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức hội nghị giới thiệu các chương trình xuất khẩu lao động như: chương trình EPS (Hàn Quốc), chương trình IM Japan (xuất khẩu lao động Nhật Bản miễn phí); chương trình Đài Loan và CHLB Đức… với mức chi phí thấp, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người lao động.

Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong GD và ĐT đến năm 2030, mới đây, Nam Định đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án hội nhập quốc tế trong GD và ĐT đến năm 2030 với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới để phát triển bền vững. Trong đó, mục tiêu cụ thể là phát triển môi trường giáo dục quốc tế hóa với ít nhất 1 đơn vị hành chính tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030. Đồng thời, phấn đấu có các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông triển khai chương trình tích hợp giữa giáo dục Việt Nam và chương trình giáo dục quốc tế. Đây là bước chuyển lớn nhằm tạo ra một môi trường học tập đa ngôn ngữ, đa văn hóa, giúp học sinh của Nam Định tự tin vươn ra thế giới.

Cùng với đó là việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường với mục tiêu 100% học sinh phổ thông đạt chuẩn ngoại ngữ theo chương trình GDPT mới; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đào tạo ngoại ngữ, thu hút giáo viên nước ngoài, mở rộng dạy học các môn khoa học bằng tiếng Anh. Khuyến khích các trường tham gia các kỳ đánh giá chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng tầm chất lượng giáo dục của địa phương.

Mở rộng hợp tác quốc tế về giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học sinh, sinh viên, giảng viên; thu hút chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đến làm việc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích xây dựng các mô hình trường học quốc tế hóa, kết nghĩa giữa các trường phổ thông với các cơ sở giáo dục nước ngoài nhằm chia sẻ mô hình quản lý, phương pháp giảng dạy và hợp tác nghiên cứu.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhận thức xã hội về hội nhập quốc tế. Tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn trong và ngoài nước cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hội nhập quốc tế trong giáo dục, tạo sự đồng thuận và ủng hộ từ phụ huynh, học sinh và cộng đồng.

Với quyết tâm cao, tỉnh Nam Định đang từng bước nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái giáo dục hội nhập quốc tế toàn diện để mở ra cơ hội cho học sinh, sinh viên của tỉnh được tiếp cận với nền tri thức nhân loại, cũng là con đường để tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202504/tang-cuong-hoi-nhap-quoc-tetrong-giao-duc-vadao-tao-46a2570/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm