Nói về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng 4,8% giá bán lẻ điện bình quân, lên hơn 2.200 đồng/kWh từ ngày 10/5, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bày tỏ sự đồng tình với sự điều chỉnh này, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo, nguồn điện than nhập khẩu hay nguồn điện nhập có giá không rẻ.
Tuy nhiên, ông Lâm nhấn mạnh EVN cần phải công khai các chi phí của mình, để chứng tỏ sự điều chỉnh là hợp lý và cần thiết. Khi tăng giá điện, EVN đã lý giải chi phí đầu vào liên tục tăng cao, đặc biệt cơ cấu các nguồn điện giá cao đang ngày càng tăng, nguồn điện giá rẻ là thủy điện đang giảm dần. Nhưng sự giải thích này chưa chi tiết và thuyết phục được người dân, doanh nghiệp.
"Hiện nay, Chính phủ giao cho EVN được quyền tăng giá điện với mức dưới 5% thì EVN phải công khai, minh bạch mọi chi phí cũng như thành phần cấu thành giá điện cho dân rõ vì bây giờ là phải theo cơ chế thị trường”, ông Lâm nói.
Bên cạnh đó, EVN cũng cần tiếp tục cắt giảm những chi phí để không tăng giá điện vào những dịp cao điểm như hiện nay. Theo ông Lâm, đáng lẽ EVN không nên tăng giá điện vào thời điểm đầu quý II, được coi là quý cao điểm hàng năm, mà nên tăng vào cuối quý IV để giảm áp lực cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời lúc đó chỉ số CPI, GDP đã được xác định.
Cũng theo ông Lâm, do là mặt hàng không thể thiếu trong đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên việc tăng giá điện có thể làm cho GDP giảm và làm CPI tăng lên.
“Giá điện tăng 4,8% có thể sẽ làm cho CPI tăng khoảng 0,26 điểm % và GDP giảm khoảng 0,21 điểm %", ông Lâm dự báo.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% từ ngày 10/5. (Ảnh minh họa)
Đồng quan điểm, theo TS. Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, giá điện tăng là tất yếu vì chi phí cho ngành điện tăng. Tuy vậy EVN cũng không nhất thiết cứ phải 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần vì giá điện tăng chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân.
"Ngoài ra, việc liên tục tăng giá điện sinh hoạt sẽ khiến người dân đặt câu hỏi: Vì sao EVN vẫn thua lỗ? Vì thế nhất thiết phải có sự minh bạch thông tin cho người dân khi điều chỉnh giá điện", ông Kiệt nhấn mạnh.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tăng giá điện là nhằm giảm bớt thua lỗ cho ngành điện. Theo quy định, giá điện có thể điều chỉnh 3 tháng một lần. Tuy nhiên, từ lần tăng giá tháng 10/2024 tới nay, cũng đã hơn 6 tháng EVN mới thực hiện điều chỉnh. Vì thế việc tăng giá điện lần này là có thể hiểu được và mức 4,8% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% mà Chính phủ đặt ra.
Tuy nhiên, EVN cần nỗ lực nhiều hơn nữa để ổn định giá điện để giảm bớt sự tác động, còn doanh nghiệp, người tiêu dùng cần phải có giải pháp để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Trong khi đó, trả lời bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, điện là ngành xương sống, nếu EVN không đủ nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng, nâng cấp công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật thì ngành điện sẽ lạc hậu so với khu vực, thế giới và ảnh hưởng đến nền kinh tế.
"Tôi ủng hộ lộ trình tăng giá điện vì giá điện của nước ta hiện nay hơi thấp, đặc biệt so với các nước phát triển thì rất thấp", ông Huân nói.
Tuy nhiên, đại biểu Huân nhấn mạnh, việc tăng giá điện cần có lộ trình cụ thể và thông báo công khai, chi tiết cho người dân, doanh nghiệp, hộ tiêu thụ. Bên cạnh tăng giá điện, chúng ta cũng cần đi kèm những chính sách hỗ trợ, bởi quan điểm của Đảng, Nhà nước là không để ai bỏ lại phía sau.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân.
“Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo hiện rất thấp nhưng cũng cần tính toán về khả năng hỗ trợ với những hộ này để họ yên tâm và ủng hộ chủ trương”, đại biểu đề xuất.
Đối với sản xuất công nghiệp, ông Huân nhận xét giá điện Việt Nam so với các nước trong khu vực là không cao. "Nếu chúng ta không nâng giá điện thì có thể một bộ phận người dân được hưởng lợi nhưng ngược lại cả nền kinh tế bị thiệt hại. Các doanh nghiệp FDI tận dụng giá rẻ, không chịu cải tiến công nghệ, đưa công nghệ lạc hậu vào nước ta", ông Huân nhận định.
Theo ông Huân, giá điện không cần tăng quá cao nhưng cũng phải ngang bằng với các nước trong khu vực. Các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế nên nghiên cứu bài bản trình Chính phủ ra quyết định hợp lý, cân đối chi phí đầu vào, đầu ra cho doanh nghiệp và đảm bảo người dân có thể chi trả được, Nhà nước không bị thiệt và EVN có tiền để phát triển, đầu tư.
Mới đây, tại Toạ đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng - Yêu cầu và giải pháp" do Báo Chính phủ tổ chức, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho biết, hiện nay, nếu so sánh giá điện trung bình tại Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế, thì có thể thấy mức giá điện trung bình của Việt Nam đang ở ngưỡng tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ.
Mức giá này cao hơn Lào hay Malaysia, những nước có lợi thế riêng như tài nguyên thủy điện (Lào) hoặc dầu khí nội địa (Malaysia).
Ngược lại, nhiều quốc gia khác trong khu vực lại có giá điện cao hơn Việt Nam, ví dụ như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Philippines. Riêng Singapore, giá điện hiện đã tiệm cận mức của Nhật Bản. Tại Thái Lan, sau cải tổ cơ chế giá điện, đặc biệt chuyển sang mô hình tính theo giờ, giá điện trung bình đã tăng mạnh so với 3-4 năm trước, thậm chí cao gấp rưỡi.
Từ đó có thể thấy vấn đề không đơn giản chỉ là "giá điện tăng hay giảm", mà là làm thế nào để giá điện phản ánh đúng bản chất chi phí sản xuất, đảm bảo ổn định, bền vững trong đầu tư và vận hành hệ thống điện quốc gia.
Nhiều quốc gia phát triển hiện cũng đang chuyển dần sang cơ chế thị trường trong xác lập giá điện - minh bạch, đầy đủ yếu tố chi phí và gắn với xu hướng đầu tư năng lượng sạch.
“Nếu Việt Nam duy trì mức giá điện thấp hơn chi phí thực tế trong thời gian dài, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh tạm thời cho sản xuất hoặc an sinh xã hội. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng trong đầu tư hạ tầng, không đảm bảo cung ứng điện ổn định, thiếu bền vững về lâu dài.
Chính vì vậy, giải pháp căn cơ để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư là cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, phản ánh đúng chi phí, đồng thời có chính sách giảm thiểu tác động xã hội khi điều chỉnh. Việc này đòi hỏi sự hài hòa giữa mục tiêu an sinh và cơ chế thị trường”, ông Sơn nói.
Theo tính toán của EVN, với mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân mới sẽ tác động tới CPI là 0,09%.
Cụ thể đối với các hộ sử dụng điện dưới 50kWh, tiền điện tăng thêm khoảng 4.550 đồng/hộ/tháng. Từ 51 - 100kWh, tiền điện tăng thêm 9.250 đồng/hộ/tháng. Từ 101 - 200kWh, tăng thêm là 20.150 đồng/hộ/tháng.
Khách hàng sử dụng 201 - 300kWh phải chi trả thêm 33.950 đồng/hộ/tháng; sử dụng điện từ 301 - 400kWh, chi phí tăng thêm là 49.250 đồng/hộ/tháng; từ 400kWh trở lên, mức tăng tiền điện khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng.
Đối với các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội sẽ được hỗ trợ tiền điện hằng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Đối với các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách là 56.790 đồng/hộ/tháng.
Vì vậy nếu áp dụng theo giá mới, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện là khoảng 59.520 đồng/hộ/tháng (chưa tính thuế giá trị gia tăng). Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, giúp đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn.
Nguồn: https://vtcnews.vn/tang-gia-dien-4-8-evn-can-cong-khai-cac-khoan-chi-ar942505.html
Bình luận (0)