Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng giá trị vải thiều bằng ứng dụng công nghệ

(Chinhphu.vn) - Đưa vải thiều tươi ngon đến tay người tiêu dùng nhiều tháng trong năm hơn hiện nay là một cách làm giúp gia tăng giá trị quả vải và có thể bao tiêu được sản lượng lớn hơn nữa. Đây là cách thức kích thích sản xuất bền vững, tạo động lực phát triển thương hiệu vải thiều Việt Nam lớn mạnh hơn.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ13/05/2025

Tăng giá trị vải thiều bằng ứng dụng công nghệ- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tất Hưng, Giám đốc Công ty XNK Toàn Cầu cho biết hiện nay đã có những công nghệ chế biến được vỏ và hạt vải thiều thành nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Không những vậy, mọi phụ phẩm từ trái vải thiều đều có thể tận dụng như hạt, vỏ… Đây là ý kiến được ông Nguyễn Tất Hưng, Giám đốc Công ty XNK Toàn Cầu đưa ra tại cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi Trường cùng Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Giang với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ vải thiều ngày 11/5 vừa qua.

Câu chuyện của ông Hưng đưa ra không còn là cá biệt khi nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ để chế biến được quả vài thiều thành nhiều sản phẩm có giá trị cao hơn. Phát triển công nghiệp chế biến sâu là giải pháp then chốt để giảm áp lực tiêu thụ và nâng cao giá trị vải thiều. Các sản phẩm như mứt, nước ép, rượu vải, vải sấy dẻo đã bước đầu khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Bà Tạ Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bằng Thủy, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang chia sẻ: "Vải thiều sấy dẻo hiện đã có mặt tại Nhật Bản và Hàn Quốc, được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô sản xuất, chúng tôi cần sự hỗ trợ về vốn và công nghệ từ các doanh nghiệp". Bộ Nông nghiệp và Môi trường hiện cũng đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm và tận dụng phụ phẩm để giảm lãng phí, gia tăng giá trị.

Cùng với việc gia tăng chế biến sâu, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty AMEII Việt Nam, đề xuất chú trọng xử lý chất thải trong chế biến, đồng thời kiến nghị cơ chế linh hoạt để thích ứng với biến động giá xăng và thị trường.

Tăng cường ứng dụng các công nghệ xanh

Tại Bắc Giang hiện vải thiều có diện tích gần 30.000 ha, sản lượng vụ 2025 dự kiến 165.000 - 170.000 tấn, vải thiều mang lại doanh thu 6.000 - 7.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch ngắn, tính mùa vụ cao và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu đặt ra nhiều thách thức. Dựa trên thực trạng, các định hướng và giải pháp cụ thể được đề xuất để nâng cao giá trị và phát triển bền vững cho quả vải thiều.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh quản lý sản xuất nghiêm ngặt, gắn với giám sát chất lượng là yếu tố cốt lõi. Địa phương cần theo dõi sát thời tiết và sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục cuống quả, để có chỉ đạo kịp thời. Các vùng trồng và cơ sở chế biến phải tuân thủ mã số vùng trồng, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật – yêu cầu tiên quyết để thâm nhập thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, EU. Bộ khuyến khích tái cơ cấu vùng nguyên liệu, điều chỉnh mùa vụ và áp dụng công nghệ xanh như cảm biến độ ẩm, AI phân tích sâu bệnh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường xuất khẩu.

Bộ trưởng đề xuất tổ chức tiêu thụ linh hoạt, cập nhật kịch bản thường xuyên dựa trên biến động thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã thu mua trực tiếp tại vườn sẽ giảm áp lực tồn kho. Hệ thống phân phối cần mở rộng từ siêu thị, chợ đầu mối đến thương mại điện tử, tận dụng xu hướng mua sắm trực tuyến tại Hàn Quốc, Nhật Bản.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với các tỉnh để mở rộng "cửa" sang các thị trường tiềm năng như Nam Mỹ, Trung Đông, đồng thời kết nối doanh nghiệp với hệ thống kho lạnh hiện đại, đầu tư điểm sơ chế lưu động tại vùng trồng và hỗ trợ thủ tục thông quan nhanh tại các cửa khẩu, đặc biệt với Trung Quốc – chiếm 90% xuất khẩu vải thiều. Với giá trung bình 2 USD/kg, nếu đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường chất lượng cao, vải thiều Bắc Giang có thể đóng góp 500-600 triệu USD vào kim ngạch xuất khẩu nông sản, hỗ trợ mục tiêu 70 tỷ USD của ngành năm 2025.

Tăng giá trị vải thiều bằng ứng dụng công nghệ- Ảnh 2.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh (ngồi giữa) trực tiếp thưởng thức các sản phẩm vải thiều được cấp lạnh sâu từ vụ trước, sau khi rã đông vẫn cho màu sắc và hương vị tương đương vải tươi - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Logistics và bảo quản được xem là "hạ tầng mềm" quyết định sức cạnh tranh. Bộ trưởng yêu cầu phối hợp doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, trung tâm sơ chế tại chỗ, giảm tổn thất sau thu hoạch và kéo dài thời gian bảo quản. Công nghệ chiếu xạ, sơ chế tiên tiến cần được ưu tiên để vải thiều không chỉ tiêu thụ trong vài tuần mà trở thành sản phẩm thương mại quanh năm, thâm nhập thị trường cao cấp như EU. Các điểm sơ chế lưu động tại vùng trồng sẽ giúp giảm áp lực trong giai đoạn thu hoạch cao điểm, đảm bảo chất lượng quả tươi trước khi xuất khẩu hoặc chế biến.

Trước áp lực tiêu thụ và yêu cầu khắt khe từ thị trường xuất khẩu, Bộ yêu cầu địa phương và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường. Bắc Giang kiến nghị chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp chế biến, đánh giá chất lượng đất đai để tối ưu vùng trồng. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Việt Oanh mong muốn cơ chế cảnh báo sớm và kênh thông tin minh bạch về biến động thị trường, giúp người dân và doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất trước thách thức từ biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng đề nghị Bắc Giang phối hợp với cơ quan truyền thông và người dân định vị vải thiều là sản phẩm "xanh - sạch - chất lượng cao". Chiến dịch quảng bá cần nhấn mạnh giá trị văn hóa, chất lượng, xây dựng niềm tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ký kết hợp tác chiến lược với viện nghiên cứu và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ chuyển đổi số, nâng cao hình ảnh thương hiệu. Bộ cam kết xử lý ngay các vấn đề thuộc thẩm quyền, báo cáo Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền để đảm bảo giải pháp kịp thời.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao thành tựu của Bắc Giang, từ tăng trưởng GDP cao đến cơ sở hạ tầng thuận lợi, khẳng định tỉnh có tiềm năng trở thành hình mẫu nông nghiệp hiện đại. Với sự đồng hành của Bộ, Bắc Giang không chỉ là "thủ phủ vải thiều" mà còn là bệ phóng đưa nông sản ra toàn cầu. "Mỗi quả vải sẽ là một đại sứ của nông sản Việt trên thị trường quốc tế," Bộ trưởng nhấn mạnh và kêu gọi sự hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Những định hướng này không chỉ nâng cao giá trị vải thiều mà còn đặt nền móng cho một ngành nông nghiệp bền vững, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Đỗ Hương


Nguồn: https://baochinhphu.vn/tang-gia-tri-vai-thieu-bang-ung-dung-cong-nghe-102250513162208516.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm