Cô và trò lớp 9, Trường THCS Vũ Đông (thành phố Thái Bình) trong giờ ôn tập.
Học sinh nỗ lực
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Thái Bình sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 1 - 3/6. Thí sinh đăng ký dự thi vào các trường THPT đại trà sẽ làm 3 bài thi: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Thí sinh dự thi vào Trường THPT Chuyên thi thêm một môn chuyên theo lớp đăng ký. Đáng chú ý, đề thi môn Ngữ văn năm nay được xây dựng từ ngữ liệu ngoài với sách giáo khoa. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh sẽ không còn dựa vào các bài văn mẫu “học tủ”. Em Bùi Vũ Ngọc Gia Hân, lớp 9, Trường THCS Vũ Chính (thành phố Thái Bình) lo lắng: Việc tiếp cận một văn bản mới trong khoảng thời gian ngắn nhưng đòi hỏi hiểu đúng, viết hay và có sự sáng tạo là một thách thức đối với chúng em. Điều này đòi hỏi chúng em phải đọc nhiều, rèn cách phân tích, cảm thụ. Em Cao Thị Thu Hà, lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh (Hưng Hà) cho biết: Đối với môn Ngữ văn, em thường lên mạng để tìm kiếm các phương pháp học tập phù hợp với chương trình mới. Em cũng sắp xếp thời gian học tập theo các khung giờ khoa học như phương pháp Pomodoro hoặc quy tắc nghỉ ngơi 20 - 50 phút, giúp việc tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Ngoài ra, em cũng chủ động tìm hiểu thêm những dẫn chứng thực tiễn bên ngoài để vận dụng vào bài viết, làm cho nội dung văn học trở nên sinh động và gần gũi hơn.
Một điểm mới trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay là không còn áp dụng hệ số hai cho môn Ngữ văn và Toán như các năm trước. Cả 3 môn thi đều được tính hệ số một, nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các môn học. Vì vậy, học sinh cần học đều cả 3 môn để đạt kết quả tốt. Em Trần Đại Nghĩa, lớp 9, Trường THCS Vũ Đông (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Môn Tiếng Anh là thử thách với em vì cấu trúc đề thi năm nay thay đổi khá nhiều so với năm trước. Số lượng câu hỏi từ vựng tăng lên, trong khi phần ngữ pháp giảm bớt. Điều này buộc chúng em phải có nền tảng từ vựng vững chắc mới làm bài tốt được. Em Đặng Thị Thanh Nhàn, lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn (Hưng Hà) bày tỏ: Em cũng có chút lo lắng vì so với các bạn học sinh ở thị trấn, thành phố có điều kiện tham gia các lớp học thêm ở các trung tâm dạy thêm. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn của các thầy cô, giai đoạn “nước rút”, em tích cực luyện đề các môn, dành thời gian ôn tập tại nhà, rèn luyện kỹ năng làm bài... Em cố gắng ôn tập để đạt mục tiêu đề ra là thi đỗ vào Trường THPT Quỳnh Côi.
Thầy cô đồng hành
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026 là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với cấu trúc đề thi có nhiều thay đổi so với các năm học trước. Trong khi đó, Thông tư số 29/2024/ TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó nêu rõ: các nhà trường chỉ được tổ chức ôn tập không thu tiền với thời lượng không quá 2 tiết/môn/ tuần. Trước yêu cầu đổi mới và giới hạn về thời lượng ôn tập, các nhà trường đã chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học, bảo đảm không “phạm quy” nhưng vẫn hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả. Cô giáo Vũ Thị Minh Nguyệt, Trường THCS Vũ Đông (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Trong các tiết học trên lớp, tôi luôn giảng dạy cẩn thận, bám sát kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và có thể mở rộng nội dung tùy theo đối tượng học sinh. Điều quan trọng nhất là giúp các em nắm chắc kiến thức nền tảng, hướng dẫn cụ thể cách tự học ở nhà. Ngoài ra, tôi còn sử dụng ứng dụng zalo để kết nối với học sinh; nếu các em cần hỏi bài vào buổi tối, tôi luôn sẵn sàng giải đáp trước 23 giờ. Cùng chung tinh thần đồng hành với học sinh, cô giáo Vũ Thị Thủy, Trường THCS Vũ Đông chia sẻ: Vừa là giáo viên Ngữ văn vừa là giáo viên chủ nhiệm, trên lớp, tôi luôn động viên học sinh, phân tích rõ những khó khăn và thuận lợi mà các em sẽ đối mặt trong kỳ thi sắp tới để các em vững tin hơn. Tôi cũng hướng dẫn các em kỹ năng học tập tại nhà và duy trì trao đổi thường xuyên với phụ huynh.
Không chỉ giáo viên, đội ngũ quản lý nhà trường cũng đang nỗ lực từng ngày để hỗ trợ học sinh trong giai đoạn “nước rút”. Bà Vũ Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Vũ Chính (thành phố Thái Bình) cho biết: Việc thay đổi chương trình và hình thức thi đòi hỏi cả thầy và trò phải chắt chiu từng giây, từng phút. Dựa trên kết quả các đợt khảo sát, giáo viên chữa bài, rút kinh nghiệm, định hướng cho học sinh các dạng bài, từ đó giúp các em nắm chắc kiến thức để bước vào kỳ thi đạt kết quả cao nhất. Ngoài ra, nhà trường cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí phòng học, trang thiết bị tốt nhất phục vụ dạy và học. Đồng thời, thường xuyên tư vấn cho phụ huynh trong việc chọn trường phù hợp với năng lực của con em, giúp các em có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Vũ Chính (thành phố Thái Bình) trong giờ ôn tập.
Hiện các trường có cấp THCS đang tăng tốc, tập trung thời gian, nguồn lực để hỗ trợ tối đa học sinh. Theo đó, các nhà trường đã chủ động phân loại học sinh theo năng lực để xây dựng chương trình ôn tập phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, chỉ đạo giáo viên bộ môn ôn tập, củng cố, khắc sâu các kiến thức cơ bản, tăng cường tổ chức cho học sinh làm các bài kiểm tra ngắn sau mỗi buổi ôn tập giúp các em ghi nhớ kiến thức cũng như rèn luyện kỹ năng làm bài. Đồng thời, phối hợp với gia đình động viên, quan tâm các em có được tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi đạt được kết quả theo đúng nguyện vọng của mình.
Theo kế hoạch, từ ngày 16 - 19/5, thí sinh trên địa bàn tỉnh Thái Bình sẽ đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2025 - 2026. Toàn tỉnh có 16.275 chỉ tiêu cho 365 lớp 10 thuộc 30 trường THPT công lập. Bên cạnh việc ôn tập kiến thức và lựa chọn trường phù hợp với năng lực, việc giữ tâm lý ổn định và bảo đảm sức khỏe cũng là yếu tố quan trọng giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi.
Phương Chi
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/9/223479/tang-toc-on-tap-thi-vao-lop-10
Bình luận (0)