VHO - Nếu thấy anh Lân Cường phóng xe máy đi làm hay đến nơi khai quật khảo cổ; nếu thấy anh lúc thuyết trình về chuyên môn hay trong bộ cánh đuôi tôm chỉ huy dàn nhạc, và nhất là khi nào anh nheo mắt cười thì thật khó đoán tuổi của anh. Và chỉ đến khi đọc “cáo phó” mới biết năm nay anh đã 85 tuổi.
Ấn tượng cuối cùng của tôi không chỉ là lần đến thăm công trường khai quật di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), chỉ cách thời điểm anh đổ bệnh phải vào bệnh viện không lâu.
Vốn vóc người nhỏ bé nên leo lên leo xuống các hố khai quật vẫn thoăn thoắt và giữa nắng, anh vẫn đầu trần giới thiệu tỉ mỉ những bộ hài cốt mà anh đánh giá là vô cùng đặc sắc.
Anh nói rằng, trong cuộc đời 60 năm hành nghề, chưa bao giờ được khai quật một di chỉ đặc sắc và quan trọng như thế này. Chỉ trên 6.000m2 (một nửa không gian được cấp phép) đã phát lộ tới hai trăm bộ hài cốt trải dày qua các tầng văn hóa từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu đến Đông Sơn... và cho tới thời hiện đại này với một khối lượng nhiều tấn mảnh gốm và vô số các hiện vật.
Là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về “người xưa” với PGS.TS Nguyễn Lân Cường đó là một mỏ vàng di sản. Anh quả quyết so sánh “Vườn Chuối” với “Hoàng thành Thăng Long” như một “cặp đôi hoàn hảo”, một bên là cung điện, hạ tầng của một kinh thành và một bên là chủ nhân lâu đời của vùng đất này...
Trong giới chuyên môn người ta hay nói rằng, anh Lân Cường là người vô cùng say việc. Anh say đến mức nằm bò choài giữa cái nắng gay gắt để tỉa tót từng hạt đất nhằm tìm kiếm những di vật bằng cái đầu tăm.
Không chỉ một lần như thế mà trong cuộc đời làm nghề của mình, anh vẫn luôn với tâm thế như vậy. Có hàng trăm bức ảnh, thước hình ghi lại cảnh này. Còn khi vào diễn thuyết hoặc phát biểu về một vấn đề nào đó thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, anh thực sự như “lên đồng” với một tâm huyết thật khó ai bì.
Còn nhớ hôm hội thảo “đầu bờ” ở di chỉ Vườn Chuối, chủ tọa đề nghị chỉ phát biểu năm phút, nhưng với anh, họ cứ để anh nói bằng cả sự nhiệt huyết lẫn bức xúc...
Vậy mà không lâu sau buổi gặp đó đã nghe tin anh phải nhập viện. Sau này còn được biết vào cái thời điểm thuyết trình ở Vườn Chuối bệnh đã ủ trong cơ thể anh rồi!
Quả vậy, khi cùng mấy bạn đến thăm anh ở bệnh viện, trông dáng vẻ thật mệt mỏi nhưng thấy chúng tôi là anh nén đau vào chuyện ngay, nhắc lại với tôi là làm sao quảng bá được giá trị của Vườn Chuối và nhất thiết phải giữ lại phần chưa khai quật làm “công viên khảo cổ học”. Anh quay sang bạn tôi bàn tiếp chuyện biên tập mấy cuốn sách của anh dự kiến xuất bản hay tái bản...
Lúc chia tay với người thân của anh được biết thêm những dự liệu xấu vì căn bệnh quá nặng, chúng tôi ra về lòng bùi ngùi... Vậy mà, chỉ trước ngày anh qua đời chừng một tuần, đang có công việc ở nơi xa, tôi nhận được điện thoại của anh, vẫn giọng nói không có gì là ốm yếu, anh nhắc tôi đến dự cuộc hội thảo ở chùa Đậu, nơi anh đã có nhiều năm gắn bó nghiên cứu và có những cống hiến to lớn về việc bảo tồn di sản.
Vậy mà hôm nay, phải tiễn anh lên đường đến cái chốn không có đất để khai quật! Ngày nào Công viên khảo cổ học Vườn Chuối được xây dựng, thế nào người ta cũng lại nhắc đến anh, “chàng trai cao tuổi”!
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/tam-biet-chang-trai-cao-tuoi-131659.html
Bình luận (0)