Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Đoàn

TPO - Từ nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Đoàn, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, tạo được sự gắn kết giữa tổ chức Đoàn với thanh niên, nhất là trên địa bàn nông thôn.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong13/05/2025

Đứng giữa vườn cà phê xanh tốt, anh Y Mi Byă (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) cho biết, mấy năm trở lại đây, giá cà phê tăng cao, bà con rất phấn khởi. Điều kiện kinh tế các hộ gia đình trong buôn được nâng cao.

Thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Đoàn ảnh 1

Đoàn tham quan vườn cà phê của gia đình anh Y Mi Byă

Theo anh Y Mi, trước đây, diện tích đất gia đình anh trồng cây điều, nhưng thu nhập bấp bênh. Năm 2019, thông qua tổ chức Ðoàn, anh được vay 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh mạnh dạn chuyển đổi diện tích vườn điều già cỗi sang trồng cà phê.

Trồng cà phê rất vất vả, chi phí đầu tư khá cao, khi mới bắt tay thực hiện, anh gặp một số khó khăn, chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh cho cây. Anh vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Anh Y Mi dành thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê từ những người đi trước ở trong buôn và các huyện chuyên canh cà phê.

Anh chịu khó học hỏi áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng. Ðến nay, anh đã xây dựng được mô hình trồng cà phê rộng hơn 4 sào, với mức thu nhập ổn định từ 120 - 150 triệu đồng/năm.

Thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Đoàn ảnh 2

Đoàn tham quan mô hình chăn nuôi của gia đình anh Y Phan Mlô

Cũng như anh Y Mi, nhờ nguồn vốn vay ủy thác qua Đoàn với số tiền 50 triệu đồng, anh Y Phan Mlô (xã Cư Ni) đã đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi. Ðến nay, gia đình anh đã có đàn bò sinh sản, heo nái và đàn gà trên 100 con. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 70-100 triệu đồng.

Anh Y Phan tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm. Muốn phát triển kinh tế nhưng không có vốn, nhờ nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Đoàn, gia đình tôi đã được vay vốn phát triển kinh tế và cuộc sống ổn định như hiện nay”.

Huyện Đoàn Ea Kar hiện có gần 6.500 đoàn viên, thanh niên. Những năm qua, cùng với các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, Huyện Đoàn Ea Kar đã làm tốt công tác ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế.

Anh Y Ngan Niê, Bí thư Huyện Đoàn Ea Kar cho biết, hiện nay, huyện đoàn đang thực hiện 13 chương trình với tổng dư nợ vốn vay ủy thác 115,8 tỷ đồng, 66 tổ tiết kiệm và có trên 2.600 lượt hộ vay.

Ðể quản lý số vốn vay ủy thác sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, bảo đảm không thất thoát, lãng phí, huyện đoàn thường xuyên chỉ đạo Đoàn các xã, thị trấn và các tổ trưởng vay vốn, tiết kiệm quản lý chặt chẽ số hộ, đối tượng vay vốn và mục đích sử dụng nguồn vốn vay. Việc cho vay ủy thác từ tổ chức Đoàn đã đáp ứng một phần nhu cầu về vốn của nhiều đoàn viên thanh niên để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.

Thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Đoàn ảnh 3

Nhiều mô hình của thanh niên phù hợp với điều kiện thực tế địa phương

Theo anh Y Ngan, thông qua hoạt động nhận ủy thác, kiểm tra, giám sát cho vay vốn, cán bộ Ðoàn nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của thanh niên từ cơ sở. Thanh niên có nhu cầu vay vốn được huyện đoàn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ. Qua đó, tạo được sự gắn kết giữa tổ chức Đoàn với thanh niên, nhất là trên địa bàn nông thôn. Nhờ vậy, hầu hết những hộ được vay vốn ủy thác đều xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế như: Phát triển mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt... với mức thu nhập trung bình từ 80 - 100 triệu đồng/mô hình/năm.

Trong thời gian tới, huyện đoàn sẽ tổ chức đưa đoàn viên thanh niên đi tham quan, học tập những mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trong và ngoài huyện để đoàn viên thanh niên được học tập, áp dụng những tiến bộ khoa học vào thực tiễn.

Nguồn: https://tienphong.vn/thanh-nien-dan-toc-thieu-so-phat-trien-kinh-te-tu-nguon-von-vay-uy-thac-qua-to-chuc-doan-post1741693.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm