Nếu học tủ sẽ không giải được Toán
Thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên Toán, Trường THPT Thủ Đức đánh giá đề thi môn Toán vào lớp 10 ở TPHCM thường có độ khó nhất định và tính phân loại cao. Điều này dễ hiểu vì mục tiêu của kỳ thi là tuyển chọn học sinh vào các trường THPT công lập, với chất lượng khác nhau. Đề thi có khoảng 30-40% câu hỏi thuộc dạng vận dụng và vận dụng cao, học sinh trung bình - yếu khó làm được, dẫn đến điểm thấp.

Mặt khác, với cách học môn Toán theo chương trình cũ, học sinh chủ yếu rèn kỹ năng giải bài toán thiên về kỹ thuật, kỹ năng biến đổi, các mẹo tính toán sao cho nhanh nhất. Trong khi với chương trình 2018, xu hướng đã thay đổi. Yêu cầu của chương trình mới là phát triển tư duy thực tiễn, kết nối toán học với cuộc sống, giúp học sinh thấy được giá trị của toán học - giải quyết vấn đề thực tiễn.
Trong khi hiện nay vẫn tồn tại kiểu học “tủ”, học thuộc cách giải, đề thi lại yêu cầu hiểu bản chất, vận dụng, nên nhiều học sinh lúng túng, không giải được.
Học sinh sẽ thua nếu yếu kỹ năng, luyện đề quá sớm, bỏ qua nền tảng
Thầy Tuấn Anh cho rằng, một trong những vấn đề hiện nay là thí sinh yếu kỹ năng đọc hiểu mô hình bài toán. Với những bài toán có tính thực tiễn, giải quyết vấn đề, tình huống, yêu cầu trước tiên đối với học sinh là hiểu đề, biết dùng ngôn ngữ toán học để diễn đạt lại tình huống thực tế, từ đó sử dụng các công cụ toán học giải quyết vấn đề.
Thầy Tuấn Anh lo ngại việc luyện đề thi nâng cao quá sớm, bỏ qua nền tảng, không hiểu lý thuyết khiến một bộ phận học sinh chưa vững kiến thức từ lớp 6 đến lớp 8 càng yếu các kiến thức và kỹ năng căn bản như: Biến đổi biểu thức, phân tích đa thức, giải phương trình, các tính chất của tam giác, tứ giác thường gặp, tam giác đồng dạng... Các em cũng có thể ôn tập không toàn diện, quá chú trọng vào một vài chủ đề mình thích, bỏ qua chủ đề quan trọng khác.
Mặt khác, chưa có chiến lược làm bài thi, chẳng hạn làm bài theo thứ tự từ câu đầu tiên tới câu cuối, suy nghĩ quá lâu một bài khó, bỏ qua những câu khác có thể làm được... cũng khiến điểm thi chưa thể hiện đúng năng lực. Do vậy, theo thầy, biết cách phân bố thời gian khi làm bài thi rất quan trọng. Nguyên tắc cơ bản là làm từ câu dễ (câu mình làm được chắc đúng) tới câu khó (câu chưa nghĩ ra hướng giải), không nên dừng lại ở một câu quá lâu.
Thầy Tuấn Anh cũng nêu, học sinh thường chưa quen với áp lực thi tuyển, tâm lý yếu. Có nhiều em khi luyện đề ở nhà làm bài rất tốt, nhưng khi vào phòng thi thì mất bình tĩnh, quên kiến thức, làm sai cả bài đơn giản. “Với môn Toán chỉ cần mất tập trung vài phút hoặc có sai lầm nhỏ là coi như tổng thể bài toán mất nhiều điểm”, giáo viên này nói.
Ngoài ra, các đề kiểm tra trên lớp thường ngắn, dễ, không khó như đề thi tuyển sinh. Cho nên nếu học sinh không giải các đề thi tương đương với đề thi thử (giải lại đề thi của các năm trước) thì rất dễ bị “ngợp” khi thi thật. Cộng thêm việc mất tâm lý từ khi tiếp cận đề, các em sẽ rất khó khăn khi làm bài trong phòng thi.
Thầy Tuấn Anh khuyên, việc được tiếp cận, giải các đề thi tương đương với đề thi thật trong quá trình ôn thi mang lại nhiều lợi thế. Trước tiên, việc làm quen với cấu trúc của đề thi thật giúp học sinh hiểu rõ đề thi có bao nhiêu câu, mỗi phần chiếm bao nhiêu điểm, thời gian làm bài bao lâu, từ đó rèn được kỹ năng phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài, hiểu rõ dạng bài đặc trưng của đề thi, định hướng ôn tập sát yêu cầu thực tế.
Giai đoạn chuyển giao, sẽ có độ vênh nhất định
Thầy Tuấn Anh cho rằng, chương trình giáo dục đang trong quá trình chuyển đổi từ cũ sang mới, nên có độ vênh nhất định giữa nội dung học tập và hình thức ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10, khiến học sinh gặp khó khăn và kết quả thi chưa cao, đặc biệt là môn Toán. Học sinh ngoài việc hiểu kiến thức, giải được bài tập rèn kỹ năng tính toán, còn phải biết chủ động liên hệ thực tế. Giáo viên từ việc giảng dạy về kiến thức toán thuần túy, nay cần thêm định hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề và mô hình hóa toán học, liên hệ kiến thức với thực tiễn.

Trong quá trình chuyển đổi chương trình giáo dục, hệ thống tài liệu và kinh nghiệm giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh chưa đủ nhiều. Cách học và cách dạy cũng cần thời gian thay đổi cho phù hợp với yêu cầu mới của chương trình giáo dục mới.
Thầy Tuấn Anh ủng hộ kiểu đề thi vào lớp 10 của TPHCM vì tính chất quan trọng của kỳ thi tuyển sinh này, tránh được việc chọn ra học sinh học tủ, học Toán thụ động, không biết dùng Toán trong xử lý tình huống cuộc sống…
“Mục tiêu của kỳ thi là tuyển được những học sinh hiểu kiến thức Toán thực sự, không phải giải được vì học thuộc bài mà là quá trình phân tích, sáng tạo của tư duy, thể hiện được trí tuệ”, vị giáo viên nêu.
Nhìn lại điểm thi toán ở các năm trước, thầy Tuấn Anh cho rằng, việc gần 50% số bài thi có điểm dưới 5 là chỉ dấu để xem lại cách học của học sinh, cải thiện và thay đổi việc dạy của giáo viên, để việc học Toán đem lại giá trị thực và ngày càng có nhiều học sinh giỏi sau này trở thành chuyên gia có thể đem lại giải pháp cho các vấn đề của xã hội.
“Để có con số thống kê đẹp, chỉ cần cho đề thật quen, dễ hơn, nhưng điều đó đồng nghĩa với hạ thấp yêu cầu tuyển sinh, dẫn tới việc các trường top sẽ khó tuyển chọn được học sinh giỏi. Cho nên việc 50% số học sinh có điểm thi dưới 5 cần được nhìn tích cực, tránh cảm tính rằng đạt điểm đó là học sinh học kém", thầy Tuấn Anh nói.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thi-lop-10-nam-2025-chuong-trinh-moi-tphcm-co-pha-dop-45-000-diem-toan-duoi-5-2400734.html
Bình luận (0)