Đây là mô hình đào tạo đang được Tập đoàn FPT xây dựng và mong muốn thử nghiệm trong hệ thống giáo dục cấp 2, cấp 3 của mình nhằm phát triển nguồn nhân lực AI chất lượng cao ngay từ trên ghế nhà trường. Với sinh viên, họ được đào tạo và trang bị kỹ năng AI để sẵn sàng bước vào thời đại số.

Tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2025 tổ chức ngày 27/5, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, chỉ ra với AI không chỉ là một ngành mà còn là hạ tầng của các ngành công nghiệp, thay đổi tất cả các lĩnh vực đời sống con người.

Để Việt Nam trở thành trung tâm AI, trung tâm số của khu vực vào năm 2045 như Nghị quyết 57 đã đặt ra, ông cho rằng chúng ta cần làm chủ cuộc đua AI mới thông qua tự chủ công nghệ AI và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao dồi dào.

W-dao tao nhan luc ai.jpg
Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, chia sẻ về tự chủ công nghệ AI và đào tạo nguồn nhân lực AI. Ảnh: Du Lam

Mới đây, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật mật mã, Trường ĐH FPT đã thành lập Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57.

Mục tiêu của liên minh là góp phần xây dựng và phát triển một thế hệ nhân sự có năng lực chuyên môn tốt, am hiểu công nghệ, được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, sẵn sàng tham gia triển khai Nghị quyết 57.

Một yếu tố quan trọng khác giúp Việt Nam làm chủ cuộc đua AI là tự chủ AI. Ông Tú dẫn ví dụ về mô hình DeepSeek của Trung Quốc để gợi mở một cách tiếp cận, đó là đứng trên vai “người khổng lồ” để tạo đột phá, mô hình mới, cải tiến mô hình sẵn có bằng mã nguồn mở.

Ông cũng tự tin rằng, tương tự các thế hệ AI trước đây, doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các công ty lớn trong công nghệ AI mới.

Dù vậy, một điểm chúng ta đang rất thiếu là dữ liệu, đặc biệt dữ liệu chuyên ngành như y tế, giáo dục, bảo hiểm, do chưa ứng dụng số rộng rãi.

Đại diện FPT đề xuất cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc chuyển đổi số trong các ngành quan trọng để có dữ liệu tốt hơn, xây dựng các sản phẩm AI cho Việt Nam.

Ngoài ra, cũng cần chú ý đến hạ tầng tính toán AI. Với hạ tầng này, ý tưởng về AI vốn mất 45 ngày để huấn luyện và thử nghiệm nay rút ngắn xuống chỉ còn 1 ngày tại FPT.

Hạ tầng tính toán AI có thể sử dụng cho các bài toán lớn của Việt Nam trong tương lai gần.

‘Mẹ tôi giáo viên tiểu học 30 năm còn biết ứng dụng ChatGPT’Dẫn câu chuyện từ người mẹ làm giáo viên tiểu học 30 năm vẫn biết cách dùng ChatGPT, các chuyên gia kêu gọi giới trẻ không ngừng học tập và làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/thu-nghiem-lop-hoc-dao-nguoc-de-dao-tao-nguon-nhan-luc-ai-2405391.html