Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thực phẩm chức năng giả: Bẫy ngầm âm thầm đầu độc sức khỏe

(Dân trí) - Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều đường dây làm giả thực phẩm chức năng. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, vừa mất tiền vừa lo ảnh hưởng đến sức khỏe.

Báo Dân tríBáo Dân trí22/05/2025

Vô vàn hệ lụy sức khỏe do thực phẩm chức năng giả

Thực phẩm chức năng giả: Bẫy ngầm âm thầm đầu độc sức khỏe - 1

Tại Việt Nam, hiện nay vẫn còn sự nhập nhằng giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh (Ảnh minh họa: Istock). 

Thực phẩm chức năng được định nghĩa là sản phẩm thực phẩm hỗ trợ các chức năng trong cơ thể, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, giúp cơ thể thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ và tác hại của bệnh tật. Khi sử dụng đúng cách và phù hợp, chúng có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, thừa nhận, hiện nay khái niệm thực phẩm chức năng vẫn còn nhiều điểm nhập nhằng và gây hiểu lầm, đặc biệt với người tiêu dùng phổ thông.

Chẳng hạn, nhập nhằng giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh, thiếu sự phân biệt giữa các loại thực phẩm chức năng (thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học...), không rõ ràng về tiêu chuẩn sản xuất và kiểm soát chất lượng, quảng cáo thổi phồng, khó xác định hiệu quả và tác dụng thực tế...

"Nhiều người nhầm rằng mọi thực phẩm chức năng đều đã được kiểm duyệt như thuốc, trong khi thực tế, nhiều sản phẩm chỉ cần công bố tiêu chuẩn chứ không qua thử nghiệm lâm sàng hay kiểm định nghiêm ngặt. GMP (Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) mới chỉ là yêu cầu bắt buộc gần đây và chưa được giám sát đồng bộ", TS Sơn nói.

Thực phẩm chức năng giả: Bẫy ngầm âm thầm đầu độc sức khỏe - 2
Thực phẩm chức năng giả: Bẫy ngầm âm thầm đầu độc sức khỏe - 3

Các sản phẩm chức năng giả vừa bị công an Hà Nội thu giữ (Ảnh: Công an Hà Nội).

Trong khi đó, thực phẩm chức năng giả là sản phẩm mạo danh thực phẩm chức năng, không đảm bảo về thành phần, quy trình sản xuất, chất lượng và nguồn gốc.

Trong đó, có thể bao gồm sản phẩm không chứa hoạt chất công bố (gian dối thành phần) hoặc không đạt về hàm lượng; chứa chất cấm, tạp chất độc hại (kim loại nặng, corticoid, sibutramine…); sản phẩm nhái bao bì, tên gọi, gắn mác "chính hãng", được quảng cáo sai lệch về công dụng.

Việc sử dụng các thực phẩm chức năng giả tiềm ẩn nhiều mối nguy đến sức khỏe.

Cụ thể, theo TS Sơn, trước hết, việc sử dụng các sản phẩm giả này sẽ không mang lại tác dụng mong muốn. Thực phẩm chức năng giả thường không có hoạt chất công bố, liều lượng không chuẩn. Điều này gây hiệu ứng "giả điều trị", khiến người bệnh bỏ lỡ cơ hội điều trị y tế chính thống.

Chẳng hạn, trẻ được chỉ định dùng thực phẩm chức năng để bổ sung canxi, tăng chiều cao, cải thiện tiêu hóa..., nếu sử dụng sản phẩm giả trẻ dễ bỏ lỡ thời điểm vàng phát hiện do thiếu hụt, dễ khiến bác sĩ chẩn đoán sai vì tưởng trẻ đã được bổ sung đúng cách.

Thứ hai, chúng có thể gây ngộ độc cấp hoặc mãn tính do chất cấm. Một số chất nguy hiểm có thể có trong thực phẩm giả là:

- Corticoid (dùng trong thực phẩm giả trị xương khớp): Gây suy tuyến thượng thận, loãng xương, tăng đường huyết.

- Sibutramine (có trong các sản phẩm giảm cân): Gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, đã bị cấm ở nhiều nước.

- Chì, thủy ngân, arsen (kim loại nặng): Gây tổn thương gan, thận, thần kinh, thậm chí ung thư khi tích lũy lâu dài.

Thứ ba, sản phẩm giả không đảm bảo được tỷ lệ hấp thu an toàn và độ tinh khiết có thể gây rối loạn tiêu hóa, dị ứng, thậm chí nhiễm độc. 

Thực phẩm chức năng giả: Bẫy ngầm âm thầm đầu độc sức khỏe - 4
Thực phẩm chức năng giả: Bẫy ngầm âm thầm đầu độc sức khỏe - 5

Một số sản phẩm được cơ quan công an xác định là giả gần đây (Ảnh: CAND, VTV, chụp màn hình). 

Thứ tư, chúng có thể gây dị ứng, phản ứng bất lợi. Người dị ứng với thành phần không được khai báo có thể gặp tình trạng dị ứng. Người đang dùng thuốc khác, nếu dùng thực phẩm chức năng giả có chứa hoạt chất tương tác, dễ gây biến chứng do tương tác thuốc.

Thứ năm, các sản phẩm giả có thể gây tác động nguy hiểm đến trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.

"Đây là những đối tượng có thể trạng cơ thể yếu, chuyển hóa chưa hoàn thiện hoặc nhạy cảm. Vì thế, việc dùng thực phẩm chức năng không được kiểm soát về chất lượng có thể dẫn đến nguy cơ tổn thương gan thận, rối loạn tăng trưởng, dị tật thai nhi", TS Sơn phân tích.

Thực phẩm chức năng không thể chữa khỏi bệnh

Sử dụng thực phẩm chức năng, người dân cũng cần chú ý liều lượng, khoảng thời gian dùng sản phẩm. Có những sản phẩm có thể dùng an toàn trong thời gian dài. Tuy nhiên, có một số sản phẩm được khuyến cáo chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, từ vài tuần đến vài tháng rồi ngưng một thời gian.

TS Sơn đặc biệt lưu ý người dân tuyệt đối không tin vào các quảng cáo quá đà. Trong đó, cẩn thận với các quảng cáo có nội dung như "chữa khỏi ung thư, tiểu đường, xương khớp…", "được bác sĩ khuyên dùng" nhưng không dẫn nguồn xác thực, có người nổi tiếng livestream giới thiệu, đặc biệt khi không trích dẫn bằng chứng khoa học cụ thể.

"Thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, không có tác dụng điều trị bệnh như thuốc. Nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo như là "thuốc chữa bệnh", "trị khỏi hoàn toàn", "cắt cơn bệnh mãn tính", khiến người dùng lầm tưởng. Điều này dẫn đến việc người bệnh bỏ điều trị y tế chính thống để dùng thực phẩm chức năng, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe", TS Sơn nhấn mạnh.

Chúng ta cũng cần thận trọng khi kết hợp thuốc với thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng bổ sung canxi, sắt, magie, kẽm có thể làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh đường uống.

Thực phẩm chức năng giả: Bẫy ngầm âm thầm đầu độc sức khỏe - 6
Người dân tuyệt đối không tin vào các quảng cáo quá đà. Thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, không có tác dụng điều trị bệnh như thuốc.
TS.BS Trương Hồng Sơn Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam

Làm thế nào để chọn thực phẩm chức năng an toàn?

Theo TS Sơn, người dân nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng trước khi mua bổ sung, đặc biệt nếu bạn đang mang thai, cho con bú, hoặc có bệnh lý nền, đang dùng thuốc điều trị để tránh tương tác nguy hiểm.

Các loại thực phẩm chức năng đang rất phổ biến trên thị trường. Điều đáng ngại là những cửa hàng hay các trang mạng, fanpage chỉ là những người bán hàng không có chuyên môn y dược nhưng lại tư vấn, hướng dẫn cho khách.

"Đặc biệt, rất ít người đi khám, kiểm tra xem thiếu chất gì và tuân thủ bổ sung theo chỉ định của bác sĩ. Thay vào đó, họ đặt niềm tin vào "bác sĩ Google", tự tìm hiểu thông tin hoặc nghe truyền tai nhau về một sản phẩm nào đó mà không biết rằng mình là người ảnh hưởng trực tiếp", TS Sơn nói.

Bên cạnh đó, chúng ta cần kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm, thành phần thực phẩm chức năng. Chỉ mua tại nhà thuốc uy tín, chuỗi bán lẻ lớn, hoặc trang thương mại chính hãng và có uy tín.

Người dùng ưu tiên sản phẩm có tem chống giả, mã QR truy xuất nguồn gốc. Tránh mua sản phẩm trôi nổi, rao bán qua mạng xã hội, livestream không có địa chỉ rõ ràng; đồng thời lưu lại tất cả các hóa đơn mua bán sản phẩm để đối soát trong trường hợp cần thiết.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/thuc-pham-chuc-nang-gia-bay-ngam-am-tham-dau-doc-suc-khoe-20250522081801532.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm