Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thuốc giả là 'rào cản' làm giảm tăng trưởng của...

Ngành dược Việt Nam hiện đang trên đà phát triển mạnh, với quy mô thị trường được dự báo sẽ đạt khoảng 16 tỷ USD vào năm 2026. Dù tiềm năng tăng trưởng và sức hấp dẫn đầu tư là rất lớn, ngành này vẫn đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng từ tình trạng thuốc giả và các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông19/05/2025


Góc khuất mang tên “thuốc giả”

Ngành dược phẩm đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chiều sâu phát triển. Theo số liệu từ Statista, thị trường dược phẩm toàn cầu đã cán mốc khoảng 1.500 tỷ USD trong năm 2023 và được kỳ vọng tiếp tục bứt phá trong thập kỷ tới nhờ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và sự bùng nổ của công nghệ y sinh.

Tại Việt Nam, ngành dược cũng không nằm ngoài xu thế ấy. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 10–12%/năm, ngành được kỳ vọng sẽ đạt giá trị khoảng 16 tỷ USD vào năm 2026 – đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Hiện cả nước có khoảng 238 nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, đáp ứng gần 70% nhu cầu nội địa. Hệ thống phân phối cũng mở rộng mạnh mẽ với hơn 5.000 cơ sở bán buôn và khoảng 65.000 nhà thuốc, quầy thuốc bán lẻ trải khắp các tỉnh thành.

Không chỉ những “ông lớn” truyền thống như Traphaco, Imexpharm, DHG, Domesco, hay Bidiphar đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ sản xuất và quản lý chất lượng, mà còn có sự gia nhập của các “tay chơi mới” như Vingroup, Masan Group, FPT Retail, góp phần tạo nên một cuộc cạnh tranh quyết liệt, thúc đẩy thị trường dược nội địa dịch chuyển từ mô hình cũ sang một hệ sinh thái hiện đại, đa tầng, liên kết chặt chẽ từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối đến xuất khẩu.

Thuốc giả là rào cản của ngành dược Việt Nam đang trên đà tăng trưởng

Dù tiềm năng tăng trưởng và sức hấp dẫn đầu tư là rất lớn, ngành dược vẫn đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng từ tình trạng thuốc giả và các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, cổ phiếu ngành dược ngày càng được đánh giá là “hầm trú ẩn an toàn” cho dòng vốn đầu tư nhờ tính ổn định và nhu cầu tiêu dùng không đổi. Những doanh nghiệp có chiến lược mua bán – sáp nhập (M&A) hiệu quả, sở hữu mạng lưới phân phối sâu rộng và tiềm năng xuất khẩu thường xuyên lọt vào “tầm ngắm” của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Đồng thời, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ y tế (healthtech), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain truy xuất nguồn gốc thuốc cũng đang trở thành “miền đất hứa” của dòng vốn mạo hiểm.

Tuy nhiên, đằng sau bức tranh tươi sáng ấy là một góc khuất nhức nhối mang tên “thuốc giả” và thuốc kém chất lượng – vấn nạn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, làm xói mòn niềm tin vào hệ thống y tế và làm tổn hại hình ảnh ngành dược Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2024, trong tổng số 43.197 mẫu thuốc, dược liệu và mỹ phẩm được kiểm nghiệm, có tới 228 mẫu không đạt chất lượng, chiếm 0,53%. Đặc biệt, nhóm dược liệu truyền thống vi phạm tới 3,04%, mỹ phẩm 1,5% và đông dược 0,4% – những con số không lớn nhưng là lời cảnh tỉnh rõ ràng về những “lỗ hổng” trong kiểm soát chất lượng, nhất là khi những sản phẩm này gắn liền với điều trị, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe lâu dài.

Dù Bộ Y tế đã triển khai hàng trăm đợt thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, song các chuyên gia đánh giá công tác kiểm tra, giám sát hiện vẫn chưa theo kịp quy mô và tốc độ phát triển của thị trường.

Một phần do thiếu nhân lực chuyên môn sâu, thiết bị kiểm nghiệm hiện đại, và cả hạn chế về năng lực pháp lý trong xử lý sai phạm xuyên biên giới – đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử, nơi thuốc giả, mỹ phẩm giả dễ dàng luồn lách qua các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội.

Những phân khúc chưa được chuẩn hóa như thuốc đông y, dược liệu tự nhiên, mỹ phẩm handmade... đang trở thành “vùng trũng” trong nỗ lực chuẩn hóa và nâng tầm ngành dược Việt Nam. Sự nhập nhèm giữa sản phẩm truyền thống và sản phẩm hiện đại, giữa quảng cáo phóng đại và hiệu quả thực tế đang khiến không ít người tiêu dùng rơi vào “ma trận niềm tin”.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng cần có chiến lược quốc gia về phòng chống thuốc giả, bao gồm tăng cường đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm, ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc, thiết lập cơ chế cảnh báo sớm và nâng cao vai trò kiểm tra hậu kiểm.

Đồng thời, truyền thông, báo chí, người nổi tiếng và các hiệp hội ngành nghề cũng cần vào cuộc tích cực để nâng cao nhận thức người dân, hình thành “hàng rào phòng thủ mềm” từ cộng đồng chống lại nạn thuốc giả và thuốc kém chất lượng.

Chỉ khi ánh sáng của minh bạch và chuẩn hóa phủ khắp toàn ngành, “góc khuất” mang tên thuốc giả mới thật sự bị xóa mờ – để ngành dược không chỉ phát triển về số lượng mà còn vững vàng về chất lượng, vì một tương lai chăm sóc sức khỏe an toàn, hiệu quả và bền vững cho người Việt.

Không phải cuộc chơi “đánh nhanh, thắng nhanh”

Dù được xem là một lĩnh vực tiềm năng, ngành dược không dành cho những nhà đầu tư ngắn hạn. Với chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) ở mức cao, thời gian đưa sản phẩm ra thị trường kéo dài, quy định pháp lý nghiêm ngặt cùng sự cạnh tranh khốc liệt từ các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia, đây là một “cuộc đua đường dài” thực sự.

Chưa kể, xu hướng siết chặt chính sách bảo hiểm y tế và kiểm soát giá thuốc tại nhiều quốc gia đang ngày càng thu hẹp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Chính vì vậy, một chiến lược đầu tư bài bản cần bắt đầu từ việc chọn lọc kỹ lưỡng những doanh nghiệp có nền tảng tài chính ổn định, hệ thống phân phối hiệu quả, sản phẩm đạt chuẩn và năng lực đổi mới công nghệ.

Đặc biệt, các công ty có định hướng phát triển dài hạn thông qua số hóa, đẩy mạnh nghiên cứu – hợp tác quốc tế và cam kết tuân thủ đạo đức kinh doanh sẽ nắm giữ nhiều lợi thế cạnh tranh trên chặng đường phía trước.

Thuốc giả là rào cản của ngành dược Việt Nam đang trên đà tăng trưởng

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả qui mô lớn tháng 4/2025 (ảnh tư liệu công an).

Ngoài ra, lựa chọn đầu tư vào các quỹ ETF chuyên ngành hoặc cổ phiếu của các tập đoàn dược lớn trên thế giới cũng là hướng đi an toàn, mang lại tiềm năng sinh lời bền vững – nhất là trong bối cảnh toàn cầu đang đặt ưu tiên hàng đầu vào lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

Trong cuộc đua tỷ đô này, ông Nguyễn Quang Thái – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh – nhận định, chỉ những doanh nghiệp có “chất lượng thật” mới có khả năng đi đường dài. Việc sở hữu nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, năng lực quản trị chất lượng cao cùng khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại – từ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học đến blockchain – chính là “tấm hộ chiếu” để doanh nghiệp dược Việt vươn ra thị trường quốc tế.

Trước thực trạng thuốc giả tràn lan, ông Phan Văn Hiệu – Chủ tịch Công ty Dược phẩm CVI – cho biết, các doanh nghiệp dược trong nước đang chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn uy tín thương hiệu. Một trong những bước đi quan trọng là đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã vạch, QR code, blockchain nhằm kiểm chứng tính xác thực.

Song song đó, các doanh nghiệp cũng tăng cường hoạt động kiểm tra chất lượng tại nhà máy và kênh phân phối; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi sản xuất và buôn bán thuốc giả.

Bên cạnh giải pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm chính hãng, đảm bảo chất lượng cũng là chiến lược bền vững để xây dựng niềm tin và giảm thiểu rủi ro trên thị trường dược phẩm.


Nguồn: https://baodaknong.vn/thuoc-gia-la-rao-can-lam-giam-tang-truong-cua-nganh-duoc-viet-nam-dang-252989.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm