Thuốc nào cũng đủ giấy phép
"Thuốc nào cũng đủ giấy tờ, muốn biết chính xác thật giả thì phải đợi cơ quan chức năng công bố".
Nội dung chia sẻ trên không phải là hiếm gặp trong quá trình phóng viên báo Dân trí khảo sát thực tế tại nhiều hiệu thuốc lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội, sau khi liên tiếp các vụ việc thuốc, thực phẩm chức năng giả bị phanh phui thời gian vừa qua.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đang liên tục thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận công bố sản phẩm đối với hàng loạt thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định.
Cùng với đó, nhiều Công ty có công văn gửi Cục An toàn thực phẩm về việc xin rút hồ sơ liên quan tới sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Danh sách 10 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh phẩm Nam Việt công bố thu hồi hiệu lực (Ảnh: chụp màn hình).
Ghi nhận thực tế cho thấy, các nhà thuốc khẳng định 100% sản phẩm của mình đều có đầy đủ các giấy phép cần thiết.
Khi phóng viên đề cập đến Melatonin B6 - một trong 10 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị Cục An toàn thực phẩm thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký ngày 21/5, nhiều hiệu thuốc chia sẻ với cái lắc đầu: "Bên mình không có sản phẩm đấy".
Tại một cơ sở thuộc hệ thống nhà thuốc lớn tại đường Phạm Ngọc Thạch, trình dược viên khẳng định: "Anh chị yên tâm, bên em không bán hàng giả, hàng nhái đó đâu. Các sản phẩm ở đây đều có giấy tờ công bố".

Nhiều nhà thuốc được khảo sát khẳng định không bán các sản phẩm sức khỏe nằm trong danh sách bị thu hồi giấy phép (Ảnh: CTV).
Khảo sát thêm 5 nhà thuốc lớn trên địa bàn các quận tại Hà Nội, phóng viên đều nhận được lời khẳng định không bán, chưa từng bán các sản phẩm bị cơ quan chức năng phát hiện là hàng giả trong thời gian qua.
Tại một nhà thuốc trên đường Vũ Trọng Phụng, khi phóng viên thắc mắc "làm sao để người dùng kiểm chứng được chất lượng sản phẩm", người bán khẳng định tất cả thuốc ở đây khi nhập đều có hóa đơn, giấy chứng nhận.
Theo lời người bán, suốt nhiều năm hoạt động tại khu vực, nhà thuốc chưa từng ghi nhận trường hợp khách hàng phàn nàn về sản phẩm. Họ cũng cho biết đã cẩn thận chọn lọc nguồn hàng từ nhiều nhà phân phối để đảm bảo chất lượng.
Muốn biết thật giả phải đợi... cơ quan chức năng
Tại một nhà thuốc lớn trên đường Láng Hạ, phóng viên đề cập muốn mua viên uống bổ mắt vì làm việc với máy tính nhiều. Khi được người bán giới thiệu một sản phẩm trên nhãn mác có chữ nước ngoài, chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ thì nhận lại sự khó chịu.

Nhà thuốc than khó khi thuốc đầy đủ giấy tờ vẫn dính hàng giả (Ảnh minh họa: Getty).
"Tôi chỉ là người bán hàng thôi, còn bên nhập hàng là bộ phận khác. Còn muốn biết thuốc giả hay thuốc thật thì phải đợi Bộ Y tế xác minh chứ bên tôi nhập hàng là có giấy tờ, hóa đơn đầy đủ", người bán nói.
Cùng thắc mắc về nguồn gốc khi được giới thiệu một sản phẩm có thương hiệu không phổ biến tại một quầy thuốc gần Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội), trình dược viên thẳng thắn trả lời: "Bên tôi bán thuốc ngay trước cổng bệnh viện nên không phải lo là thuốc giả, luôn có bên của Bộ Y tế đến kiểm tra".
Người này còn giải thích thêm, thuốc giả là thuốc mà khi kiểm định phát hiện thành phần thấp hơn 70% thông tin trên nhãn.
Một nhà thuốc trên đường Nhân Hòa chia sẻ: "Mình mà bán hàng rẻ quá thì chất lượng không được đảm bảo. Thuốc nhà mình có hóa đơn đàng hoàng. Hàng này mình bán bao nhiêu năm nay, khách cũng mua nhiều năm rồi chứ có phải cứ có hóa đơn là mình nhập về đâu, thuốc của công ty nào uy tín thì mình mới nhập hàng".
Trả lời phỏng vấn của Dân trí, các chuỗi nhà thuốc lớn cho biết đều áp dụng chặt chẽ nhiều biện pháp kiểm soát, như: Chủ động lấy mẫu ngẫu nhiên các sản phẩm mang đi kiểm định độc lập, siết lại quy trình nhập hàng, lưu kho, vận chuyển hàng đến từng nhà thuốc nghiêm ngặt, minh bạch trong việc công bố số đăng ký của các sản phẩm thuốc và giấy công bố của các sản phẩm thực phẩm chức năng trên website và ứng dụng...
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể dễ dàng tra cứu nguồn gốc qua hóa đơn mua hàng, giúp xác thực đảm bảo sản phẩm đúng tiêu chuẩn, an toàn và tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
Người dùng lo ngại: "Biết tin vào đâu!"
Sáng 21/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin, cơ quan này ra quyết định thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng kí bản công bố 12 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó, chỉ riêng Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh phẩm Nam Việt đã có 10 sản phẩm trong danh sách này.

Công an Hà Nội thu giữ 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả (Ảnh: Công an Hà Nội)
Điều này khiến người dân không khỏi lo ngại, nhất là trong bối cảnh thông tin về hàng giả, hàng nhái liên tục xuất hiện và ngày càng phổ biến.
Sau hàng loạt các vụ việc liên quan sản phẩm bảo vệ sức khỏe, chị Tạ Thị Dương Thúy (SN1980, Hà Nội) không giấu nổi sự lo lắng.
"Tôi thường xuyên mua thực phẩm chức năng cho cả nhà. Nhưng giờ thì hoang mang thật sự, vì có giấy phép rồi mà vẫn phát hiện hàng kém chất lượng. Biết tin vào đâu cho đúng nữa?", chị Thúy băn khoăn.
Chị Thúy cho rằng, trong bối cảnh này, người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình, không nên ham rẻ, chỉ nên chọn mua sản phẩm từ các nhà thuốc, thương hiệu có uy tín, minh bạch về nguồn gốc.

Một số loại thuốc giả được cơ quan chức năng thu giữ trong vụ bắt giữ 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả (Ảnh: Công an Hà Nội).
"Đây là sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Một khi dùng phải hàng giả hay kém chất lượng, hậu quả có thể rất nghiêm trọng", chị nhấn mạnh.
Cùng chung nỗi lo trên, bà Vũ Thị Ngoan (SN1975, Quảng Ninh) chia sẻ: "Tôi hay mua nhiều loại thực phẩm chức năng khác nhau, dùng thử rồi xem loại nào phù hợp. Giờ đọc tin thu hồi mới giật mình không biết mình đã từng sử dụng sản phẩm nào nằm trong danh sách đó chưa".
"Quả thực không biết làm thế nào để tránh hàng giả", người phụ nữ bày tỏ lo lắng.
Bà Ngoan bày tỏ bức xúc khi thông tin về các sản phẩm không đạt chuẩn thường được công bố quá muộn, trong khi người dân đã sử dụng từ lâu: "Với những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chậm trễ trong kiểm soát là điều rất đáng lo ngại".

Đường dây làm thuốc giả ở Thanh Hóa gây rúng động dư luận (Ảnh: Công an Thanh Hóa).
Tháng 4/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn, bắt giữ 14 đối tượng. Lực lượng chức năng thu giữ gần 10 tấn thuốc giả và nguyên liệu, bao gồm 21 loại thuốc giả như Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion, cùng hàng chục nghìn hộp thuốc đông dược giả.
Đường dây này đã hoạt động từ năm 2021 và tiêu thụ sản phẩm trên toàn quốc, thu lợi bất chính khoảng 200 tỷ đồng.
Cùng khoảng thời gian trên, Công an TPHCM đã triệt phá đường dây sản xuất thuốc chữa bệnh giả do Ngô Kim Diệu và Nguyễn Thị Ngọc Hương cầm đầu, thu giữ 1.164 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu các loại (trong đó có hơn 56.000 đơn vị sản phẩm thuốc giả, còn lại là nguyên liệu hoặc thuốc chưa thành phẩm); 1.600kg bột nguyên liệu dùng để sản xuất viên nén thuốc giả; 5 hệ thống máy móc để đóng viên nang, ép vỉ, đóng viên nang, đóng lọ, cán nóng ép miệng túi bao bì chứa thuốc...
Các sản phẩm giả mang 33 thương hiệu khác nhau, chủ yếu là thuốc đông y kết hợp tân dược điều trị các bệnh như đau xương khớp, viêm mũi, dạ dày, tim mạch, thần kinh…
Sáng 23/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế luôn xác định thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm… đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bộ trưởng cho biết, quan điểm của Bộ về xử lý hàng giả trong lĩnh vực y tế là phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/thuoc-nao-cung-du-giay-phep-nha-thuoc-than-troi-20250522190148939.htm
Bình luận (0)