Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiềm năng phát triển tín chỉ carbon xanh từ biển

Đầu năm 2025, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Khi thị trường đi vào hoạt động (dự kiến tháng 6-2025) sẽ mở ra cơ hội mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ carbon, hướng đến quốc gia có mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng bậc nhất cả nước, Khánh Hòa có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển "thị trường triệu USD" từ hoạt động mua bán tín chỉ carbon xanh.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa21/05/2025

Lợi ích kinh tế, môi trường từ tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon là đơn vị đo lường quyền phát thải hoặc quyền bù đắp một tấn khí nhà kính (chủ yếu là CO₂). Ví dụ như một công ty, tổ chức hay quốc gia thải ra CO₂ vượt hạn mức, họ phải mua tín chỉ carbon để cân bằng lượng phát thải đó. Carbon xanh (CO₂e) là lượng carbon được giữ lại trong các hệ sinh thái biển có thể quản lý như: Rừng ngập mặn, đầm lầy thủy triều và thảm cỏ biển, giúp giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải vào bầu khí quyển. Thực tế ở Việt Nam, việc mua bán tín chỉ carbon đã diễn ra vào đầu năm 2024. Ngân hàng Thế giới (WB) đã chuyển khoản tiền trị giá 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng cho Việt Nam sau khi mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng.

Hệ sinh thái biển ở vịnh Nha Trang.
Hệ sinh thái biển ở vịnh Nha Trang.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Lộc - Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết, bên cạnh tiềm năng phát triển tín chỉ carbon rừng, Khánh Hòa còn có bờ biển dài nhất Việt Nam, với khoảng 385km, có gần 200 đảo lớn nhỏ,… có các hệ sinh thái biển đa dạng như: Rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và đầm lầy ven biển. Những hệ sinh thái này có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon đáng kể, mang lại tiềm năng lớn cho các dự án tín chỉ carbon xanh từ biển.

Từ các kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Hải dương học ước tính, tổng diện tích phân bố của các rạn san hô ở các khu vùng biển ven bờ Khánh Hòa hơn 3.256ha. Trong đó, vịnh Vân Phong có diện tích lớn nhất, với 1.618ha, khu vực đầm Thủy Triều 868ha, vịnh Nha Trang 770ha. Tổng diện tích các thảm cỏ biển ở tỉnh vào khoảng 1.862ha.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Lộc chia sẻ: “Hệ sinh thái biển có thể lưu trữ carbon với tỷ lệ cao gấp 2 - 5 lần so với rừng nhiệt đới trên cùng một đơn vị diện tích. Ví dụ, thảm cỏ biển có thể lưu trữ tới 83.000 tấn carbon trên mỗi kilômét vuông mỗi năm, trong khi rừng ngập mặn có thể lưu trữ tới 1.000 tấn carbon trên mỗi héc-ta. Carbon được lưu trữ trong trầm tích biển có thể giữ lại trong nhiều thiên niên kỷ, khiến các hệ sinh thái này trở thành bể chứa carbon dài hạn quan trọng. Ngoài khả năng lưu trữ carbon xanh, hệ sinh thái biển còn mang lại nhiều lợi ích bổ sung, bao gồm bảo vệ bờ biển, đa dạng sinh học và hỗ trợ nghề cá”.

Hệ sinh thái san hô ở vịnh Nha Trang.
Hệ sinh thái san hô ở vịnh Nha Trang.

Về cách thức thẩm định tín chỉ carbon xanh lưu giữ ở biển, Tiến sĩ Võ Trọng Thạch - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Vật lý ứng dụng, Viện Hải dương học cho biết: “Nhờ áp dụng phương pháp định lượng trữ lượng carbon theo tiêu chuẩn quốc tế được các tổ chức uy tín thẩm định, lượng carbon lưu giữ trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn, đầm lầy và thảm cỏ biển được đánh giá chính xác. Ví dụ, việc kết hợp công nghệ viễn thám với khảo sát thực địa cho phép quy đổi trực tiếp khối lượng carbon hấp thụ thành tín chỉ carbon xanh, đảm bảo tính minh bạch và khoa học. Các hoạt động giao dịch tín chỉ carbon xanh này không chỉ tạo nguồn thu bền vững mà còn khuyến khích đầu tư phục hồi hệ sinh thái biển tại tỉnh Khánh Hòa và trên toàn quốc. Do đó, việc triển khai các dự án tín chỉ carbon xanh từ hệ sinh thái biển không chỉ là hướng đi chiến lược và cần thiết mà còn mở ra cơ hội mới phát triển bền vững kinh tế, môi trường lâu dài cho tỉnh”.

Góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững 

Thời gian qua, tỉnh đã có những kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh, tập trung vào việc khai thác tiềm năng từ tài nguyên biển với các chính sách và đề án như: Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050; Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030 nhằm khai thác tối đa lợi thế biển để đạt được các mục tiêu kinh tế và môi trường bền vững. Trong đó, đã tập trung vào bảo vệ, phát huy nguồn tài nguyên biển như: Phát triển nuôi trồng rong biển; bảo vệ, phục hồi và phát triển rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn. 

Một khu vực biển Nha Trang.
Một khu vực biển Nha Trang.

Theo Tiến sĩ Võ Trọng Thạch, để tận dụng tối đa tiềm năng lưu trữ carbon xanh của biển cần bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các đầm lầy ven bờ; phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, giảm sử dụng hóa chất và kết hợp với bảo tồn sinh thái, đảm bảo đa dạng sinh học; khai thác năng lượng tái tạo từ gió và sóng biển qua các dự án điện gió ngoài khơi và điện sóng, góp phần giảm phát thải khí CO₂ và gia tăng tín chỉ carbon xanh cho địa phương.

Đồng thời, tỉnh cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và triển khai các công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo từ biển; đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu và bảo tồn biển, hướng tới xây dựng Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nghiên cứu, các dự án bảo tồn và phục hồi môi trường biển để thu hút các nguồn vốn quốc tế; khuyến khích phát triển các mô hình du lịch sinh thái bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường và tăng cường ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng và du khách; tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, thu hút đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án bảo tồn, phát triển tín chỉ carbon xanh từ biển…

Quyết định số 232, ngày 24-1-2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam đặt mục tiêu: Từ tháng 6-2025 đến hết năm 2028, sàn giao dịch carbon trong nước sẽ được vận hành thí điểm; sau đó sàn giao dịch tiềm năng này sẽ đi vào vận hành chính thức từ năm 2029. Thị trường carbon được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tạo cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp và tổ chức mua bán tín chỉ carbon, mở ra cơ hội thu hút đầu tư quốc tế vào các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ xanh. 

Tín chỉ carbon sinh thái thông thường hiện giao dịch trung bình khoảng 6,97 USD/tCO₂; trong khi tín chỉ carbon xanh từ các hệ sinh thái biển được bán ở mức 27,80 USD/tCO₂. Như vậy, tín chỉ carbon xanh đang được trả cao hơn từ 20 - 21 USD/tCO₂, tương đương mức chênh lệch 300 - 310 % so với tín chỉ carbon truyền thống.

THÁI THỊNH

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202505/tiem-nang-phattrientin-chi-carbonxanhtubien-24a59d9/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm