Ba chiến lược lớn về phát triển xanh
Tổng giám đốc BIDV cho biết, là một trong những định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam, với tổng dư nợ tín dụng đạt trên 2 triệu tỷ đồng, ngân hàng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cho những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế – từ phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng đến sản xuất công nghiệp và công nghệ cao. Thực hiện cam kết phát triển bền vững, BIDV đã triển khai ba định hướng chiến lược trọng yếu: Chuyển đổi toàn diện và tinh giản quy trình; Phát triển bền vững và thực hành ESG; Đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái số.
Ông Lê Ngọc Lâm thông tin, lộ trình ESG được BIDV kiên định thực hiện từ năm 2018, với việc xây dựng định hướng tín dụng xanh và tiên phong áp dụng Khung Quản lý Rủi ro Môi trường - Xã hội cho dự án sử dụng nguồn vốn quốc tế. Giai đoạn 2022–2024 ghi dấu bước tiến mạnh mẽ của BIDV với việc thành lập Ban QLDA Tài chính Bền vững; tích hợp quản lý rủi ro môi trường vào quy trình tín dụng, ban hành các Khung tài chính bền vững; thành lập Ban Chỉ đạo Chiến lược ESG do Chủ tịch HĐQT làm Trưởng ban; triển khai các sản phẩm tín dụng xanh theo ngành, khoản vay liên kết bền vững…
Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, tính đến ngày 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt tới 80.870 tỷ đồng – chiếm hơn 12% dư nợ tín dụng xanh toàn ngành ngân hàng Việt Nam. BIDV đã tài trợ tín dụng xanh cho 1.600 khách hàng với 1.982 dự án/phương án, trong đó dư nợ các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt gần 60.000 tỷ đồng, chiếm 74%; dư nợ công trình xanh đạt 6.500 tỷ, chiếm 8%; dư nợ khu công nghiệp xanh đạt 1.736 tỷ đồng, chiếm 2% và dư nợ nước sạch đạt 1.174 tỷ đồng, chiếm 1.5%. Đồng thời, BIDV đã huy động 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh, 3.000 tỷ đồng trái phiếu bền vững và 5.000 tỷ đồng tiền gửi xanh.
Nhiều gói tín dụng xanh lớn hỗ trợ doanh nghiệp
Lãnh đạo BIDV nhấn mạnh: “Nhận thức rõ vai trò của tài chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, BIDV đã tiên phong triển khai các gói tín dụng xanh với quy mô lớn, cơ chế ưu đãi linh hoạt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh. Trong đó, nổi bật là gói tín dụng trung dài hạn ưu đãi quy mô 75.000 tỷ đồng, tập trung cho các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, xây dựng và kinh doanh khu công nghiệp, khu chế xuất, và phát triển cơ sở hạ tầng logistic”.
Ngoài ra, ngân hàng cũng phát triển thêm các gói tín dụng chuyên biệt theo ngành, như gói tín dụng công trình xanh với quy mô 10.000 tỷ đồng, Gói tín dụng nước sạch, với dư nợ tối đa 5.000 tỷ đồng, gói tín dụng xanh cho ngành dệt may 3.000 tỷ đồng và 50 triệu USD. Đặc biệt, BIDV là một trong những ngân hàng tiên phong phát triển khoản vay liên kết bền vững (SLL), gắn mức lãi suất với mức độ hoàn thành các Mục tiêu hiệu quả bền vững.
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp vốn, ông Lê Ngọc Lâm chia sẻ thêm, BIDV còn đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua các dịch vụ tư vấn chuyên sâu và cung cấp thông tin cập nhật về ESG, bao gồm hỗ trợ xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh, lập kế hoạch cải thiện hiệu suất môi trường – xã hội, cập nhật chính sách, quy định và xu hướng thị trường tài chính xanh trong nước và quốc tế.
BIDV cũng đóng vai trò kết nối và phát triển hệ sinh thái đối tác ESG đa ngành. Chúng tôi xây dựng mạng lưới hợp tác với các đơn vị tư vấn, kiểm toán, tổ chức cấp chứng chỉ ESG uy tín, các nhà cung cấp công nghệ xanh – giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực phù hợp và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, BIDV mở rộng hợp tác quốc tế với các tổ chức tài chính và phát triển đa phương như WB, ADB, IFC, GIZ, USAID để tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi và hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững, BIDV nhận thấy vai trò của các tổ chức tài chính là lực đẩy quan trọng kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi thành công. Trên tinh thần đó, ngân hàng đề xuất 02 nhóm giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý, lãnh đạo BIDV kiến nghị cần hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xanh. Mặc dù Thông tư số 05/2025/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bước đầu đưa ra những hướng dẫn quan trọng về phát triển khu công nghiệp sinh thái, song để thực sự thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, cần những chính sách mạnh mẽ và đồng bộ hơn. Đặc biệt, cần xây dựng các cơ chế ưu đãi mang tính đột phá về thuế, tín dụng và đầu tư đối với doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, BIDV kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các gói tín dụng xanh lãi suất thấp dành cho các dự án bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch; đồng thời thành lập quỹ đầu tư xanh quốc gia với sự tham gia của cả khu vực công và tư nhân, có tiêu chí rõ ràng và quy trình minh bạch. Cùng với đó, cần đẩy mạnh ưu đãi nghiên cứu – phát triển (R&D) và ứng dụng công nghệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ hai, kiến tạo hệ sinh thái tài chính xanh đồng bộ, hiệu quả. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng – doanh nghiệp – cơ quan quản lý nhà nước là điều kiện tiên quyết. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh… với hệ thống tiêu chí thống nhất, dễ áp dụng và bám sát thông lệ quốc tế.
Các quy định rõ ràng và minh bạch sẽ là nền tảng để các tổ chức tín dụng như BIDV đánh giá, phân loại và cấp tín dụng xanh một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Đồng thời, cần thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp cho các sản phẩm tài chính xanh, giúp tăng tính thanh khoản, hấp dẫn hơn với nhà đầu tư tổ chức.
Đối với doanh nghiệp, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm khuyến nghị cần chủ động đổi mới công nghệ, số hóa quy trình sản xuất và quản lý để tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải và đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Việc hợp tác với các tổ chức tài chính, đối tác công nghệ và tổ chức hỗ trợ chuyển đổi xanh, cùng với đào tạo nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhân sự, sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực nội tại và tạo nền tảng vững chắc trong hành trình hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tiep-can-tai-chinh-xanh-hieu-qua-can-mot-lo-trinh-chuyen-doi-phu-hop-163955.html
Bình luận (0)