Sáng 21/5, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tổ chức tọa đàm và triển lãm về tài liệu xuất xứ cá nhân giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ của 8 văn nghệ sỹ gạo cội.
Đó là những hình ảnh từ thời trẻ, những trang bản thảo, thư tay... của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ; nhà văn, nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm; nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương; Phó Giáo sư, Tiến sỹ, đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân; nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Tất Đạt; Tiến sỹ, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn; nhà văn, nhà viết kịch Học Phi; nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Theo Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Nguyễn Thị Nga, những tài liệu này có giá trị phản ánh quá trình hoạt động lao động nghệ thuật của chính các tác giả. Hơn nữa, với các chủ đề, đề tài khác nhau, các tác phẩm là minh chứng về đời sống tinh thần và lịch sử xã hội của đất nước, chứa đựng những giá trị nhân văn cao đẹp được hun đúc cùng bề dày lịch sử văn hóa của người Việt Nam trên nhiều khía cạnh.
Với sự đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, tài liệu lưu trữ của các cá nhân được trưng bày và các tác phẩm của các tác giả đã góp phần làm phong phú thêm thành phần Phông Lưu trữ nhà nước Việt Nam.
Theo bà Nga, bên cạnh hệ thống tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, thì tài liệu xuất xứ cá nhân ngày càng được khẳng định là nguồn sử liệu có giá trị đặc biệt – vừa mang tính riêng tư, vừa gắn bó mật thiết với tiến trình lịch sử và đời sống xã hội.

Mỗi trang nhật ký, mỗi lá thư tay, mỗi bức ảnh cũ, bản thảo hay giấy tờ cá nhân... không chỉ phản ánh hành trình của một con người mà còn mở ra những lát cắt chân thực, giàu cảm xúc về một giai đoạn lịch sử cụ thể. Những tài liệu tưởng chừng rất đời thường ấy, khi được nhìn nhận đúng giá trị và gìn giữ đúng cách, sẽ trở thành những di sản tư liệu quý giá, bổ sung cho bức tranh toàn cảnh về lịch sử dân tộc từ một chiều kích gần gũi, nhân văn và đầy xúc cảm.
Trân trọng các kỷ vật cá nhân đã gìn giữ nhiều năm, bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho hay Trung tâm sẽ lập danh mục hồ sơ, đưa vào phông lưu trữ cá nhân. Tài liệu lưu trữ cá nhân không chỉ liên quan đến công trình khoa học, những tác phẩm được giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, mà cả những tác phẩm văn học nghệ thuật được công chúng biết đến. Các bản thảo, những câu chuyện liên quan đến sự ra đời của tác phẩm, các hoạt động đằng sau sự sáng tạo không mệt mỏi đó… đều được cơ quan lưu trữ trân trọng, quan tâm giữ gìn, bảo quản cho thế hệ mai sau. Công chúng thế hệ sau này sẽ có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu về cuộc đời, tác phẩm của các cá nhân, gia đình gửi tặng./.
Thực hiện chức năng thu thập, chỉnh lý, bảo quản và tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ có ý nghĩa toàn quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (34 Phan Kế Bính, Hà Nội) xác định một trong những hoạt động quan trọng là sưu tầm tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ.
Trải qua quá trình 30 năm hình thành, phát triển, công tác thu thập, sưu tầm tài liệu có xuất xứ cá nhân tại Trung tâm đã đạt được những kết quả nhất định. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý hơn 200 phông tài liệu có xuất xứ cá nhân, gia đình, dòng họ là những tài liệu được hình thành trong quá trình sống và hoạt động sáng tác của các cá nhân như: tài liệu tiểu sử, văn bằng chứng chỉ, thư từ, sổ sách, giấy tờ công vụ, bản thảo các tác phẩm, công trình sáng tác và nghiên cứu khoa học của các cá nhân, là những nguồn tài liệu quý, phản ánh đa dạng, sinh động đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giúp nghiên cứu về các góc nhìn chân thực sự phát triển xã hội cũng như chân dung, cuộc đời của các cá nhân gia đình, dòng họ tiêu biểu của Việt Nam. Quá trình sáng tạo, gìn giữ những công trình và các tác phẩm của các cá nhân được minh chứng thực tế qua triển lãm về tài liệu lưu trữ của các cá nhân.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tiep-can-tai-lieu-luu-tru-ca-nhan-cua-nhieu-van-nghe-sy-noi-tieng-post1039813.vnp
Bình luận (0)