Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng và đầy cảm xúc khi gia đình cố nhạc sĩ - đại diện là bà Lê Lan Anh, vợ của ông - đã trao tặng các bản thảo âm nhạc được lưu giữ cẩn trọng nhiều năm.
Những bản thảo này là dấu ấn không thể thay thế trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương, đồng thời là di sản văn hóa có giá trị lịch sử sâu sắc.
Trong số tư liệu được trao tặng có bản thảo của nhiều ca khúc nổi tiếng gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Phó Đức Phương như: Những cô gái quan họ, Một thoáng Tây Hồ, Hồ trên núi, Cũng một con đò, Chảy đi sông ơi, Khúc hát phiêu ly, Trên đỉnh Phù Vân, Thảo nguyên, Không thể và có thể…

Đại diện gia đình nhạc sĩ Phó Đức Phương trao tặng tư liệu cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III).
Đây đều là những tác phẩm không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn thấm đẫm tinh thần dân tộc, phản ánh đời sống và tâm hồn Việt qua từng giai đoạn lịch sử.
Không chỉ có ca khúc, kho tư liệu còn bao gồm bản thảo phối khí, kịch bản âm nhạc cho nhạc kịch, nhạc phim, các vở sân khấu nổi tiếng như: Tấm Cám, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Sân khấu và cuộc đời, Điều không thể mất…
Điều này cho thấy sự đa dạng và chiều sâu trong quá trình lao động nghệ thuật của ông, từ âm nhạc trữ tình dân gian đến nhạc khí, sân khấu, điện ảnh.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương (1944-2020) quê ở thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông từng thi đỗ khoa Toán, Đại học Sư phạm nhưng sớm từ bỏ để theo đuổi đam mê âm nhạc, theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp năm 1966.
Với ông, âm nhạc không chỉ là một nghề, mà còn là sứ mệnh gắn bó với văn hóa dân tộc. Ông miệt mài khai thác chất liệu âm nhạc dân gian từ các vùng miền để đưa vào sáng tác, tạo nên phong cách âm nhạc đặc trưng, giàu bản sắc. Các ca khúc của ông vừa dân dã vừa sâu lắng, dễ đi vào lòng người nhưng cũng đầy nội lực nghệ thuật.
Ngay từ những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, ông đã ghi dấu ấn với Những cô gái quan họ - một ca khúc đậm chất trữ tình đồng bằng Bắc Bộ, nhưng lại vang lên giữa thời bom đạn, như một bản tình ca tha thiết về con người và quê hương.
Sau đó là hàng loạt tác phẩm được đông đảo công chúng yêu mến và được các thế hệ ca sĩ tên tuổi thể hiện như: Trên đỉnh Phù Vân, Một thoáng Tây Hồ, Chảy đi sông ơi, Trương Chi...

Những tư liệu gốc quý hiếm các sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Phó Đức Phương (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III).
Không chỉ sáng tác ca khúc, ông còn là nhạc sĩ nhạc phim có tiếng với các tác phẩm cho phim Những đứa con, Trăng rằm, Lưu lạc, Giông tố… và nhạc cho sân khấu với Nguồn sáng trong đời, Tôi và chúng ta, Nghêu sò ốc hến, Thầy khóa làng tôi, Rừng trúc…
Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 cho cụm tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân.
Ông cũng là một trong những người sáng lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ quyền lợi cho các nhạc sĩ trong nước.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - khẳng định: "Đây là nguồn tư liệu vô giá phục vụ cho nghiên cứu, quảng bá lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam. Những tài liệu này giúp khắc họa rõ nét hành trình sáng tác và tầm vóc của nhạc sĩ Phó Đức Phương, đồng thời góp phần gìn giữ di sản văn hóa âm nhạc dân tộc".
Bà cũng chia sẻ rằng, trung tâm sẽ tiếp tục số hóa, bảo quản và lan tỏa giá trị các tư liệu này đến công chúng, phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa, âm nhạc, giáo dục cũng như nghiên cứu học thuật.
Sự kiện tiếp nhận không chỉ là lời tri ân đối với một nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam, mà còn là dịp tôn vinh giá trị của công tác lưu trữ trong việc gìn giữ những di sản tinh thần quý báu - nơi lưu giữ ký ức, nghệ thuật và linh hồn của một thời đại.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giai-tri/tiep-nhan-tu-lieu-goc-cac-sang-tac-noi-tieng-cua-nhac-si-pho-duc-phuong-20250513154729789.htm
Bình luận (0)