Mỗi di sản văn hóa phi vật thể và vật thể hiện diện nơi đây đều mang đậm dấu ấn bản sắc của các dân tộc.
Nổi bật nhất là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2005. Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là linh hồn của các nghi lễ, lễ hội. Những âm thanh trầm bổng từ cồng chiêng, không gian của văn hóa cồng chiêng không chỉ gắn kết cộng đồng mà còn là cầu nối tâm linh giữa con người và thần linh.
Các thế hệ "nghệ nhân" biểu diễn cồng chiêng. |
Bên cạnh đó, sử thi của các dân tộc Êđê và M’nông, như sử thi Đam San hay Ot N’drong, được xem là “bộ sử sống” lưu giữ lịch sử, tín ngưỡng và giá trị đạo đức; được truyền miệng qua các thế hệ. Sử thi thường vang lên trong những đêm buôn làng, kèm theo tiếng đàn t’rưng hay k’lông pút, tạo nên không gian văn hóa đầy mê hoặc. Ngoài ra, các lễ hội truyền thống như lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước hay lễ bỏ mả của các dân tộc thiểu số cũng là những di sản quan trọng, thể hiện sự tôn kính với thiên nhiên và tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Về di sản vật thể, nhà dài Êđê là biểu tượng của văn hóa mẫu hệ, với kiến trúc độc đáo dài từ 20 - 100 m, cầu thang tinh tế và không gian sinh hoạt chung ấm cúng. Những ngôi nhà dài tại các buôn làng là minh chứng sống động cho sự gắn bó gia đình và cộng đồng.
Tái hiện nghi lễ cưới truyền thống của người Êđê. |
Hệ thống bến nước, gắn với tín ngưỡng thờ thần, gắn bó với thiên nhiên; trang phục thổ cẩm các dân tộc với hoa văn tinh xảo; cho đến văn hóa cà phê, một di sản văn hóa - kinh tế đặc trưng; các di sản tự nhiên và văn hóa kết hợp như Vườn Quốc gia Yok Don, hồ Lắk và cảnh quan văn hóa… đã góp phần tạo nên bức tranh di sản đa dạng của Đắk Lắk.
Dù đối mặt với những biến đổi của thời đại, các di sản văn hóa Đắk Lắk vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt như dòng sông Sêrêpốk chảy mãi không ngừng.
Tri thức trồng và chế biến cà phê đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể. (Trong ảnh: Công đoạn giã hạt cà phê truyền thống của người Êđê). |
Không gian văn hóa cồng chiêng vẫn được duy trì trong các lễ hội và nghi lễ quan trọng. Những âm thanh cồng chiêng không chỉ vang lên trong buôn làng mà còn xuất hiện tại các liên hoan, hội nghị, sự kiện quốc tế, khẳng định giá trị toàn cầu. Sử thi và lễ hội truyền thống cũng giữ được sức hút qua thời gian, là dịp để cộng đồng quây quần, tái hiện bản sắc văn hóa. Nhà dài và nhà rông vẫn là biểu tượng bất biến của buôn làng. Tại buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), hay buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) những ngôi nhà dài vẫn được người dân bảo tồn và trở thành homestay, thu hút du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống.
Đắk Lắk hiện có 45 di sản văn hóa vật thể, trong đó, có 2 di sản được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; 6 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Để các di sản trường tồn mãi với thời gian, bản thân mỗi chủ thể các di sản luôn ý thức giữ gìn và phát huy. Trong các buôn làng, những nghệ nhân không chỉ thường xuyên sử dụng chiêng trong những dịp lễ quan trọng, trong đời sống mà còn tâm huyết truyền dạy cho con cháu từng nhịp chiêng, từ cách cầm dùi, đánh sao cho âm vang trầm bổng, đến cách chỉnh chiêng để giữ âm thanh chuẩn. Nhiều hộ gia đình gìn giữ, bảo quản cẩn thận các bộ chiêng cổ...
Với những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực của nhà nước, các địa phương đã triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn di sản. Như ở huyện Lắk đã phục dựng được các lễ cúng bến nước của người M’nông Gar tại bến nước Đắk Hoa (buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi), người M’nông Rlâm tại buôn Jun (thị trấn Liên Sơn), người Êđê tại buôn Dhăm II (xã Đắk Nuê) và buôn Phôk (xã Nam Ka)...
Một nghi lễ trong Lễ cúng bến nước của người M'nông (buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk). |
Thời gian tới ngành văn hóa tiếp tục nghiên cứu phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa đa dạng của các tộc người đang sinh sống trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân, phát huy xứng đáng vị trí của chúng trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam; đồng thời tạo nguồn lực thiết thực để phát triển du lịch, nâng cao đời sống của người dân.
Di sản văn hóa Đắk Lắk không chỉ là tài sản của riêng tỉnh mà còn là niềm tự hào của Việt Nam. Với bản sắc độc đáo, sức sống mãnh liệt và những nỗ lực bảo tồn, các di sản này sẽ tiếp tục trường tồn, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Mai Sao
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202505/tiep-noi-mach-nguon-di-san-van-hoa-b1016ac/
Bình luận (0)