Lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào tháng 1-2025. Ảnh:N.Liên |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước tại 2 khu vực trên vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều dư địa phát triển chưa được khai thác xứng tầm cần được khơi thông, cùng hợp tác phát triển trong thời gian tới.
Thiếu hành lang pháp lý thúc đẩy đầu tư
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Trung Đông và châu Phi là những thị trường rộng lớn, còn nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế. Hiện nay, dư địa để khai thác, phát triển quan hệ giao thương các mặt hàng xuất - nhập khẩu giữa hai bên vẫn còn rất lớn. Do đó, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm đạt chứng chỉ Halal (chứng nhận về sản phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo), Việt Nam cũng như các quốc gia trong 2 khu vực đều mong muốn tăng cường phát triển các mối quan hệ trên các lĩnh vực: giao dịch thương mại, logistics, nguồn nguyên liệu sản xuất…
Đến cuối tháng 4-2025, Đồng Nai có 2 dự án của các nước Trung Đông đầu tư với số vốn trên 5,3 triệu USD (Afghanistan: 1 dự án và UAE 1 dự án). Đồng Nai hiện có 40 dự án của châu Phi với số vốn trên 3,6 triệu USD (Ghana: 1 dự án; Mahe Repuplic Seychelles: 35 dự án; Mauritius: 4 dự án). Đồng Nai có 24 doanh nghiệp đã có chứng nhận Halal.
Tại Hội nghị Tổng kết Đề án Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016 2025, do Bộ Công thương tổ chức vào ngày 20-5, các đại biểu tham dự nhận định, dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước trong các khu vực vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu hành lang pháp lý về hợp tác kinh tế, những hiệp định nhằm bảo hộ đầu tư như: Hiệp định Tránh đánh thuế 2 lần; Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư… Điều này cho thấy việc chuẩn bị nguồn lực cho hợp tác với các nước Trung Đông - châu Phi còn hạn chế; các điều kiện về hạ tầng, hậu cần, vận chuyển, thanh toán còn thiếu...
Đại diện Bộ Công thương cho biết, hiện nay, mạng lưới cơ quan đại sứ quán, thương vụ nước ngoài của Việt Nam tại các nước Trung Đông và châu Phi còn khá mỏng, chưa đáp ứng nhu cầu kết nối, tìm hiểu và giao thương với các nước. Do đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn Việt Nam có đại sứ quán tại các nước, tạo điều kiện kết nối giữa thị trường các nước trên với doanh nghiệp Việt.
Theo đại diện Bộ Công thương, để phát triển sang thị trường Trung Đông và châu Phi, Việt Nam cần xác định thị trường trọng điểm; tìm kiếm những thị trường còn nhiều dư địa ở cả 2 chiều xuất - nhập khẩu. Kiến nghị nâng tầm, nâng cấp mối quan hệ, mở thêm cơ quan đại diện. Ký các hiệp định thương mại, nhất là các thị trường tiềm năng như: Maroc, Nigeria và với các quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ở Trung Đông như: Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE)…
Tìm cơ hội cho Đồng Nai
Thời gian qua, Đồng Nai luôn thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước Trung Đông - châu Phi. Hàng năm, Đồng Nai thực hiện Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã ký kết 2 bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác với các đối tác khu vực Trung Đông - châu Phi. Bên cạnh đó, UBND tỉnh luôn quan tâm, tham dự các sự kiện do Bộ Ngoại giao tổ chức như: Tọa đàm trực tuyến Hợp tác thương mại hạt điều với châu Phi và các giải pháp đảm bảo nguồn cung hạt điều nguyên liệu cho Việt Nam; Tọa đàm Quảng bá nông sản tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở châu Phi; Hội nghị Tổng kết giữa kỳ Đề án Phát triển quan hệ Việt Nam và Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016-2025; Hội nghị Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: cơ hội, tiềm năng và cách tiếp cận mới.
Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Viết Thắng cho biết, thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu kép của Chính phủ và chủ động, tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế với các địa phương nước ngoài đi vào chiều sâu và thực chất.
Ông Thắng chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất trong xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Đông - châu Phi là đáp ứng theo tiêu chuẩn Halal. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh gặp vấn đề quan ngại trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm vào thị trường Trung Đông - châu Phi.
Thời gian qua, các đối tác của Trung Đông - châu Phi triển khai các chương trình, dự án trên các lĩnh vực tại Đồng Nai còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh
Đồng Nai.
Ngọc Liên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/tim-cach-mo-rong-giao-thuong-voi-cac-nuoc-trung-dongva-chau-phi-c1a65c3/
Bình luận (0)