Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tin mình ở "phe chính nghĩa", Gen Z kiệt sức vì khẩu chiến theo drama

(Dân trí) - Một dòng trạng thái gây tranh cãi, một đoạn clip "bóc phốt", hay một scandal của nghệ sĩ cũng đủ khiến mạng xã hội dậy sóng. Giữa hàng triệu lượt tương tác, phần lớn đến từ người trẻ.

Báo Dân tríBáo Dân trí13/05/2025

Lao mình vào những cuộc chiến ảo

"Drama" - thuật ngữ vốn xuất phát từ tiếng Anh với nghĩa "kịch", giờ đây đã trở thành cách để giới trẻ gọi những câu chuyện thị phi, scandal, hay những vụ việc gây tranh cãi trên mạng xã hội. Từ những drama tình ái của người nổi tiếng đến những màn đấu tố giữa các TikToker, tất cả đều thu hút sự chú ý mạnh mẽ.

Tin mình ở phe chính nghĩa, Gen Z kiệt sức vì khẩu chiến theo drama - 1

Với Trang, việc hóng drama trở thành món ăn tinh thần.

Việc "hóng drama" giờ đây đã trở thành xu hướng phổ biến đến mức nếu không cập nhật, nhiều bạn trẻ cảm thấy mình "lạc quẻ" và trở thành "người tối cổ" so với bạn bè.

Nguyễn Thị Quỳnh Trang (21 tuổi), sinh viên ngành Truyền thông tại Hà Nội, từng nhiều lần đốt thời gian cả buổi tối chỉ để theo dõi về drama tình ái của ngôi sao, lòng xe điếu hay vụ bê bối kẹo rau củ…

 "Tôi không biết rõ bên nào đúng, bên nào sai, nhưng cứ bị cuốn theo từng dòng bình luận và câu chuyện. Có khi tôi còn thức đến 2h chỉ để hóng diễn biến tiếp theo của vụ drama", Trang nói.

Không chỉ theo dõi, Quỳnh Trang còn thường xuyên tham gia bình luận, phản hồi những ý kiến trái chiều.

"Có lúc tôi cãi nhau tay đôi với một người lạ chỉ vì họ bảo vệ người mà mình nghĩ là sai. Lúc ấy tôi cảm giác như mình đang đứng giữa một trận chiến chính nghĩa và mình cần đấu tranh để bảo vệ cho thần tượng của mình", Trang nói.

Tin mình ở phe chính nghĩa, Gen Z kiệt sức vì khẩu chiến theo drama - 2

Mạng xã hội giống như một sân khấu drama không hồi kết.

Nhưng sáng hôm sau, khi tỉnh táo lại, Trang chỉ cảm thấy mệt mỏi. Nhiều lần Trang tự hỏi: "Đêm qua mình đã làm gì với 5 tiếng đồng hồ của cuộc đời?".

Không chỉ một lần, việc "lạc trôi" trong các cuộc tranh luận, hóng drama gần như trở thành một thói quen khó bỏ đối với Trang. 

Nữ sinh bày tỏ: "Tôi biết là không nên, nhưng mỗi lần có drama mới là mình không tự chủ được mà mở mạng xã hội, tìm xem ai nói gì, ai đúng ai sai, ai vừa bị "bóc phốt". Rồi cứ thế cuốn vào, quên cả học bài, quên cả deadline".

Sau vài lần liên tục bị mất ngủ, không hoàn thành bài tập đúng hạn, Trang mới bắt đầu nhìn lại thói quen của mình. Trang thừa nhận rằng, cô không tham gia hóng drama vì muốn tìm kiếm sự thật, mà chỉ đơn giản là không muốn bị tụt lại phía sau.

Như thể mọi người ai cũng đang bàn về chuyện đó, nếu mình không hóng thì giống như mình đang đứng ngoài xã hội.

"Tôi nhận ra, những cuộc tranh cãi đó không giúp mình hiểu biết hơn, không mang lại giá trị gì khác ngoài việc khiến mình ngày càng căng thẳng, uể oải, đầu óc lơ mơ cả một ngày hôm sau", Trang chia sẻ.

Kiệt sức vì mạng xã hội

Với sự phát triển của TikTok, Facebook, Twitter, Threads,... những "drama" xuất hiện như cơm bữa - từ showbiz, đời tư của người nổi tiếng cho tới tranh cãi về lối sống, giới tính, giáo dục, giải trí. Đa phần các nội dung này đều có sức lan tỏa rất lớn, kèm theo đó là hàng nghìn bình luận và chia sẻ với tốc độ cập nhật theo từng phút.

Tin mình ở phe chính nghĩa, Gen Z kiệt sức vì khẩu chiến theo drama - 3

Đa phần các nội dung này đều có sức lan tỏa rất lớn, kèm theo đó là hàng nghìn bình luận và chia sẻ với tốc độ cập nhật theo từng phút.

Lê Hoàng Yến (20 tuổi), sinh viên tại Hà Nội cho biết: "Cứ mỗi lần có vụ gì nóng là tôi thấy cả Facebook lẫn TikTok đều ngập tràn thông tin. Thế là tò mò bấm vào xem thử, rồi cứ thế lướt mãi không dứt được".

Yến từng dành tới 4 tiếng chỉ để xem video phân tích, rồi đọc bình luận về một vụ bóc phốt của nghệ sĩ. Cô thừa nhận rằng, việc hóng phốt của nghệ sĩ như một trò giải trí, nhưng càng xem càng thấy mình bị cuốn vào, lúc nào cũng muốn cập nhật thêm vì sợ bỏ lỡ.

Tình trạng "FOMO" - nỗi sợ bị bỏ lỡ đang ngày càng phổ biến ở người trẻ. Họ sợ không kịp nắm bắt vụ việc đang hot, sợ không hiểu bạn bè đang nói gì.

Đó cũng là lý do khiến Yến Nhi (19 tuổi, ở Hà Nội) dù không bình luận hay tranh cãi vẫn dành đến hơn 6 tiếng mỗi ngày chỉ để lướt mạng.

"Tôi có đến 6 tài khoản mạng xã hội: Facebook, Instagram, TikTok, Threads, Zalo, Twitter. Cứ có drama là mình phải vào xem ngay. Có hôm 2-3 giờ sáng vẫn cầm điện thoại để xem livestream, đọc bình luận. Tôi sợ sáng mai ngủ dậy sẽ bị tụt lại so với bạn bè", Nhi nói. 

Tin mình ở phe chính nghĩa, Gen Z kiệt sức vì khẩu chiến theo drama - 4

Việc sở hữu cùng lúc nhiều ứng dụng mạng xã hội khiến người trẻ lại càng bị cuốn vào những cuộc chiến ảo không hồi kết.

Tình trạng này kéo dài khiến Nhi luôn trong trạng thái cảm thấy mệt mỏi, thiếu tập trung, thậm chí là kiệt sức vì lúc nào cũng phải online để cập nhật các tin mới nhất. Nhi cho biết, cảm giác đó rất tệ nhưng lại rất khó để dứt ra.

Mạng xã hội Việt Nam: Sân khấu drama không hồi kết

Tin mình ở phe chính nghĩa, Gen Z kiệt sức vì khẩu chiến theo drama - 5

Một đoạn clip "bóc phốt" trên TikTok có thể đạt hàng triệu lượt xem chỉ trong vài giờ, với hàng nghìn bình luận tranh cãi.

Tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có khoảng 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 73,3% tổng dân số. Trong đó, TikTok ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 50 triệu lên 67,7 triệu người dùng, cho thấy xu hướng mạnh mẽ hướng tới nội dung video ngắn.

Các nền tảng như Facebook, TikTok, Threads, Zalo và Instagram đang trở thành nơi cập nhật drama nhanh nhất. Một đoạn clip "bóc phốt" trên TikTok có thể đạt hàng triệu lượt xem chỉ trong vài giờ, với hàng nghìn bình luận tranh cãi. Threads, nền tảng mới nổi, cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Một nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore (2023) chỉ ra rằng: Người trẻ dành hơn 3 giờ mỗi ngày để theo dõi các nội dung tiêu cực sẽ có nguy cơ tăng 27% khả năng bị lo âu, mất ngủ và trầm cảm nhẹ. Sự tiêu tốn năng lượng cảm xúc cho các cuộc cãi vã trên mạng khiến họ kiệt quệ mà không nhận ra.

Người trẻ hóng drama để… chữa lành?

Theo ThS Hoàng Quốc Lân, chuyên gia tâm lý học lâm sàng, trước hết, việc hóng drama trên mạng xuất phát từ bản năng tò mò và nhu cầu giải trí. Những câu chuyện kịch tính, đầy tranh cãi luôn có sức hút đặc biệt, không chỉ với người trẻ mà với cả công chúng nói chung. Drama trên mạng xã hội mang lại cảm giác hứng thú, kích thích trí tò mò và trở thành "món ăn" giải trí thường trực.

Tin mình ở phe chính nghĩa, Gen Z kiệt sức vì khẩu chiến theo drama - 6

ThS Hoàng Quốc Lân, chuyên gia tâm lý học lâm sàng.

Ngoài ra, mạng xã hội vốn là nơi lý tưởng để người dùng thể hiện quan điểm, tranh luận, phán xét. Dù đôi khi chủ đề không liên quan đến bản thân, nhưng việc hòa vào dòng chảy bàn tán theo trào lưu lại khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy mình được kết nối, được tham gia vào cuộc chơi chung của đám đông.

Một khía cạnh ít ai để ý là tâm lý tìm kiếm sự đồng cảm. Một số người hóng drama để thấy người khác thất bại, vấp ngã, từ đó tự xoa dịu những tổn thương của chính mình. 

ThS Lân chia sẻ: "Có người từng bị bêu rếu trên mạng vì phát ngôn sai lầm, sau đó lướt mạng và thấy một KOL cũng bị 'ném đá' vì sai lầm lớn hơn. Lúc đó, họ nghĩ: 'À, không chỉ mình có vấn đề. Người nổi tiếng cũng đầy rắc rối'. Điều này vô thức giúp họ thấy nhẹ lòng, bớt cô đơn".

Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cũng cảnh báo: Nếu lâu dài chỉ tìm đồng cảm bằng cách "dìm người khác xuống", đó là vòng luẩn quẩn tiêu cực, không giúp chữa lành thực sự.

Đáng lo hơn, việc đắm chìm quá mức vào các cuộc tranh cãi online ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người trẻ.

"Cứ ngày ngày tiếp xúc với scandal, cãi vã, tiêu cực trên mạng, lâu dần, bạn sẽ nhìn xã hội xung quanh bằng con mắt hoài nghi, mất niềm tin vào người khác, dễ lo âu, căng thẳng, mất ngủ, cáu gắt. Về lâu dài, có thể ảnh hưởng cả đến học tập, công việc và các mối quan hệ xung quanh", ThS Lân phân tích.

Một vấn đề nữa là nguy cơ lệ thuộc vào việc cập nhật drama. Nhiều bạn trẻ không yên lòng nếu một ngày không lướt mạng, không biết hôm nay ai "phốt" ai, ai bị bóc mẽ điều gì. Cảm giác bứt rứt khiến họ khó tập trung vào những việc quan trọng hơn như học tập, làm việc hay chăm sóc bản thân.

Tin mình ở phe chính nghĩa, Gen Z kiệt sức vì khẩu chiến theo drama - 7

Thức xuyên đêm hóng drama trên mạng xã hội là thói quen của nhiều người trẻ.

Để tránh rơi vào bẫy tiêu tốn thời gian, năng lượng từ những cuộc tranh cãi vô bổ, ThS. Hoàng Quốc Lân gợi ý một số cách đơn giản như sau:

- Đặt hẹn giờ cho các phiên lướt mạng, chỉ cho phép bản thân dùng tối đa 30-60 phút mỗi ngày. Có thể tận dụng tính năng "Screen Time" hoặc "Digital Wellbeing" trên điện thoại để kiểm soát.

- Chỉ theo dõi các trang tin lớn, tài khoản uy tín, lọc nguồn tin trước khi đọc để rèn khả năng phản biện, tránh sa đà vào các tiêu đề giật gân.

- Tạo thói quen lành mạnh khác như: đọc sách, chạy bộ, chơi thể thao cùng bạn bè - vận động thể chất giúp cơ thể sản sinh endorphin, xua tan mệt mỏi, cải thiện tâm trạng, giấc ngủ.

Ảnh: Minh Nhật

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/tin-minh-o-phe-chinh-nghia-gen-z-kiet-suc-vi-khau-chien-theo-drama-20250513093016171.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm