Giảm đầu mối, gọn bộ máy
Ngày 1/1/2018, Công ty Than Uông Bí tiến hành tái cơ cấu, sắp xếp, quản lý doanh nghiệp theo Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thực hiện tiếp nhận và sáp nhập Công ty Than Hồng Thái vào Công ty Than Uông Bí. Đây là 2 đơn vị đầu tiên trong Tập đoàn tiến hành sáp nhập, tạo những bước đi đầu tiên trong việc sắp xếp lại các đơn vị thuộc TKV.
Lãnh đạo Công ty Than Uông Bí kiểm tra tình hình sản xuất trong lò chợ.
Việc sáp nhập Công ty Than Hồng Thái - TKV vào Công ty Than Uông Bí - TKV theo quyết định của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam từ năm 2018 là bước đi chiến lược, tạo tiền đề cho quá trình tái cơ cấu toàn diện giai đoạn 2018-2024. Sau khi sáp nhập, Than Uông Bí có 6.339 lao động, trong đó lực lượng lao động gián tiếp và phụ trợ chiếm gần 37,1%. Sau hơn 7 năm tiến hành sáp nhập, đến nay bộ máy hoạt động của Công ty đã được tinh gọn, ổn định và phát huy hiệu quả rõ rệt, phù hợp với yêu cầu sản xuất và định hướng phát triển bền vững của Tập đoàn.
Tính đến tháng 5/2025, tổng số lao động toàn Công ty là 4.915 người, giảm 1.424 người so với thời điểm trước khi tái cơ cấu. Trong đó, số lao động phụ trợ, phục vụ giảm còn 1.174 (giảm 470 người); lao động công nghệ hiện nay còn 3.284 (giảm 690 người); lao động quản lý còn 457 người (giảm 264 người). Về cơ cấu tổ chức, đến nay Công ty Than Uông Bí còn lại 13 phòng và 32 phân xưởng, giảm 2 phòng và 16 phân xưởng so với trước. Cơ cấu này giúp nâng cao hiệu lực chỉ huy, đồng thời rút ngắn quy trình ra quyết định trong toàn hệ thống. Kết quả này cũng phản ánh quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý, loại bỏ các khâu trung gian không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác điều hành và quản trị sản xuất. Từ đó, năng suất lao động tăng lên đáng kể, đạt mức trung bình 415 tấn/người/năm (tăng gần 8% so với trước tái cơ cấu). Tiền lương bình quân đầu người hiện nay của Công ty đạt hơn 19,2 triệu đồng/người/tháng (tăng hơn 5,3 triệu đồng/người/tháng so với trước tái cơ cấu).
Công nhân Công ty Than Nam Mẫu vận hành hệ thống giàn chống trong lò chợ.
Ông Đỗ Ánh, Phó Giám đốc Công ty Than Uông Bí - TKV, cho biết: Việc tái cơ cấu toàn diện không chỉ giúp Công ty Than Uông Bí tinh gọn bộ máy, giảm chi phí, mà còn là bước chuẩn bị cần thiết để thích ứng với yêu cầu sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi năng lượng. Ngoài việc đẩy mạnh tái cơ cấu, hiện Công ty cũng chú trọng triển khai các giải pháp đổi mới công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc, đầu tư hệ thống thông tin hiện đại, cơ giới hóa khai thác, từ đó nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn lao động. Việc tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, gọn nhẹ, hiệu quả đang từng bước phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động tiếp tục được quan tâm.
Gần 5 năm sau khi Công ty CP Than Cao Sơn và Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài chính thức hợp nhất thành Công ty CP Than Cao Sơn - TKV (ngày 5/8/2020), quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đã mang lại những chuyển biến tích cực rõ rệt, góp phần hình thành mô hình tổ chức sản xuất tinh gọn, hiện đại và có tính chuyên môn hóa cao trong ngành khai thác than. Tính đến nay, bộ máy tổ chức sản xuất của Công ty đã giảm từ 25 công trường, phân xưởng xuống còn 16 công trường, phân xưởng; hệ thống phòng ban cũng tinh gọn từ 14 xuống 13 phòng, ban. Về mặt nhân sự, tổng số lao động từ 3.706 người (thời điểm hợp nhất) xuống còn 3.295 người vào cuối năm 2024 (giảm 411 người). Đặc biệt, số lao động thuộc bộ máy quản lý giảm 68 người.
Không chỉ dừng lại ở tái cơ cấu nhân sự, Công ty CP Than Cao Sơn còn tập trung đầu tư đổi mới công nghệ khai thác. Các giải pháp công nghệ tiên tiến được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao năng suất, giảm tổn thất tài nguyên và đảm bảo an toàn môi trường. Việc xã hội hóa một số bộ phận phục vụ như ăn ca, cũng như sáp nhập các công trường có chức năng tương đồng, giúp tối ưu hóa hoạt động, giảm chi phí vận hành và tạo điều kiện để tập trung nguồn lực vào các khâu then chốt của dây chuyền khai thác.
Điểm sáng trong quá trình tái cơ cấu tại Than Cao Sơn - TKV chính là cách tiếp cận nhân văn và minh bạch. Toàn bộ phương án tái cơ cấu được công bố rộng rãi, có sự đồng thuận cao từ cán bộ, công nhân viên. Các tổ chức chính trị - xã hội trong Công ty như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… đều thống nhất cao với chủ trương, tích cực tuyên truyền và hỗ trợ quá trình sắp xếp. Công ty cũng đã đề xuất cơ chế khuyến khích người lao động nghỉ hưu trước tuổi, tổ chức đào tạo lại nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi ngành nghề phù hợp, và hợp tác với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam để giải quyết các ngành nghề khó tuyển dụng.
Theo Phòng Tổ chức - Lao động của Công ty CP Than Cao Sơn, với định hướng tiếp tục tinh gọn bộ máy và chuyên môn hóa nhân lực theo mô hình mẫu của Tập đoàn, Than Cao Sơn đang từng bước hoàn thiện mô hình doanh nghiệp hiện đại, hoạt động hiệu quả và ổn định. Kết quả từ quá trình hợp nhất và tái cơ cấu cho thấy đây là một bước đi chiến lược đúng đắn, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện thu nhập người lao động và đảm bảo phát triển bền vững cho Công ty trong giai đoạn mới.
Trong bối cảnh ngành Than đang chịu áp lực lớn từ xu hướng chuyển dịch năng lượng và yêu cầu bảo vệ môi trường, mô hình quản trị gọn nhẹ, hiệu quả cùng sự đồng thuận trong nội bộ chính là nền tảng vững chắc để Than Cao Sơn tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong chiến lược phát triển của Tập đoàn và ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam.
Tái cơ cấu gắn với đổi mới quản trị và công nghệ
Triển khai Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020, TKV đã hoàn tất nhiều thương vụ sáp nhập quan trọng, tiêu biểu, như: Sáp nhập Công ty Than Hồng Thái vào Công ty Than Uông Bí; Công ty Kho vận Hòn Gai vào Công ty Tuyển than Hòn Gai; hợp nhất hai công ty xây dựng mỏ hầm lò thành Công ty Xây lắp mỏ. Đặc biệt, tại vùng Cẩm Phả, năm 2020, hai mỏ lộ thiên có ranh giới gần nhau, gồm: Công ty CP Than Cao Sơn và Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài đã được hợp nhất thành Công ty CP Than Cao Sơn. Mới đây nhất, trong năm 2024, TKV tiếp tục sáp nhập Công ty CP Than Cọc Sáu và Công ty CP Than Đèo Nai thành Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu. Những bước đi táo bạo và quyết liệt này không chỉ giúp giảm đáng kể đầu mối quản lý, mà còn tạo điều kiện để các đơn vị tăng cường quy mô sản xuất, tối ưu nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh. Năm 2014, TKV có 122.000 công nhân lao động, tính đến hết năm 2024, TKV còn 95.000 công nhân, lao động (giảm 27.000 người). Đây là kết quả từ việc tổ chức lại lao động theo hướng tinh gọn, hiệu quả, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ và chuyển đổi số vào sản xuất.
Nhân dịp Tháng Công nhân năm 2025, lãnh đạo TKV kiểm tra tình hình sản xuất tại Công trường Khai thác 3 (Công ty CP Than Vàng Danh).
Tiếp nối thành công của giai đoạn trước, ngày 27/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1263/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại TKV đến năm 2025. Theo đó, TKV tiếp tục cơ cấu lại toàn diện mặt hoạt động, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà Tập đoàn có lợi thế như: Khai thác than, khoáng sản, điện và luyện kim.
Định hướng phát triển là gắn chặt sản xuất với mô hình kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Trong đó, trọng tâm là đầu tư phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “mỏ xanh - mỏ hiện đại - mỏ sản lượng cao”, từng bước liên thông các mỏ lộ thiên, hầm lò thành các đơn vị có công suất lớn hơn. Cùng với đó, TKV đẩy mạnh tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại; hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, đầu tư, chi phí; đồng thời tiếp tục sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc, thoái vốn tại các công ty không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính.
Song hành với quá trình tái cơ cấu, TKV đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ và chuyển đổi số trong toàn bộ chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, năng suất lao động toàn Tập đoàn tăng bình quân 9%/năm; riêng năng suất lao động trực tiếp ở khâu khai thác than lò chợ tăng 5,3%/năm. Cùng với đó, tiền lương bình quân tăng 8,6%/năm. Hiện nay, chỉ tính riêng lĩnh vực khai thác than, toàn TKV có khoảng 10.000 thợ lò có thu nhập từ 300 triệu đồng/người/năm trở lên, trong đó có nhiều người đạt 500-600 triệu đồng/năm. Theo thống kê, quá trình tái cơ cấu đã giúp TKV gia tăng lợi nhuận với trên 90.000 tỷ đồng trong 30 năm qua.
Hoạt động tiêu thụ than tại Cảng Km6.
Ông Ngô Hoàng Ngân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, khẳng định: Tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình hoạt động là bước đi chiến lược, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Quá trình này không chỉ giúp TKV nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Quan trọng hơn, việc triển khai hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng bằng những hành động cụ thể, thiết thực đã và đang tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần định hình một diện mạo mới cho ngành than Việt Nam ngày càng hiện đại, bền vững và hội nhập.
Phạm Tăng
Nguồn: https://baoquangninh.vn/tkv-tai-co-cau-toan-dien-buoc-di-chien-luoc-cho-phat-trien-ben-vung-3359779.html
Bình luận (0)