Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trăn trở nghề hấp cá ở xã Cửa Việt

Hình thành cách đây khoảng 20 năm, nghề hấp cá xuất khẩu ở xã Cửa Việt mang lại thu nhập khá cao cho các cơ sở chế biến và tạo sinh kế ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Dù vậy, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, các cơ sở hấp cá nằm rải rác trong khu dân cư không còn phù hợp vì ảnh hưởng đến môi trường. Mong muốn của chính quyền địa phương và các hộ dân là sớm đưa các cơ sở vào khu làng nghề tập trung để hoạt động ổn định. Song nguyện vọng đó đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị15/07/2025

Trăn trở nghề hấp cá ở xã Cửa Việt

Sơ chế, phân loại cá nục khô tại cơ sở của gia đình ông Phan Văn Trọng ở xã Cửa Việt - Ảnh: Đ.V

Sinh kế ổn định

Gia đình ông Phan Văn Trọng, xã Cửa Việt có 15 năm làm nghề hấp cá phơi khô xuất khẩu. Hiện, cơ sở của ông Trọng là một trong số ít cơ sở có quy mô lớn ở địa phương, mỗi năm chế biến được từ 500 - 600 tấn cá cơm, cá nục.

Ông Trọng cho biết, nhờ nguồn nguyên liệu và bạn hàng ổn định nên cơ sở của gia đình hoạt động tốt, đạt hiệu quả và doanh thu khá cao. Theo ông, nghề hấp, phơi cá diễn ra từ tháng 2 - 8 âm lịch hàng năm. Nguồn nguyên liệu của các cơ sở phần lớn được thu mua từ ngư dân trong xã và các tỉnh khác.

“Nếu cá có sẵn ở cảng Cửa Việt thì mình thu mua tại chỗ còn không thì mua cá ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi rồi dùng xe đông lạnh chở về hấp sấy”, ông Trọng nói.

Sau khi trừ chi phí, cơ sở của ông Trọng có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, cơ sở của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Gắn bó với cơ sở của ông Trọng từ khi thành lập, chị Nguyễn Thị Hà làm các công việc, từ sơ chế cá, hấp cá đến đóng cá vào thùng... Do đặc thù việc làm gắn với mùa đánh bắt thủy hải sản nên mỗi năm, chị Hà cũng như nhiều nhân công khác làm chuyên được khoảng 6 tháng.

“Nghề này, cá vào buổi nào mình làm buổi đó. Chồng đi biển, tôi ở nhà làm cho cơ sở, mỗi ngày kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng, nhờ vậy đủ trang trải cho cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học”, chị Hà nói.

Tại xã Cửa Việt hiện có khoảng 50 cơ sở có sản lượng chế biến từ 300 đến trên 500 tấn thủy hải sản/năm. Mỗi cơ sở tạo việc làm cho khoảng 15 - 20 người dân địa phương. Chị Trần Thị Vinh, cán bộ Khuyến nông - Khuyến ngư xã Cửa Việt thông tin, nghề chế biến hấp sấy cá tại xã Cửa Việt đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương, góp phần tiêu thụ hải sản cho ngư dân với ước tính khoảng 20.000 tấn/năm và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Với chuyên môn, nhiệm vụ của mình, chị Vinh khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở tuân thủ nghiêm tất cả các công đoạn chế biến để đưa sản phẩm ra thị trường bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo thống kê, các lò hấp cá đang hoạt động ở xã Cửa Việt có thể cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 tấn sản phẩm mỗi năm và khoảng 90% trong số này được xuất khẩu ra nước ngoài. Cá thành phẩm tại địa phương thường được bán với giá dao động khoảng 45.000 - 60.000 đồng/kg, tùy vào loại cá, chất lượng cá.

Trăn trở vấn đề môi trường

Cũng như nhiều cơ sở chế biến thủy hải sản khác ở Cửa Việt, gia đình ông Trọng lo lắng khi gặp phải những bất cập về môi trường. Theo ông, dân cư phát triển nhanh đã làm thu hẹp quỹ đất. “Điều này khiến việc chế biến cá ảnh hưởng đến người dân xung quanh, như: Gây mùi hôi, khói, tiếng ồn, nước thải chưa bảo đảm xả ra môi trường...

Dù biết là phiền hà nhiều đến người dân trong thôn, xóm nhưng chúng tôi chưa biết xoay sở cách nào. Chưa kể, do quỹ đất hẹp dần nên chúng tôi phải thuê bãi phơi cá xa hơn, thậm chí phơi ngoài lề đường”, ông Trọng kể. Từ những khó khăn, vướng mắc đó, ông Trọng mong muốn các ban, ngành, chính quyền địa phương sớm hoàn thành khu làng nghề sản xuất tập trung để đưa các cơ sở chế biến vào đó hoạt động.

Trăn trở nghề hấp cá ở xã Cửa Việt

Sơ chế, hấp sấy cá cơm ở một cơ sở chế biến thủy hải sản ở xã Cửa Việt - Ảnh: Đ.V

Phó Chủ tịch UBND xã Cửa Việt Trần Đình Cảm cho biết, ngoài tiếp tục nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP cá hấp Cửa Việt, địa phương cũng đang gặp khó khăn khi vấn đề môi trường ở các cơ sở chế biến chưa bảo đảm. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Cảm cần phải hoàn thành xây dựng khu làng nghề chế biến thủy, hải sản tập trung.

“Hiện hạ tầng giao thông khu làng nghề đã cơ bản nhưng hạ tầng điện, nước, mặt bằng chưa được xây dựng vì cần nguồn vốn lớn. Do đó, địa phương mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng hoàn thiện khu làng nghề này để đưa khoảng 50 cơ sở hấp cá đang nằm xen lẫn trong các khu dân cư vào đó sản xuất, nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Cảm cho hay.

Đức Việt

Nguồn: https://baoquangtri.vn/tran-tro-nghe-hap-ca-o-xa-cua-viet-195799.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm