Mô hình trồng lan hồ điệp công nghệ cao của ông Sơn |
• ĐẦU TƯ TIỀN TỶ TRỒNG LAN HỒ ĐIỆP
Đạ Huoai là vùng đất có hai chế độ khí hậu nóng ẩm đan xen nhau giữa khí hậu cao nguyên Nam Trung Bộ và khí hậu Nam Trung Bộ, phù hợp với các loại cây ăn trái, cây công nghiệp như: sầu riêng, bưởi da xanh, điều và lúa nước. Nhưng chính sự táo bạo, dám đột phá, ông Nguyễn Phú Sơn (57 tuổi, ngụ tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) đã đầu tư xây dựng trang trại trồng lan hồ điệp ở địa phương có khí hậu nóng bậc nhất tỉnh Lâm Đồng.
Theo ông Sơn, ông đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa, với các loại như: lan rừng, lan vũ nữ, hoa hồng môn và các loại lá kiểng. Cũng vì thế, từ lâu, cái tên Vườn lan Phú Sơn của ông vốn đã nổi tiếng khắp huyện Di Linh. Bắt đầu từ năm 2020, ông Sơn chuyển qua trồng và kinh doanh lan hồ điệp với quy mô hơn 2 ha tại 2 huyện Di Linh và Đạ Huoai. Trong đó, tại xã Đạ Lây (huyện Đạ Huoai) là trang trại trồng lan giống có diện tích 1,2 ha được đầu tư với quy mô hiện đại, khép kín theo quy trình công nghệ cao. Còn tại thị trấn Di Linh là vườn lan với quy mô khoảng 1 ha để ông chăm sóc, trưng bày và giới thiệu sản phẩm khi lan hồ điệp đến tuổi bật ngồng, bung nụ, nở hoa xuất bán ra thị trường. Ông Sơn chia sẻ: "Với vốn kiến thức nông nghiệp sẵn có, cùng với sự nghiên cứu, tìm tòi, đi thực tế tại các mô hình trồng lan hồ điệp thành công ở một số địa phương khác, tôi đã quyết định chọn xã Đạ Lây để mua đất xây dựng trang trại trồng hoa lan thương mại".
Nghĩ là làm, cuối năm 2020, gia đình ông Nguyễn Phú Sơn đã mua 1,5 ha đất tại thôn Lộc Hòa (xã Đạ Lây, huyện Đạ Huoai) đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà kính; đồng thời, lắp đặt hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng tự động; mua sắm vật tư, trang thiết bị và tuyển dụng kỹ thuật, nhân công để trồng lan hồ điệp.
Trang trại trồng hoa lan của ông Sơn được chia làm 4 khu vườn sản xuất theo quy trình khép kín hoàn toàn. Lan hồ điệp được cho lên kệ chăm sóc đảm bảo gối đầu thường xuyên đủ các lứa tuổi, với số lượng dao động mỗi năm từ 40.000 - 50.000 chậu mỗi năm.
• KIÊN TRÌ MANG LẠI THÀNH CÔNG
Với sự miệt mài, cần mẫn của bản thân, sự hỗ trợ của đội ngũ các kỹ thuật viên, cùng hệ thống máy móc công nghệ hiện đại, tuy trồng ở xứ nóng, nhưng vườn lan hồ điệp của ông Sơn sinh trưởng và phát triển tốt.
Anh Huỳnh Thanh Quân - nhân viên kỹ thuật của vườn hoa lan Phú Sơn, cho hay: "Thời gian mới trồng, do khí hậu ở xã Đạ Lây nóng, nên việc chăm sóc cây giống cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, khi nắm chắc quy trình kỹ thuật, đặc tính sinh học của cây lan hồ điệp và vận hành nhuần nhuyễn hệ thống tự động cân bằng môi trường trong nhà kính thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn". Cũng theo anh Quân, do khí hậu Đạ Lây khá khắc nghiệt, sự thay đổi về nhiệt độ và ánh sáng nơi đây không phù hợp với cây lan hồ điệp, nên các nhân viên kỹ thuật đã bàn tính, tham mưu cho chủ trang trại lắp đặt hệ thống cảm biến, tự động điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng. Hệ thống được cài đặt chương trình tự động vận hành quạt thông gió, điều hòa nhiệt độ, mái che khi nhiệt độ và ánh sáng trong nhà kính thay đổi so với chỉ số cho phép. Nhờ vậy, cây hoa lan hồ điệp gần như không có sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Nguyễn Phú Sơn chia sẻ: "Trong quá trình trồng và chăm sóc, chúng tôi cố gắng để gối đầu có hoa lan xuất bán thường xuyên ra thị trường. Toàn bộ cây giống lan hồ điệp trồng ở Đạ Lây đều cho thân mập, lá dày. Sau khi lan đủ 10 tháng tuổi, được chúng tôi chuyển về Di Linh để làm bông xuất bán ra thị trường khắp cả nước. Với số lượng 40.000 - 50.000 chậu mỗi năm, chúng tôi đã ký kết hợp đồng với nhiều đại lý hoa ở thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Giá bình quân 170.000 đồng đối với mỗi cây lan từ 1 - 3 ngồng xuất bán ra thị trường. Đối với tất cả cây giống, tỷ lệ ra ngồng hiện nay đạt 100%, tỷ lệ ngồng loại 1 đạt trên 80%. Sau khi trừ chi phí, trang trại lan hồ điệp mang lại cho gia đình tôi nguồn lợi nhuận từ 1,5 - 2 tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại trồng lan hồ điệp của ông Sơn tại xã Đạ Lây đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương, với mức thu nhập từ 7 - 7,5 triệu đồng/tháng/người.
Ông Nguyễn Minh Tánh - Chủ tịch UBND xã Đạ Lây (huyện Đạ Huoai), cho hay: "Khi ông Sơn nêu ý tưởng để trồng hoa lan tại địa phương, nhận thấy đây là một mô hình kinh tế có triển vọng nên ngay từ đầu, địa phương đã tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể cho gia đình thực hiện. Đến nay, theo đánh giá, mô hình trồng lan hồ điệp của ông Sơn đã có được thành công ngoài cả sự mong đợi. Đây là mô hình có sự đầu tư lớn, bài bản và ông Sơn đã dám nghĩ, dám làm trong đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương. Thành công từ mô hình đã mở ra triển vọng mới để xây dựng và nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại địa phương".
Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/trong-lan-ho-diep-o-xu-nong-cho-thu-nhap-cao-a597629/
Bình luận (0)