
Theo nhận định của lãnh đạo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tại cuộc họp, bão Wipha sẽ mạnh thêm khi di chuyển vào Biển Đông (từ sáng 19/7).
Đến ngày 21/7, khi tâm bão ở phía đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) sẽ có sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15.
Với tốc độ di chuyển nhanh, đêm 21/7, bão sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 9-10.
Bên cạnh đó, có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 21 đến 24/7.
Tùy thuộc vào vị trí đổ bộ của bão, lượng mưa tại các nơi có thể thay đổi, nhưng phổ biến từ 200-300mm, có nơi đến 500mm.
Ngoài ra, sẽ có một cơn bão khác tương tác với bão số 3 nên có thể gây mưa lớn kéo dài.
Hướng di chuyển của bão Wipha năm nay có nét tương đồng với bão số 3 (Yagi) năm 2024, nhưng hướng di chuyển lệch hơn về phía bắc và cường độ gió mạnh, mưa lớn thấp hơn. Tuy nhiên, các địa phương cần chủ động ứng phó bão mạnh, mưa lớn.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý các bộ, ngành và địa phương chú trọng hướng dẫn tàu thuyền đang còn hoạt động trên biển di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đồng thời, chú ý bảo đảm an toàn cho người dân, du khách ở các khu du lịch, khu nuôi trồng thủy sản trên các đảo, vịnh...
Thứ trưởng cũng lưu ý, hiện hệ thống đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa còn 20 điểm xung yếu và 7 công trình đang thi công.
Do đó, các đơn vị, địa phương cần nhanh chóng hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục các sự cố hư hỏng; kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, phương án hộ đê; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, thiết bị để chủ động triển khai ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” khi xảy ra sự cố.
Nhiều hồ chứa nước ở miền Bắc đang khá đầy nước nên các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa cần tiếp tục chủ động hạ thấp mực nước về ngưỡng an toàn; chủ động vận hành hồ đúng quy trình, tránh để xảy ra trường hợp phải xử lý khẩn cấp như đối với hồ thủy điện Thác Bà sau bão Yagi năm 2024.
Các địa phương triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa sạt lở đất, ngập lụt; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó các loại hình thiên tai do bão Wipha gây ra với phương châm từ sớm, từ xa; chú ý bảo đảm an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Bão Wipha sẽ còn diễn biến phức tạp, thay đổi về hướng di chuyển và cường độ nên người dân và các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão từ các bản tin dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để triển khai công tác ứng phó phù hợp và hiệu quả.
Nguồn: https://baodanang.vn/trung-uong-chi-dao-chu-dong-ung-pho-bao-wipha-tu-som-tu-xa-3297200.html
Bình luận (0)