Trường cao đẳng tuyển sinh cùng thời gian với đại học
Thông tin này được đưa ra trong Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên năm 2025 tại Hà Nội.
Theo đó, các trường cao đẳng sẽ tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo quy chế hiện hành, quy định trong Thông tư 05 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (cũ). Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường tham gia vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh đại học trên nguyên tắc tự nguyện.
Việc thực hiện tuyển sinh cao đẳng trên hệ thống tuyển sinh chung toàn quốc cùng kỳ tuyển sinh đại học không chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh, nhà trường, mà còn nâng cao chất lượng, an toàn và hiệu quả tuyển sinh.
Các trường đăng ký tham gia hệ thống tuyển sinh chung cần cam kết thực hiện theo một quy chế phối hợp nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và liên thông.
Tương tự như khối đại học, mỗi trường cao đẳng sẽ được cấp tài khoản truy cập vào hệ thống, chuẩn hóa dữ liệu khai báo lên hệ thống, tổ chức xử lý nguyện vọng, công bố kết quả trúng tuyển đúng dữ liệu đã được lọc ảo từ hệ thống.

Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (Ảnh: Fanpage nhà trường).
Theo quy định, muộn nhất ngày 30/6, các trường cao đẳng phải hoàn tất cập nhật thông tin thí sinh lên hệ thống chung.
Trước 15/7, những trường có xét tuyển thẳng phải hoàn thành nhập thông tin về thí sinh được tuyển thẳng lên hệ thống.
17h ngày 22/8, hệ thống hoàn thành lọc ảo lần cuối và trả kết quả cho trường thông báo kết quả trúng tuyển.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên - nhận định công tác tuyển sinh cao đẳng từ năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi, liên quan tới những chủ trương, chính sách mới.
Nhiều quy định không còn phù hợp với đào tạo nghề
Bà Phan Thị Lệ Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, bày tỏ: Việc được tham gia hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT là mong đợi từ nhiều năm qua của các trường cao đẳng.
Điều này gỡ bỏ đáng kể những vướng mắc của các trường trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, khó khăn ở khâu tuyển sinh, đào tạo vẫn cần được giải quyết triệt để trong bối cảnh các chính sách giáo dục nghề nghiệp và giáo dục - đào tạo có độ "vênh" khi sáp nhập.
Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - cho hay, hệ đào tạo 9+ ( mô hình đào tạo song song giữa học nghề và học văn hóa phổ thông dành cho học sinh tốt nghiệp THCS và học sinh đang học dở THPT) là "cần câu cơm" của các trường nghề.
Song, theo các quy định hiện hành, học sinh phải học văn hóa với thời lượng cao, thời gian còn lại để học nghề rất ít. Muốn đảm bảo thời lượng của cả hai thì học sinh rất áp lực. Kết quả là nhiều em bỏ học nghề, mục tiêu đào tạo nghề của nhà trường không thực hiện được.
Ông Khánh cũng đề cập đến việc cần có những quy định mới phù hợp hơn với đào tạo trong môi trường số. Ông nêu ví dụ, tại Đức, một lớp học online cho phép đào tạo cùng lúc 1.000 người.
Song, đào tạo nghề trên môi trường số tại Việt Nam vẫn áp dụng quy định về số lượng học sinh tối đa theo lớp, hạn chế quy mô và hiệu quả đào tạo.
Một vấn đề nan giải khác được Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông nêu ra là tình trạng học sinh học hệ 9+ không được địa phương cấp bù học phí theo đúng quy định.
Có những khóa học sinh học hết 3 năm, tốt nghiệp ra trường rồi mới nhận được tiền học phí cấp bù. Điều này dẫn đến việc phụ huynh hiểu nhầm nhà trường, cho rằng trường tư vấn tuyển sinh không chính xác.
Trong quá trình đào tạo, trường nghề gặp vướng mắc khó gỡ ở học phần doanh nghiệp. Đây là nội dung đào tạo ngay tại doanh nghiệp, do các chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, người làm công tác đào tạo tại doanh nghiệp không có đủ văn bằng chứng chỉ về sư phạm thì học phần đó không được công nhận.
Bà Phan Thị Lệ Thu kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành hướng dẫn cụ thể, tạo hành lang pháp lý linh hoạt để công nhận kết quả học tập các học phần do doanh nghiệp giảng dạy.
Bộ có thể xem xét cơ chế miễn hoặc thay thế điều kiện về hồ sơ bằng cấp đối với các chuyên gia doanh nghiệp khi tham gia giảng dạy dưới hình thức đồng giảng, hướng dẫn thực hành, thực tập.
Bà Thu cũng kiến nghị về việc cần thống nhất một khung pháp lý chung duy nhất cho toàn hệ thống giáo dục Việt Nam, được gọi là khung trình độ quốc gia để làm nền tảng thống nhất cho tất cả các cấp trình độ, bao gồm cả đại học và giáo dục nghề nghiệp, giúp đảm bảo tính liên thông, chuyển đổi linh hoạt giữa các trình độ đào tạo.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - đề xuất cần có cơ chế ưu đãi về sử dụng đất cho giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. Hiện giáo dục đại học, giáo dục phổ thông đều có chính sách này, riêng đào tạo nghề chưa có.
Ông Nam cho rằng, việc các trường nghề không nhận được ưu đãi quỹ đất nên hạn chế về cơ sở vật chất, trở thành rào cản khi tiếp cận với phụ huynh và học sinh.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/truong-cao-dang-tuyen-sinh-cung-he-thong-dai-hoc-tu-nam-2025-20250516141220982.htm
Bình luận (0)