Như báo Thanh Niên đã phản ánh, mấy ngày qua dư luận xôn xao về việc nhóm tác giả người Việt bị gỡ bài báo khoa học bởi công trình này có sự tham gia của giám đốc công ty du học và một số học sinh THPT.
Tác giả chính của bài báo là PGS Lê Quang Thảo, khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội (sau đây gọi là Trường ĐH Khoa học tự nhiên).
Bài báo bị gỡ mà PGS Lê Quang Thảo là tác giả đầu; bà Nguyễn Thị Bích Diệp, chủ công ty du học là tác giả liên hệ
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Sẽ rà soát hoạt động hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, PGS Trần Quốc Bình, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết cách đây khoảng chục ngày, khi biết việc PGS Lê Quang Thảo có bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Journal of Intelligent & Fuzzy Systems thuộc Nhà xuất bản Sage bị rút, nhà trường đã nhắc nhở PGS Thảo.
Tuy nhiên, việc bị rút bài báo chỉ là một dấu hiệu bên ngoài. Còn bản chất sự việc như thế nào (vì sao bị rút, chất lượng bài báo ra sao…) thì nhà trường sẽ làm việc cụ thể với ông Thảo.
Về vấn đề nhà khoa học của trường ĐH hướng dẫn học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học, quả là từ trước đến nay Trường ĐH Khoa học tự nhiên chưa có quy định. Vì vậy các thầy, cô trong trường thường làm việc với học sinh theo kênh cá nhân. Sắp tới, nhà trường cũng sẽ quan tâm tới hoạt động hiện đang có nhiều dư luận tiêu cực này để rà soát, hướng dẫn và chấn chỉnh.
"Nhà trường ủng hộ việc thu hút học sinh phổ thông quan tâm nghiên cứu khoa học, hướng dẫn các em làm quen với nghiên cứu, nhưng phải thực chất. Thậm chí nhà trường có thể xem xét phương án mở CLB cho các em, nhưng mở CLB là để giúp các em có kiến thức, có nơi để thể hiện khả năng chứ không phải để làm đẹp hồ sơ", PGS Trần Quốc Bình nêu quan điểm.
Theo ông, thực tế cho thấy trong xã hội ngày càng có nhiều học sinh có nhu cầu tìm hiểu, tham gia nghiên cứu khoa học. Trong khi đó. thực hiện nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông là khó. Vì thế, việc tạo điều kiện cho các em tiếp cận với môi trường trường ĐH để tập làm nghiên cứu sẽ khiến cho hoạt động có chất lượng. Nhưng vì tính nhạy cảm của hoạt động này mà lãnh đạo nhà trường đang cân nhắc, tránh để bị lạm dụng hoặc biến tướng.
Tác giả bài báo bị gỡ vừa được vinh danh nhà khoa học xuất sắc
Được biết, ngày 15.5 vừa qua, tại hội nghị KH-CN và đổi mới sáng tạo 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS Lê Quang Thảo là một trong 147 nhà khoa học được vinh danh nhà khoa học xuất sắc năm 2024.
Tuy nhiên, hôm đó PGS Thảo không có mặt để lên sân khấu nhận bằng khen (dù tên của ông vẫn được xướng lên).
Tiêu chí để ĐH Quốc gia Hà Nội vinh danh nhà khoa học xuất sắc là số lượng bài báo
ẢNH: VNU
Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thành viên gửi lên danh sách những nhà khoa học có ít nhất 5 bài báo công bố trong các tạp chí có trong danh mục ISI, Scopus giai đoạn 2023 - 2024. PGS Thảo thỏa mãn tiêu chí này (tính cả bài báo vừa bị rút).
PGS Trần Quốc Bình thông tin: "Khi xảy ra việc bài của anh Thảo bị rút, chúng tôi yêu cầu giải thích thì anh Thảo cho biết là tạp chí rút bài chưa cho biết lý do. Nhà trường phải đợi ý kiến chính thức từ tạp chí thì mới kết luận được. Khi chưa có kết luận thì việc đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội thay đổi quyết định khen thưởng là không hợp lý".
Về việc PGS Thảo được khen thưởng là nhà khoa học "có thành tích xuất sắc", PGS Trần Quốc Bình cho rằng đó là quyết định của ĐH Quốc gia Hà Nội. Còn Trường ĐH Khoa học tự nhiên chỉ đơn thuần đưa tên PGS Thảo vào thống kê người có nhiều bài báo đăng các tạp chí trong danh mục ISI, Scopus.
Quan điểm của Trường ĐH Khoa học tự nhiên rất rõ, không phải cứ có nhiều bài báo thì nhà khoa học được đánh giá là xuất sắc. Việc đánh giá chất lượng hoạt động nghiên cứu của nhà khoa học phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là đánh giá của giới chuyên môn về chất lượng công trình của nhà khoa học. Quan điểm này đã được nhiều lần phản ánh với ĐH Quốc gia Hà Nội.
Phần nổi của tảng băng chìm
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, năm ngoái PGS Thảo đã bị lãnh đạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên nhắc nhở gián tiếp (thông qua lãnh đạo các phòng, ban liên quan). Lý do là PGS Thảo đã có một số biểu hiện mà theo giới chuyên môn là "có vấn đề" như: xin đi nước ngoài nhiều để làm việc riêng mà thực chất là đưa học sinh đi dự thi các cuộc thi khoa học kỹ thuật, số lượng bài công bố quốc tế tăng nhanh, chủ đề nghiên cứu tản mạn…
"Nếu như đưa 1 - 2 nhóm đi thi thôi thì có thể hoạt động nghiên cứu còn giữ được chất lượng. Nhưng đã nhận nhiều nhóm thì đương nhiên sẽ phát sinh các yêu cầu ảnh hưởng tới chất lượng như áp lực tìm chủ đề, thời gian hướng dẫn… Bị rơi vào guồng máy và kiếm được tiền, thiếu thầy (là các nhà khoa học tiền bối, có uy tín - PV) bảo ban nên nhiều người, nhất là các nhà khoa học trẻ, tưởng thế là thức thời…", một vị lãnh đạo ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên nhìn nhận.
Theo nhiều nhà khoa học, PGS Thảo chỉ là một trường hợp "bị lộ". Hiện có hiện tượng một số nhà khoa học có năng lực nghiên cứu, nhưng bị lợi ích vật chất chi phối, có các biểu hiện thiếu lành mạnh trong hoạt động nghiên cứu hoặc hướng dẫn nghiên cứu.
Việc PGS Lê Quang Thảo bị rút bài là thêm một lời cảnh tỉnh cho ngành GD-ĐT và giới khoa học nói chung về 2 vấn đề.
Một là tính thực chất trong hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh. Hai là cần chú trọng chủ đề và chất lượng nghiên cứu của các nhà khoa học, không nên tạo cơ chế khuyến khích nhà khoa học chạy theo số lượng, đánh giá thành tích khoa học bằng "đếm bài".
Với cơ chế đánh giá nhà khoa học nặng về "đếm bài" (nghĩa là coi trọng số lượng công trình khoa học được công bố), vấn đề liêm chính khoa học cũng như đóng góp thực chất của nhà khoa học đang bị xem nhẹ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/truong-dai-hoc-noi-gi-ve-bai-bao-co-hoc-sinh-dung-ten-bi-go-185250521122317819.htm
Bình luận (0)