Đưa con em đến trường lớp đã trở thành nhu cầu của đồng bào dân tộc nơi đây |
Con đường vào xã Nậm Vì khá quanh co, dốc đứng, băng qua những triền rừng phủ sương mù. Vậy nhưng, ngay giữa nơi tưởng như cách biệt với thế giới bên ngoài ấy, lại vang lên tiếng trống trường mỗi sáng sớm, tiếng ê a đánh vần của các em nhỏ, cùng hình ảnh những thầy cô giáo kiên trì bám bản, bám lớp, như ngọn lửa không bao giờ tắt nơi đại ngàn Tây Bắc.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan khuôn viên trường cô giáo Đồng Thị Thúy – Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ: Năm học 2024–2025, nhà trường có 647 học sinh phân bố tại 6 điểm trường. Dù còn thiếu thốn về điều kiện vật chất, nhưng để nâng cao chất lượng giáo dục đội ngũ giáo viên nhà trường luôn nỗ lực hết mình. Mỗi giáo viên, mỗi nhân viên đều thấm nhuần khẩu hiệu hành động: “Tận tâm, tận tụy, tận lực – tất cả vì học sinh thân yêu”. Tinh thần ấy không chỉ thể hiện trong từng tiết giảng, từng bộ hồ sơ giáo án 100% xếp loại tốt, mà còn lan tỏa qua các phong trào và cuộc vận động như “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…
Các tiết học luôn trở thành những chủ đề bàn luận sôi nổi, đầy hứng thú cho cả cô và trò |
“Để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó như Nậm Vì thì đội ngũ giáo viên và Ban giám hiệu đã không ngừng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy sát với thực tiễn, phát huy năng lực học sinh qua các hoạt động trải nghiệm, lồng ghép kỹ năng sống, đạo đức, và tri thức xã hội. Điều quan trọng nhất không chỉ nằm ở cơ sở vật chất, mà chính là ở tâm huyết và sự đổi mới từ chính đội ngũ giáo viên”, cô Đồng Thị Thúy nhấn mạnh.
Không quá phô trương, những thay đổi âm thầm nhưng bền bỉ ấy đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đưa xã Nậm Vì thành điểm sáng giáo dục của huyện Mường Nhé. Trường đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tận dụng tối đa thiết bị sẵn có để giúp học sinh hiểu bài dễ hơn, yêu trường lớp hơn. “Chúng tôi không dạy theo khuôn mẫu. Mỗi tiết học là một hành trình mở mang, gắn liền với cuộc sống các em,” Cô Thúy tâm sự.
Đáng quý hơn cả, trong hành trình ấy không chỉ có sự cố gắng của thầy trò, mà còn là sự đồng hành của phụ huynh và cộng đồng. Nhà trường đã khéo léo kết nối với cha mẹ học sinh qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, cùng nhau bàn bạc giải pháp giúp con em tiến bộ. Dù đời sống còn khó khăn, nhiều gia đình người Mông, Dao, Hà Nhì vẫn sẵn lòng động viên, hỗ trợ con đến lớp đầy đủ mỗi ngày.
Những tiết học đã trở thành đợt trải nghiệm tìm hiểu về kiến thức của cô và trò |
Thành quả từ những nỗ lực ấy không chỉ thể hiện qua những con số hay giải thưởng, mà lớn hơn là sự trưởng thành từng ngày của em học trò. Các em mạnh dạn hơn, biết nói lời cảm ơn, biết nhường nhịn bạn bè và mơ những giấc mơ xa hơn đỉnh núi. Có em từng bảo với cô giáo: “Lớn lên, em sẽ làm thầy giáo để dạy lại các em nhỏ giống như em bây giờ.” Cô Thúy tâm sự.
Những mái trường vùng cao hôm nay không chỉ là nơi dạy chữ, mà còn là nơi gìn giữ tương lai. Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Vì chính là minh chứng sống động cho điều đó./.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/truong-pho-thong-dan-toc-ban-tru-tieu-hoc-nam-vi-noi-chap-canh-uoc-mo-cho-hoc-tro-vung-kho-213438.html
Bình luận (0)