Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết thông tin tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 15/5.
Theo đó, liên quan tới việc tổ chức lại đơn vị hành chính, từ năm học 2026-2027, chính sách tuyển sinh đầu cấp sẽ thay đổi trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương không còn thực hiện tuyển sinh theo địa giới hành chính (hay còn gọi là theo tuyến) như hiện nay. Thay vào đó, sẽ áp dụng nguyên tắc tuyển sinh đảm bảo học sinh được học trường gần nhất với nơi ở thực tế.

Phụ huynh đấu tranh đòi quyền đi học gần nhà cho con tại Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 vào tháng 8/2024 (Ảnh: Thành Đông).
Việc này đã được TPHCM thực hiện thí điểm từ năm 2023 trên cơ sở áp dụng Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - gọi tắt là bản đồ GIS).
Trước khi có chủ trương của Bộ, Hà Nội cũng đã chuẩn bị cho việc áp dụng công nghệ bản đồ GIS để tuyển sinh lớp 1, 6 theo nguyên tắc gần nhà từ năm học 2026-2027.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, việc áp dụng GIS sẽ giúp tính toán chính xác khoảng cách từ nơi cư trú đến trường, đảm bảo học sinh được học gần nhà nhất. Điều này sẽ giúp phụ huynh thuận tiện hơn trong việc đưa đón con, đồng thời giảm áp lực giao thông.
Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền 2 cấp, ước tính mỗi xã, phường trên cả nước sẽ có trung bình 7.000 học sinh. Các trường mầm non, tiểu học và THCS sẽ chuyển từ cấp huyện về xã quản lý. Trong khi đó, dự kiến chỉ có 2 công chức quản lý giáo dục cấp xã.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, cần lấy việc đảm bảo vận hành bình thường của các cơ sở giáo dục làm ưu tiên hàng đầu, không sáp nhập cơ học các trường khi thay đổi đơn vị hành chính.
"Sau khi ổn định bộ máy và đánh giá thấu đáo các phương diện, khi đó mới rà soát tái sắp xếp nếu cần thiết. Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể về việc này", ông Sơn nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/tu-2026-tuyen-sinh-lop-1-6-toan-quoc-theo-nguyen-tac-gan-nha-20250517072043678.htm
Bình luận (0)