Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Từ Nam Tây Nguyên đến Trường Sa: Khúc tráng ca nơi đầu sóng

(LĐ online) - Như Báo Lâm Đồng đã thông tin, Đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng gồm 51 đồng chí, do đồng chí Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu, đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ đi thăm, tặng quà, động viên các chiến sỹ và Nhân dân trên 7 đảo và Nhà giàn DK1. Chuyến đi đã để lại trong các thành viên đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng những cảm nhận sâu sắc và chân thực về sự hy sinh và tình yêu dành cho biển đảo của quân và dân nơi các đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng12/05/2025

Chuyến hải trình kéo dài 7 ngày, từ ngày 4 - 9/5, giữa những ngày thời tiết vô cùng thuận lợi, trời nắng đẹp, độ cao sóng 0,3 đến 0,5 mét và giữa bầu không khí vô cùng ý nghĩa khi cả nước đang long trọng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2025), Kỷ niệm 50 năm giải phóng Trường Sa, và cũng là dịp Kỷ niệm 70 năm Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Đoàn đã tổ chức và tham gia nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo và hiểu sâu sắc hơn về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo trong mỗi người dân Việt Nam.

HÀNH TRÌNH "TIẾP LỬA YÊU THƯƠNG"

Tâm sự với tôi, đồng chí Hoàng Liên - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cho biết vô cùng hạnh phúc khi được là thành viên trong đoàn công tác của tỉnh tham gia hành trình ra thăm biển đảo và nhà giàn DK1 lần này. Chuyến đi đặc biệt có ý nghĩa khi diễn ra đúng vào dịp cả nước kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những ngày này, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng xuất hiện nhiều phóng sự và ảnh tư liệu liên quan đến sự kiện 1 trong 2 chiếc xe tăng mang ký hiệu 390 đã húc đổ cổng Dinh Độc lập. Tôi rất ấn tượng khi mà chuyến tàu tôi cùng với đoàn công tác đi thăm biển đảo lần này cũng có ký hiệu 390 và cũng đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Trong suốt chuyến công tác, đoàn Lâm Đồng đã tham gia và tổ chức nhiều hoạt động thi đua "5 nhất" do Hải quân Vùng 4 phát động với chủ đề "Đoàn kết, nghĩa tình, lập công, quyết thắng".

Giữa biển trời bao la, các cán bộ, đảng viên và thành viên đoàn công tác đã tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, với hàng trăm bài hát truyền thống ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ngợi ca biển đảo quê hương và những bài hát hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, những bài hát tôn vinh, ca ngợi các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Chương trình phát thanh với chủ đề "Lời biển gọi Trường Sa" cũng được được các đại biểu thực hiện vào mỗi đêm trên Tàu KN 390 với rất nhiều cảm xúc được chia sẻ suốt hành trình đến với biển đảo cũng đã góp phần chia sẻ tình cảm sâu nặng của đoàn công tác gửi gắm đến cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang làm nhiều nhiệm vụ khác nhau trên biển, đảo và Nhà giàn.

Nhiều đại biểu đã chia sẻ chuyến đi đã giúp họ thấu hiểu sâu sắc về tình yêu với biển đảo và thêm tự hào về lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Thông qua chuyến đi, các đại biểu cũng hy vọng một lần nữa góp phần khẳng định mạnh mẽ quan điểm biển đảo là một phần không thể tách rời của đất nước ta. Mỗi người dân Việt Nam cần phải có trách nhiệm, chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo.

"Nếu ai mà chưa yêu nước nhiều lắm, chưa hiểu tình yêu nước phải thể hiện như thế nào, thì hãy đến với biển đảo. Còn ai đã yêu nước rồi, đến với biển đảo, sẽ càng thêm yêu và tự hào về đất nước mình, thêm trân quý hòa bình, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải" - đồng chí Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng, Phó trưởng đoàn công tác số 18 nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Lễ tổng kết chuyến hải trình.

THIÊNG LIÊNG LỄ TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ ĐÃ HY SINH TẠI GẠC MA

Thật đặc biệt, vào đúng ngày kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/2025), ngay tại vùng biển giữa cụm đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, Đoàn công tác đã được tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh vì bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nhiều tiếng nấc nghẹn ngào, những dòng nước mắt dâng trào. Đó chính là tình cảm xuất phát từ sâu thẳm trong tim của những người con đất liền khi dâng trào cảm xúc của lòng tự hào và biết ơn trước những hy sinh quên mình vô cùng cao cả của các Anh hùng Liệt sỹ trên biển.

Ngay sau lễ tưởng niệm, đoàn công tác được các chiến sỹ hải quân dùng xuồng chở vào thăm chiến sỹ đảo Cô Lin và đảo Len Đao. Bước chân lên Đảo Cô Lin và đảo Len Đao, nơi 37 năm trước, chính thế hệ các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng cảm biến thân mình thành cột mốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, là hình ảnh ấm áp của các chiến sỹ trẻ yêu đời, bản lĩnh đang hùng dũng, oai nghiêm nơi đầu sóng, ngọn gió để canh gác vùng biển đảo của quê hương.

"Tôi đã vô cùng xúc động khi nhìn thấy hình ảnh mâm lễ vật, vòng hoa tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma được thả xuống biển sâu trong buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tổ chức trên tàu KN 390 đã theo những ngọn sóng biển trôi dạt vào gần đảo Cô Lin. Sự hy sinh của các anh đã và đang được các thế hệ chiến sỹ biến thành quyết tâm sắt đá để bảo vệ ngày càng vững chắc hơn chủ quyền biển đảo quê hương trên hòn đảo này..." - đồng chí Hoàng Liên – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng xúc động chia sẻ.

SỨC SỐNG MÃNH LIỆT NƠI ĐẢO CHÌM VÀ NHÀ GIÀN DK1

Trong chuyến công tác lần nay, Đoàn công tác đã được đến thăm 4 đảo chìm, là các đảo: Đá Thị, Cô Lin, Len Đao và Đá Tây C. Dù thời tiết thuận lợi, nhưng dưới cái nắng vô cùng khắc nghiệt giữa biển khơi, nên khi bước chân lên những hòn đảo này, mỗi thành viên đều cảm nhận được tinh thần kiên cường và sức khoẻ, sự chịu đựng vô cùng dẻo dai của các chiến sỹ hải quân.

Trên đảo chìm, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhưng với sự khéo léo, thông minh của các chiến sỹ, rau xanh vẫn mọc lên tươi tốt, đơm hoa kết trái, thậm chí còn tươi tốt hơn cả trên đất liền. Các chiến sỹ còn trồng hoa, cây cảnh, bonsai để trang trí, làm xanh hoá khu vực xung quanh đảo. Các chiến sỹ tự hào cho biết, trên đảo vẫn đảm bảo rau xanh đầy đủ trong mỗi bữa ăn.

Đại uý Nguyễn Xuân Hoàng, 32 tuổi, Chính trị viên đảo Cô Lin cho biết: Đảo Cô Lin nằm ở vị trí tiền đồn, lại là điểm nóng, thường xuyên diễn ra các hoạt động của tàu, máy bay nước ngoài nhưng cán bộ, chiến sỹ trên đảo vẫn luôn đầy ắp niềm tin Tổ quốc là nhà, biển đảo là quê hương, luôn kiên định giữ vững ý chí sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

“Chiến sĩ chúng tôi luôn kiên định giữ vững ý chí, sắt son một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ từng tấc biển, từng hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam” - Đại úy Nguyễn Xuân Hoàng khẳng định.

Hình ảnh các chiến sỹ trẻ với ánh mắt sáng ngời, khuôn mặt với làn da rắn rỏi mặn mòi của biển cả sừng sững, hiên ngang canh gác trên hòn đảo nhỏ giữa biển khơi khiến mỗi người đến đảo ngày hôm ấy thêm niềm tin, sự tự hào và xúc động khôn nguôi. Hình ảnh ấy cũng là nguồn động lực thật lớn lao để những người con đến từ đất liền thêm niềm tin vào sự hùng mạnh của lực lượng hải quân trên biển đảo, nhân thêm trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên và các đại biểu sự cảm phục và tình yêu dành cho những người lính biển và gợi mở bao trách nhiệm của mỗi cá nhân với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

“Chúng tôi xin hứa, dù có phải hy sinh, cũng quyết tâm bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương”- câu khẳng định chắc nịch đầy quyết đoán của Chỉ huy đảo Len Đao trong buổi gặp gỡ, làm việc với đoàn công tác đã khiến ai nấy trong đoàn đều cảm phục và xúc động mà rưng rưng nước mắt. Lắng nghe những lời chia sẻ ấy, một cán bộ trong đoàn đã thốt lên: Các cô chú thật sự biết ơn sự hy sinh vô cùng lớn lao mà thầm lặng của những người lính trẻ đã dấn thân và sống hết mình vì Tổ quốc.

Đồng chí Trần Diệp Mỹ Dung - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng chia sẻ: Tôi yêu ánh mắt sáng trong, lấp lánh niềm tin; yêu nụ cười vô tư, hồn nhiên; yêu cách sống hết mình cho hôm nay mà không màng đến thách thức, hiểm nguy phía trước. Đó là minh chứng rõ nét về lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ trẻ hôm nay về tình yêu nước tha thiết, nồng nàn; tinh thần xung kích, dấn thân, sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc”.

“Trường Sa không chỉ là vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, mà nơi đó còn chứng kiến thanh xuân đáng tự hào của các chiến sỹ trẻ nơi đảo xa. Để lại những riêng tư cá nhân, lùi lại những đủ đầy thường nhật, các chiến sỹ chọn cho mình sứ mệnh ý nghĩa, cống hiến tuổi trẻ giữa muôn trùng khơi xa.

THIÊN NHIÊN TƯƠI ĐẸP VÀ TÌNH NGƯỜI ẤM ÁP NƠI ĐẢO NỔI

Nhiều đại biểu tâm sự đã vô cùng ấn tượng với màu xanh ngút ngàn ở các đảo nổi như đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa lại nổi bật với vẻ đẹp tươi mát của các loại cây xanh như bàng vuông, phi lao, dừa, chuối... và rất nhiều loại hoa, rau xanh cung cấp đủ cho toàn bộ cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và cả các ngư dân theo tàu vào tránh bão, sửa chữa tàu.

Đại tá Đỗ Minh - Phó Tư lệnh Hải quân Vùng 4 cho biết, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và tăng gia sản xuất của các chiến sỹ trên các đảo hiện nay đã được cải thiện rất nhiều. Các chiến sỹ quanh năm đều đủ nước ngọt, rau xanh, cá thịt.

Các trang thiết bị phục vụ cho luyện tập thể dục, thể thao cũng được trang bị đầy đủ và hiện đại. Trên một số đảo nổi, còn có cả câu lạc bộ tập Gym, sân tập thể dục thể thao ngoài trời, có sân chơi với xích đu, cầu tuột, bập bênh dành cho trẻ em.

Đồng chí Hoàng Liên chia sẻ: Có 3 màu sắc của Trường Sa trong chuyến đi này khiến tôi và các thành viên rất ấn tượng. Đó là màu cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên biển, đảo; là màu nâu rắn rỏi, mạnh mẽ của quân và dân trên đảo; và màu trắng sáng của những nụ cười luôn nở trên môi các chiến sỹ trên suốt hành trình chúng tôi được gặp khi lên thăm đảo và Nhà giàn DK1.

TRƯỜNG SA YÊU TỔ QUỐC! TRƯỜNG SA YÊU ĐẤT LIỀN!

Trường Sa yêu Tổ quốc! Trường Sa yêu đất liền! - Tiếng hô vang vọng xé tan màn đêm của quân và dân đảo Trường Sa trong giờ phút chia tay đoàn công đã chạm đến trái tim của các thành viên trong đoàn công tác. Giữa biển khơi bao la, lời thề thiêng liêng ấy đã khiến đoàn công tác trên tàu KN390 rời đảo nước mắt dâng trào.

Không ai bảo ai mà các thành viên cùng đồng thanh đáp lại: “Đất liền yêu Trường Sa! Trường Sa mãi trong tim đất liền!”. Cứ thế, cả đoàn công tác đứng vẫy tay chào tạm biệt quân và dân trên đảo Trường Sa giữa màn đêm mãi cho đến khi chỉ còn nghe được tiếng sóng vỗ mạn tàu.

“Tôi đã không kìm được nước mắt khi nghe quân và dân trên đảo Trường Sa hát vang “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ta, vì nhân dân quên mình…” và hô vang khẩu hiệu "Trường Sa yêu Tổ quốc! Trường Sa yêu đất liền!".

“Chuyến đi này đã cho tôi và các thành viên trong đoàn thấy tình yêu quê hương, đất nước thiêng liêng đến nhường nào. Chúng tôi sẽ hành động nhiều hơn nữa, để lan tỏa tình yêu biển đảo đến với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, để họ hiểu và trân trọng sự hy sinh cao cả của những người lính Hải quân" - Đồng chí Phạm Thị Hồng Hải - Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ Lâm Đồng chia sẻ.

LAN TOẢ CHƯƠNG TRÌNH XANH HOÁ TRƯỜNG SA

Phát biểu, chia sẻ với quân và dân trên đảo Trường Sa, đồng chí Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã cho biết, vô cùng xúc động khi đi đến đảo nào cũng nhìn thấy hình ảnh kiên cường của các cán bộ, chiến sỹ và sự lạc quan của người dân.

“Chuyến đi để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc đối với cá nhân tôi: Đó là tinh thần lạc quan, ý chí vững vàng, sự nhanh nhẹn sẵn sàng chiến đấu và hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió. Chắc chắn rằng, sau chuyến đi lần này, tôi và thành viên của đoàn công tác sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực về biển đảo, để lan toả hình ảnh kiên trung, sẵn sàng hy sinh của quân và dân quần đảo Trường Sa cũng như cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam. Chúng tôi cũng vô cùng trân trọng sự hy sinh thầm lặng và cảm phục tinh thần gan dạ, ý chí sắt đá, tính kỷ luật nghiêm minh của quân và dân trên đảo. Ở nơi đầu sóng ngọn gió nhưng các đồng chí vẫn luôn kiên định một mục tiêu vô cùng cao cả là bảo vệ đảo và vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam” - đồng chí Bùi Thắng nhấn mạnh.

Đại tá Đỗ Minh - Phó Tư lệnh Hải quân vùng 4 cho biết: Cho dù tranh chấp trên Biển Đông vẫn diễn ra phức tạp, nhưng suốt thời gian qua, cách bảo vệ biển đảo của Việt Nam chúng ta là rất hiệu quả. Vì vậy mà chúng ta chưa hề mất một tấc biển, một hòn đảo nào, mà ngược lại, đảo của chúng ta ngày càng phát triển, lực lượng hải quân của chúng ta ngày càng vững mạnh, chính quy và hiện đại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, tôi thống nhất với kiến nghị của các đại biểu Đoàn công tác, sẽ đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hiện đại hoá cho Hải quân Nhân dân Việt Nam; phát động rộng rãi chương trình Xanh hoá Trường Sa; và thông tin đến các địa phương, doanh nghiệp để quan tâm, bổ sung kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình Nhà văn hoá trên đảo Cô Lin cũng như thiết bị phục vụ cuộc sống và sinh hoạt của quân và dân trên các đảo”.

ƯỚC NGUYỆN LAN TOẢ TÌNH YÊU BIỂN ĐẢO

Sau chuyến công tác, mỗi thành viên trong đoàn công tác đều mang theo những cảm xúc và suy nghĩ sâu sắc về Trường Sa, về biển đảo quê hương. Tình yêu và trách nhiệm đối với Tổ quốc sẽ mãi mãi khắc sâu trong tim mỗi người.

Đồng chí Bùi Thắng trao biểu trừng 5 tỷ xanh hoá Trường Sa
Đồng chí Bùi Thắng trao biểu trừng 5 tỷ xanh hoá Trường Sa

Đồng chí Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng:

“Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân cũng dành nhiều sự quan tâm đến biển đảo, vì vậy mà các đảo hiện nay ngày càng phát triển, vững mạnh về mọi mặt. Tuy nhiên, tình hình thế giới hiện nay cho thấy khó khăn và thách thức trên Biển Đông vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, nhất là khi mà nhiều nước vẫn đang tuyên bố chủ quyền và tranh chấp với chúng ta. Vì vậy, tôi đề nghị mỗi thành viên trong đoàn, ở từng vị trí công tác khác nhau, sẽ cùng hành động và cùng kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh đầu tư để lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày càng hiện đại.

Đặc biệt, qua chuyến công tác, tôi nhận thấy các công trình, cơ sở vật chất do các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ tại các đảo, nhà giàn đang có dấu hiệu xuống cấp qua thời gian và vì sự khắc nghiệt của thời tiết biển đảo. Quân và dân trên các đảo, nhà giàn đang rất cần sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp để duy tu, bảo dưỡng.

Đặc biệt, được biết Hải quân Vùng 4 đang phát động chương trình Xanh hoá Trường Sa, tôi hy vọng rằng, Chương trình này sẽ lan tảo sâu rộng đến các tỉnh, thành và nhân dân, để Trường Sa ngày càng phát triển, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

 

Đồng chí Hồng Hải chụp hình từ đảo Ôlin nhìn về phía gacma
Đồng chí Hồng Hải - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng chụp hình từ đảo Ôlin nhìn về phía gacma

Đồng chí Phạm Thị Hồng Hải - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng:

"Đến Trường S, mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió, luôn là niềm mơ ước cháy bỏng trong tôi. Bởi vậy, khi được đặt chân đến nơi đây, được hòa mình vào cuộc sống của quân và dân trên đảo, tôi không khỏi nghẹn ngào, xúc động. Sau chuyến đi này, tôi sẽ tham mưu với lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền về biển đảo. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung giáo dục tình yêu biển đảo, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là trong các trường học. Để Trường Sa mãi mãi là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam".

Đồng chí K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Di Linh:

“Lần đầu tiên được trực tiếp đến thăm các đảo và Nhà giàn DK1, tôi vô cùng xúc động trước những khó khăn, thử thách và ý chí quật cường nhưng vô cùng lạc quan của các chiến sỹ đang công tác tại các đảo và Nhà giàn DK1.

Qua trao đổi, tâm sự, tôi nhận thấy các chiến sỹ trên đảo dù nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tuy nhiên khó khăn vẫn còn rất nhiều. Hàng năm, Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện uỷ Di Linh cũng thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, lan toả tình yêu biển đảo đến các tầng lớp Nhân dân. Nhưng sau chuyến đi này, bản thân tôi mong rằng các hoạt động tuyên truyền về biển đảo không chỉ lan toả về mặt nhận thức, mà phải lan toả được cả trách nhiệm của mỗi người dân, trong đó có cả bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đồng chí Đinh Thị Mai - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đơn Dương
Đồng chí Đinh Thị Mai - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đơn Dương

Đồng chí Đinh Thị Mai - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đơn Dương:

"Dù trước đây đã tìm hiểu qua sách báo, nhưng đến tận nơi, trực tiếp gặp gỡ các chiến sỹ, tôi mới thực sự cảm nhận được sự hy sinh, lòng nhiệt huyết của họ. Thật bất ngờ và tự hào khi trong chuyến đi lần này, tôi tình cờ gặp một người con của huyện Đơn Dương là con trai của nguyên cán bộ Công an thị trấn Dran. Cháu đang tham gia công tác tại Trạm xá trên đảo Trường Sa. Dù gian khổ, vất vả, cháu chia sẻ rằng luôn tự hào về nhiệm vụ thiêng liêng của mình.

Chuyến đi cũng cố thêm niềm tin của tôi vào tinh thần trách nhiệm, tình yêu nước và ý chí quyết tâm của các chiến sĩ nơi đảo xa. Tôi tin rằng, với sự quan tâm, ủng hộ của cả nước, cùng với tinh thần kiên cường của quân và dân trên đảo, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc sẽ mãi mãi được giữ vững".

 

Đồng chí Lê Thị Thắm - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng
Đồng chí Lê Thị Thắm - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng

Đồng chí Lê Thị Thắm - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng:

“Được tham gia đoàn công tác thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DKI, có thể nói với bản thân tôi là điều rất vinh dự và tự hào. Tôi rất xúc động khi được tận mắt chứng kiến các cán bộ, chiến sỹ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, hiểu được sự kiên cường, vất vả và sự hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ nơi biển đảo. Từ đó, thấy rõ trách nhiệm của bản thân mình đối với Tổ quốc thiêng liêng.

Sau chuyến công tác này, tôi tự hứa với bản thân sẽ thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về biển đảo quê hương qua những gì được chứng kiến, lồng ghép vào các chương trình giảng dạy mà Trường Chính trị đảm nhận để tất cả học viên là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh khi tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại trường ngày càng biết nhiều hơn về quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DKI, biết được sự vất vả, sự hy sinh của cán bộ, chiến sỹ nơi biển đảo, từ đó tăng cường trách nhiệm với Tổ quốc và cùng góp sức xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng phát triển”.

Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/tu-nam-tay-nguyen-den-truong-sa-khuc-trang-ca-noi-dau-song-5e3516a/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm