Câu chuyện khởi nghiệp từ những bước khởi đầu còn bộn bề khó khăn, đến khi xây dựng được thương hiệu riêng của bản thân họ đã tạo thêm động lực cho nhiều bạn trẻ khác trên hành trình lập thân, lập nghiệp.
Trở về quê hương sau thời gian đi nghĩa vụ ngành công an, anh Phạm Đức Huy (28 tuổi, trú xã Pơng Drang quyết định nối nghiệp cha mẹ với nghề nuôi ong lấy mật.
Giữa năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát làm đứt gãy kênh phân phối truyền thống, anh Huy đã nhanh chóng chuyển hướng sang bán hàng online. Anh livestream trực tiếp quy trình thu hoạch, chế biến mật ong tại trại. Qua đó không chỉ giúp người tiêu dùng hiểu rõ quy trình sản xuất mà còn xóa tan những nghi ngại về chất lượng mật. Cách làm sáng tạo này giúp doanh thu tăng 20%, mở ra kênh tiêu thụ ổn định ngay giữa mùa dịch.
Năm 2023, thương hiệu “Mật ong hoa cà phê Trại Nhà Huy” được chứng nhận OCOP 3 sao, đã giúp gia đình mở rộng thị trường đến các cửa hàng bán lẻ và điểm trưng bày sản phẩm OCOP khác.
Anh Phạm Đức Huy đang chia sẻ cách tạo ra sản phẩm mật ong của gia đình. |
Nhờ thương hiệu đứng vững trên thị trường, từ đầu năm 2025 đến nay, anh đã tiêu thụ 28.000 l mật ong thô và tinh chế, đồng thời tạo việc làm cho 1 lao động chính, với thu nhập 6 triệu đồng/tháng và 3 lao động thời vụ, thu nhập 5 - 7 triệu đồng/tháng.
"Để duy trì và phát triển nghề truyền thống của gia đình ngay giữa thời điểm dịch bệnh thật không dễ dàng với tôi. Nhưng lúc đó tôi nghĩ, nếu mình không nhanh nhạy nắm bắt thì cơ hội sẽ trôi qua mất. Tôi chọn cách kể câu chuyện nghề làm ong, giúp khách hàng có thể trực tiếp nhìn thấy quy trình và cách tạo ra những giọt mật ong thơm ngon. Tôi cảm thấy tự hào vì mình đã không bỏ cuộc", anh Huy chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình.
Sinh ra và lớn lên tại xã Ea Hleo, chị Nguyễn Thị Công Linh (SN 1995) sớm bộc lộ đam mê kinh doanh. Sau khi lấy chồng và chuyển về xã Krông Búk sinh sống, năm 2019, chị quyết định khởi nghiệp với sản phẩm mắc ca sấy nứt vỏ khi nhận thấy nông sản này ở địa phương chưa có đầu ra ổn định.
Thiếu kinh nghiệm cộng với việc đầu tư máy móc chưa đạt tiêu chuẩn nên chị Linh đã thua lỗ gần 100 triệu đồng ngay trong năm đầu tiên. Không nản chí, chị kiên trì học hỏi, đầu tư lại hệ thống máy móc đạt chuẩn và hoàn thiện kỹ thuật chế biến. Năm 2020, chị mở xưởng sản xuất đầu tiên tại với diện tích 200 m². Đến năm 2022, chị tiếp tục mở thêm xưởng thứ hai nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng.
Bên cạnh mắc ca, chị Linh còn mở rộng kinh doanh sang sầu riêng, cây tía tô, lá trầu không cung cấp cho các nhà máy chế biến. Đặc biệt, năm 2023, sản phẩm "Mắc ca Đắk Lắk Công Linh" được công nhận đạt OCOP 3 sao, giúp chị dễ tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng so với khách sỉ trước đó.
Chị Nguyễn Thị Công Linh khởi nghiệp thành công từ chính nông sản địa phương. |
Đầu năm 2025, gia đình chị quyết định thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Công Linh. Ngoài việc tạo thu nhập ổn định cho gia đình, chị còn tạo việc làm ổn định cho 20 - 25 lao động địa phương với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy tiềm năng của quả vải u hồng tại địa phương, tháng 5/2025, chị tiếp tục mở rộng kinh doanh và đã thu mua, tiêu thụ 100 tấn vải. Đồng thời, phát triển thêm sản phẩm vải sấy khô nhằm nâng cao giá trị nông sản địa phương và tạo việc làm thời vụ cho hơn 100 lao động địa phương với mức thu nhập 400.000 - 500.000 đồng/người/ngày.
“Tôi mong muốn doanh nghiệp của mình không chỉ làm ăn có lãi, mà còn là chỗ dựa để bà con yên tâm sản xuất. Tôi hy vọng nhiều bạn trẻ sẽ mạnh dạn khởi nghiệp, vì nông sản quê hương mình còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết”, chị Linh tâm sự.
Câu chuyện khởi nghiệp của chị Nguyễn Thị Công Linh và anh Phạm Đức Huy là minh chứng sống động cho tinh thần “dám nghĩ, dám làm” ngay trên mảnh đất thân quen. Từ những bước đi táo bạo, không chỉ giúp họ gặt hái thành công mà còn góp phần tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương, lan tỏa khát vọng phát triển bền vững cho cộng đồng.
Giang Nga
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202507/tu-tin-khoi-nghiep-c311ee4/
Bình luận (0)