Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tư tưởng về phát triển kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kim chỉ nam phát triển thương mại trong kỷ nguyên mới

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế, thương nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng và mở mạch nguồn cho thương mại hiện đại.

Báo Công thươngBáo Công thương19/05/2025

Nhất quán tư tưởng phục vụ nhân dân và sản xuất

Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về phát triển kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng ngành thương nghiệp nước ta thực sự trở thành một đòn bẩy kinh tế, làm tốt vai trò lưu thông hàng hóa, gắn kết giữa công nghiệp với nông nghiệp, sản xuất với tiêu dùng, giữa địa phương với Trung ương, trong nước với ngoài nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của thương nghiệp trong nền kinh tế quốc dân: “Trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: Nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau. Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp. Thương nghiệp đưa hàng đến nông thôn phục vụ nông dân, thương nghiệp lại đưa nông sản, nguyên liệu cho thành thị tiêu dùng. Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được công nông liên minh. Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc”.

Nhận thức mang tầm chiến lược đã được Bác trực tiếp chỉ ra là: “Thương nghiệp làm nhiệm vụ đưa hàng hóa công nghiệp về bán cho nông dân, rồi lại mua các thứ nông sản về cho nhà máy. Thương nghiệp phải cố gắng làm công việc đó cho tốt, phải bảo đảm chất lượng hàng hóa và có tinh thần phục vụ người mua”.

Không chỉ dừng lại ở nhận thức chiến lược, Người còn đưa ra những chỉ dẫn rất cụ thể về tổ chức hệ thống lưu thông hàng hóa. Theo Người, thương nghiệp phải bảo đảm đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng nhanh chóng, đầy đủ, đúng giá và chất lượng. Người cũng đặc biệt quan tâm đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà việc tiếp cận hàng hóa và dịch vụ thiết yếu còn nhiều khó khăn.

Baác Höì gùåp mùåt cöng nhên, caán böå ngaânh than nùm 1968. Ảnh tư liệu
Bác Hồ gặp mặt cán bộ, công nhân ngành than năm 1968. Ảnh tư liệu

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra lưu thông hàng hóa như mạch máu của nền kinh tế. Lưu thông thông suốt sẽ giúp sản xuất không bị ứ đọng, người dân được tiếp cận hàng hóa với giá hợp lý, đồng thời hạn chế tiêu cực như đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Chính vì vậy, Người luôn nhấn mạnh yêu cầu tổ chức mạng lưới phân phối hợp lý, không để hàng hóa bị tắc nghẽn. Người yêu cầu cán bộ ngành thương nghiệp phải gần dân, hiểu dân, lắng nghe phản ánh của nhân dân để điều chỉnh hoạt động thương mại cho phù hợp thực tiễn và phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.

Cùng đó, một quan tâm đặc biệt được Bác nhấn mạnh là phát triển hệ thống phân phối hàng hóa hợp lý, nông sản từ nông thôn ra thành thị và hàng công nghiệp từ thành thị về nông thôn được thông suốt. Tư tưởng này thể hiện rõ qua việc Người khuyến khích hợp tác xã mua bán, củng cố hệ thống chợ búa và đẩy mạnh giao thông vận tải để hàng hóa lưu thông thuận lợi.

Ý nghĩa và giá trị to lớn

Trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thương nghiệp và lưu thông hàng hóa vẫn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Bốn bài học về phát triển thương mại hiện đại có thể được rút ra từ những lời chỉ dạy của Người.

Bài học đầu tiên là trong mọi hoàn cảnh phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt. Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, logistics, giảm chi phí vận chuyển để hàng hóa lưu thông nhanh chóng, đặc biệt là nông sản - mặt hàng dễ bị ứ đọng, mất giá khi ùn tắc phân phối.

Chỉ dạy của Bác về lưu thông hàng hóa ngày nay được cụ thể hóa bằng việc đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống logistics, các trung tâm phân phối, chợ đầu mối hiện đại và chuyển đổi số trong thương mại. Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào phân phối, điều mà tư tưởng Hồ Chí Minh về lưu thông hàng hóa đã đặt nền móng từ rất sớm.

Bài học thứ hai là phát triển nền thương mại với tiêu đích công bằng, vì người dân cũng như phải đặt con người ở trung tâm. Ngày nay, khi thị trường phức tạp, đa tầng hơn hơn, Nhà nước cần tăng cường kiểm soát độc quyền, chống buôn lậu, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bài học thứ ba là biết kết hợp thương mại truyền thống và hiện đại. Bài học từ việc ứng phó và bảo đảm không đứt gãy thị trường trong thời gian đại dịch Covid-19 cho thấy bên cạnh việc phát triển thương mại điện tử, siêu thị, cần duy trì và nâng cấp chợ truyền thống để ổn định kênh phân phối đa dạng.

Bài học thứ tư là phát triển thương mại gắn với xây dựng đạo đức kinh doanh. Tư tưởng thương nghiệp phải có đạo đức của Bác Hồ nhắc nhở doanh nghiệp ngày nay phải kinh doanh minh bạch, trách nhiệm, không vì lợi nhuận mà bất chấp chất lượng, gian lận thương mại.

Đạo đức ở đây cũng còn đặc biệt cần ở cán bộ thương mại không buôn gian, bán lận, không lừa dối khách hàng, không trục lợi chính sách. Người đã từng nhiều lần yêu cầu cán bộ thương nghiệp phải “cần, kiệm, liêm, chính”, chống tham ô, lãng phí và đầu cơ tích trữ.

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thương nghiệp không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn là kim chỉ nam cho phát triển thương mại hiện đại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc vận dụng linh hoạt tư tưởng của Người từ bảo đảm lưu thông hàng hóa đến xây dựng nền thương mại công bằng, hiệu quả sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững.

Quang Lộc

Nguồn: https://congthuong.vn/tu-tuong-ve-phat-trien-kinh-te-cua-chu-tich-ho-chi-minh-kim-chi-nam-phat-trien-thuong-mai-trong-ky-nguyen-moi-388225.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm