Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Từ vụ người giúp việc lén cho chủ nhà uống nước giặt giẻ lau:

Những ngày qua, câu chuyện một người giúp việc tại Hà Nội bị phát hiện vắt nước giẻ lau vào nồi nước đun lá tía tô để cho chủ nhà uống không chỉ gây phẫn nộ trong dư luận mà còn gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức nghề nghiệp và lỗ hổng trong quản lý một lực lượng lao động đang ngày càng phổ biến.

Hà Nội MớiHà Nội Mới25/05/2025

Nghề thiết yếu đang bị “thả nổi”

Giữa tháng 5-2025, sau một trận đau bụng dữ dội, chị H ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) kiểm tra lại camera giám sát quay khu vực bếp của gia đình và bàng hoàng phát hiện người giúp việc đang đun nồi nước lá tía tô nhưng không rửa rau, thậm chí còn dùng giẻ lau bếp lau nước tràn rồi… vắt thẳng vào nồi nước đun cho gia chủ uống.

giup-viec-cho-chu-uong-nuoc-giat-gie-lau.jpg
Hình ảnh người giúp việc vắt nước từ giẻ lau vào nồi nước uống của gia chủ. Ảnh cắt từ clip

Người giúp việc trong đoạn video là bà O (58 tuổi, quê Nghệ An), được gia đình chị H thuê qua một công ty môi giới từ giữa tháng 4-2025 với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Trước đó, bà O được công ty giới thiệu là “sạch sẽ, nấu ăn ngon, chịu khó”. Khi làm việc với Công an phường Ngọc Thụy, bà O thừa nhận hành vi nhưng cho rằng đó là vì “vội và vô tình”.

Cũng tại Hà Nội, dư luận từng rúng động với vụ bạo hành trẻ sơ sinh do người giúp việc gây ra. Trong đoạn camera được gia đình cung cấp, người phụ nữ giúp việc liên tục đánh bé trai hơn 1 tháng tuổi, lắc mạnh rồi ném bé xuống giường. Bà L (57 tuổi, quê Tuyên Quang) - người giúp việc sau đó bị khởi tố về hành vi bạo hành trẻ em.

Những vụ việc liên quan đến người giúp việc không hiếm và cho thấy một thực tế là khi sự tin tưởng đặt sai chỗ và thiếu sự ràng buộc về pháp lý, hậu quả có thể là sức khỏe, tiền bạc, thậm chí cả tính mạng của những người trong gia đình.

giup-viec-bao-hanh-tre.jpg
Giúp việc bạo hành trẻ sơ sinh. Ảnh cắt từ clip

Tại Điều 161, 162, 163, 164 và 165 của Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định rất cụ thể về nghĩa vụ, quyền lợi của người giúp việc trong gia đình và người sử dụng lao động nhưng hầu hết các quy định này đều không được thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích dự báo chiến lược và dịch vụ công, Viện Khoa học tổ chức nhà nước và lao động cho rằng, ở các nước phát triển, nghề giúp việc được chính thức hóa và do nhà nước quản lý. Vì vậy, người làm nghề này được ký hợp đồng và phải tuân thủ theo các quy định và điều luật do nhà nước đề ra, nhất là luật lao động. Còn tại Việt Nam, giúp việc hiện nay thuộc nhóm lao động phi chính thức, không có ràng buộc pháp lý rõ ràng.

Hiện đa phần người giúp việc được tuyển dụng thông qua mối quan hệ cá nhân, hoặc qua các trung tâm môi giới không chuyên nghiệp. Các trung tâm này chỉ làm nhiệm vụ “cầu nối”, không quản lý người lao động về mặt pháp lý sau khi giới thiệu.

“Mối quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc chủ yếu là thỏa thuận miệng, mang tính cá nhân, tự phát và chủ yếu dựa vào niềm tin. Không có đơn vị nào đứng ra quản lý và chịu trách nhiệm đối với nhóm lao động này khi xảy ra tranh chấp hay sự cố. Thậm chí, người giúp việc cũng không được bảo vệ nếu bị bóc lột, quỵt lương, hay quấy rối…”, Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn nói.

Không chỉ vậy, theo Quyết định số 806/QĐ-LĐTBXH ngày 14-7-2021 về việc công bố Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia năm 2020, giúp việc gia đình đã trở thành 1 trong 199 nghề có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Thế nhưng, Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn dẫn chứng thực tế cho thấy người giúp việc hiện chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, thói quen, cảm tính, tính chuyên nghiệp không có, thiếu kỹ năng và ý thức nghề nghiệp.

“Nếu được đào tạo bài bản, họ sẽ biết đâu là hành vi nguy hiểm, đâu là điều cấm kỵ trong chăm sóc trẻ em, người bệnh, trong chế biến thực phẩm để bảo đảm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho gia chủ… Tuy nhiên, hiện sự đào tạo này gần như là không có gì”, Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn chia sẻ.

Chính thức hóa để bảo vệ cả hai phía

Trước đây, nghề bảo vệ cũng từng là nghề phi chính thức, làm việc tự do, tương tự như nghề giúp việc. Tuy nhiên, khi các công ty bảo vệ ra đời, mô hình này dần được chuyên nghiệp hóa.

“Người thuê bảo vệ không ký hợp đồng trực tiếp với từng cá nhân, mà ký kết với doanh nghiệp và doanh nghiệp đó chịu trách nhiệm toàn diện về mặt pháp lý. Người lao động ký hợp đồng với doanh nghiệp, được đào tạo kỹ năng, chịu sự quản lý và bảo vệ của pháp luật. Nghề giúp việc cũng cần một lộ trình tương tự”, Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn nhận định.

Để quản lý nghề giúp việc cần phải có đơn vị trung gian được cấp phép. Đơn vị trung gian này chính là các công ty giúp việc, sẽ chịu trách nhiệm tuyển chọn, đào tạo, xác minh lý lịch người lao động, sau đó ký hợp đồng ba bên giữa công ty - người giúp việc - gia đình thuê. Người lao động được cấp mã số và đóng bảo hiểm thì không chỉ bảo vệ chủ nhà mà còn giúp người lao động yên tâm, có an sinh lâu dài.

“Nếu nghề giúp việc được chính thức hóa, bắt buộc phải ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật, người làm nghề có thể tham gia bảo hiểm xã hội, được nghỉ thai sản, hưởng chế độ ốm đau… Và chủ nhà cũng yên tâm khi biết rõ người đang sống trong nhà mình có nhân thân thế nào, được đào tạo ra sao, chịu sự quản lý bởi ai”, Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn nhấn mạnh.

Ngày nay, nghề giúp việc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống đô thị hiện đại. Họ đảm nhận công việc chăm sóc trẻ em, nấu nướng, dọn dẹp - những việc làm gắn bó với sức khỏe, sự riêng tư, đôi khi là cả tính mạng của gia đình chủ nhà.

Đã đến lúc nghề giúp việc cần được quản lý bằng luật chứ không chỉ bằng lòng tin. Không thể để một nghề có nhu cầu lớn trong xã hội bị đặt ngoài lề pháp luật, đồng thời cũng không thể để những người làm nghề trung thực bị đánh đồng với những giúp việc nhẫn tâm, vô đạo đức.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/tu-vu-nguoi-giup-viec-len-cho-chu-nha-uong-nuoc-giat-gie-lau-can-quan-ly-nghe-giup-viec-bang-luat-703452.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm