Nông dân xã Tường Đa chú trọng thả ong ký sinh trong vườn dừa.
Xã Tường Đa hiện nay được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập của 3 xã An Hiệp, Sơn Hòa và Tường Đa. Toàn xã có trên 30ha dừa bị nhiễm SĐĐ. Trong số này có hơn 20ha dừa đang trong giai đoạn phục hồi. Từ tháng 2-2025 đến nay, xã không ghi nhận thêm vườn dừa bị nhiễm mới. Đây là kết quả từ sự chủ động của người dân trong phòng ngừa, cũng như các biện pháp đồng bộ và hiệu quả mà địa phương triển khai.
Để đạt được kết quả phấn khởi như trên, Hội Nông dân xã Tường Đa đã đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các phương pháp xử lý SĐĐ. 3 phương pháp chính được triển khai là: xử lý cơ học, xử lý sinh học và thả ong ký sinh. Theo quy trình, nhà vườn sẽ thực hiện lần lượt 3 giai đoạn trên để đạt hiệu quả cao trong phòng trừ sâu bệnh. Người dân được hướng dẫn cách nhận biết sớm các dấu hiệu dừa bị sâu tấn công qua việc thăm vườn thường xuyên. Khi phát hiện tàu lá bị hại, bà con sẽ thả ong ký sinh theo đúng kỹ thuật và sử dụng thuốc sinh học phù hợp nhằm tiêu diệt sâu mà không ảnh hưởng đến đàn ong.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, các hộ dân đã dần chủ động hơn trong việc phòng ngừa và xử lý SĐĐ. Việc được hỗ trợ kiến thức và kỹ năng từ Hội Nông dân xã đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, giúp người dân không chỉ bảo vệ vườn dừa hiệu quả mà còn yên tâm sản xuất. Nhiều hộ dân cho biết, nhờ có sự đồng hành của chính quyền và Hội Nông dân xã, họ đã tự tin hơn, không còn lo lắng trước nguy cơ sâu bệnh bùng phát như trước.
Ông Nguyễn Minh Dũng, 64 tuổi, ngụ tại ấp Bình An, xã Tường Đa chia sẻ: “Trước đây, khi SĐĐ mới xuất hiện, tôi và nhiều hộ dân rất lo lắng vì chưa biết cách xử lý ra sao. Nhưng nhờ được Hội Nông dân xã tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn cụ thể từng bước, từ cách nhận biết dấu hiệu sâu gây hại đến phương pháp phòng trừ bằng các loại thuốc sinh học, tôi đã biết cách chăm sóc, theo dõi vườn dừa đúng kỹ thuật. Đến nay, vườn dừa của tôi phát triển tốt, không còn bị sâu hại như trước. Điều quan trọng là chúng tôi được hỗ trợ kịp thời nên không còn bị động như những ngày đầu dịch bùng phát”.
Hiện nay, mặc dù tình hình SĐĐ cơ bản được kiểm soát, nhưng Hội Nông dân xã vẫn duy trì cảnh báo và khuyến cáo người dân không chủ quan, cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Bởi SĐĐ là đối tượng dịch hại nguy hiểm, có khả năng tái phát và lan rộng nếu không được giám sát chặt chẽ.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tường Đa Nguyễn Bằng Giang, thời điểm hiện tại, tình hình SĐĐ trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, nhưng nguy cơ tái phát vẫn luôn tiềm ẩn, đặc biệt khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho sâu phát triển. “Chúng tôi luôn nhắc nhở bà con không được chủ quan. Việc kiểm tra vườn dừa cần được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là vào giai đoạn cây ra lá non - thời điểm SĐĐ dễ tấn công nhất. Bên cạnh đó, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như thu gom và tiêu hủy lá dừa bị sâu hại, sử dụng đúng loại thuốc được khuyến cáo và đảm bảo phun thuốc đúng thời điểm, đúng kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Bằng Giang nhấn mạnh.
Chủ động phòng trừ SĐĐ hại dừa là bước đi quan trọng, từng bước xây dựng xã Tường Đa trở thành vùng nguyên liệu dừa an toàn, góp phần ổn định thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bài, ảnh: Bảo Duy
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/tuong-da-tich-cuc-phong-chong-sau-dau-den-hai-dua-21052025-a146972.html
Bình luận (0)