Có nền tảng là một nhà báo, người làm truyền thông cũng như PR chuyên nghiệp, tác giả - nhà báo Nguyễn Bá Ngọc đã sớm nhận ra sự chuyển biến này, từ đó viết nên Báo chí công dân.
Sáng 19.7 tại Đường sách TP.HCM, Saigon Books đã tổ chức buổi ra mắt sách và trò chuyện cùng tác giả
ẢNH: TUẤN DUY
Theo ông Ngọc, báo chí công dân có thể hiểu đơn giản là công dân làm báo, khi họ tiến hành đưa tin bằng những công cụ, thiết bị mà bản thân có trên các nền tảng hoặc mạng xã hội mà không phải là các nhà báo chuyên nghiệp.
Ông nói dù bùng nổ gần đây nhưng khái niệm này đã xuất hiện từ rất sớm. Ông dẫn chứng vào năm 1963, khi tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát bởi một tay súng bắn tỉa khi đang tham gia một chuyến đi vận động gây quỹ, thì người ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này không phải "cánh săn tin" mà là một người dân thường tên Abraham Zapruder. Ban đầu Zapruder chỉ muốn đặt máy để ghi lại cảnh tổng thống đi ngang qua cửa hàng nhà mình, nhưng cuối cùng đây lại vô tình trở thành một "cột mốc lịch sử".
Không chỉ dừng ở việc tường thuật sự kiện, thông qua các nền tảng, báo chí công dân còn cung cấp các bình luận, phân tích và chia sẻ quan điểm cá nhân về những vấn đề liên quan đến đời sống, chính trị, kinh tế... Nhờ đó công chúng có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau, giúp mở rộng nhận thức và hiểu biết về các sự kiện trong và ngoài nước.
Từ thực tế đó, báo chí công dân là mảng không thể thiếu trong hệ sinh thái truyền thông hiện đại, nơi không chỉ nhà báo chuyên nghiệp mới có thể đưa tin mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào quá trình này.
Hệ lụy của "báo chí công dân"
Tuy vậy sự thay đổi này không chỉ mang đến cơ hội mà còn đặt ra những thách thức lớn cho báo chí chính thống.
Cụ thể, khi báo chí công dân và các nền tảng mạng xã hội chiếm lĩnh thời gian và sự chú ý của công chúng, các cơ quan báo chí phải tìm cách thích nghi để giữ vững vị thế và đổi mới mô hình kinh doanh để cạnh tranh với các nền tảng số.
Trong khi đó, nguy cơ rủi ro về tính xác thực của thông tin vẫn luôn hiện diện. Bởi không có các quy trình kiểm chứng như báo chí chuyên nghiệp, nên thông tin từ báo chí công dân và mạng xã hội dễ bị bóp méo hoặc sai lệch, dẫn đến những hệ quả tiêu cực cho cộng đồng.
Ngoài ra nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư, lan truyền thông tin nhạy cảm không có kiểm soát... cũng luôn hiển hiện.
Để đối phó với vấn đề này, hiện nay, các nền tảng công nghệ đã phải triển khai các biện pháp kiểm duyệt nội dung, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và nhân sự để phát hiện, ngăn chặn các tin giả mạo hoặc thông tin độc hại.
Theo tác giả, AI sẽ giúp báo chí truyền thống nâng cao năng suất làm việc lẫn thay đổi "kịch bản" bị tụt hậu
ẢNH: TUẤN DUY
Về phía các nhà báo chuyên nghiệp, ông Ngọc cho biết việc thường xuyên tương tác, đối chiếu và kết hợp với báo chí công dân ngày càng quan trọng và là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo cập nhật nhanh chóng được tính thời sự và kịp thời của thông tin. Bên cạnh đó, lời khuyên về việc tiếp cận công nghệ mới như AI cũng được gửi gắm, góp phần nâng cao năng suất làm việc và từng bước thay đổi "kịch bản" tụt hậu khi thế giới càng phát triển và nguồn thông tin liên tục đổ về.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tuong-lai-va-he-luy-cua-nen-bao-chi-cong-dan-185250719154530415.htm
Bình luận (0)