Một buổi sáng cuối tháng Ba, tại sân Trường Mầm non thị trấn Đình Lập, những “Chú bộ đội nhí” xếp hàng ngay ngắn, bước đều theo nhạc, vượt chướng ngại vật như một cuộc hành quân thực thụ. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, bài hát “Tiến về Sài Gòn” vang lên hùng tráng từ những đứa trẻ mới lên năm. Đó không chỉ là một trò chơi mà là cách các cô giáo gieo vào tâm hồn các em mầm xanh đầu tiên của lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Những hình ảnh giản dị ấy đang diễn ra rộng khắp trong các trường mầm non trên địa bàn tỉnh trong năm học đặc biệt này, năm học đánh dấu tròn nửa thế kỷ đất nước thống nhất.
Trên thực tế, giáo dục truyền thống đã được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục mầm non nhiều năm qua. Tuy nhiên, do đặc thù độ tuổi, việc truyền tải các giá trị lịch sử luôn đòi hỏi sự tinh tế, mềm mại trong cách thể hiện. Những bài hát, câu chuyện, mô hình, trò chơi… đã được các nhà trường sáng tạo lồng ghép, để trẻ tiếp cận lịch sử bằng cảm xúc hơn là lý trí. Cô giáo Phùng Thị Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Phúc (huyện Văn Quan) chia sẻ: “Việc giáo dục truyền thống cho trẻ mầm non được nhà trường lồng ghép chủ yếu thông qua hoạt động vui chơi, âm nhạc và hình ảnh trực quan. Trẻ tuy còn nhỏ, chưa hiểu sâu, nhưng những ấn tượng đầu tiên về lịch sử được hình thành rất tự nhiên, nhẹ nhàng mà bền vững”.
Năm học 2024–2025, toàn tỉnh có 231 trường mầm non với hơn 60.000 trẻ. Ngay từ đầu năm học, 100% trường mầm non đã xây dựng kế hoạch giáo dục truyền thống gắn với các ngày lễ lớn trong năm, đặc biệt là dịp kỷ niệm 30/4. Lớp học và sân trường được trang trí cờ hoa, khẩu hiệu, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam. Các em được nghe kể chuyện về Bác Hồ, anh bộ đội Cụ Hồ, được múa hát những ca khúc quen thuộc như “Cháu thương chú bộ đội”, “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”… Những âm điệu ấy là nhịp cầu nối liền quá khứ và hiện tại, giúp các em hình thành nhận thức đầu tiên về tình yêu quê hương, đất nước.
Không dừng lại ở khuôn mẫu quen thuộc, nhiều nhà trường đã phát huy tối đa tính sáng tạo trong tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống. Có nơi dựng mô hình xe tăng, cổng Dinh Độc Lập bằng bìa cứng để trẻ đóng vai chiến sĩ tiến vào giải phóng Sài Gòn; có nơi tổ chức “góc lịch sử” tại sân trường với tranh vẽ, đồ vật mô phỏng, để mỗi ngày đến lớp là một lần trẻ được “gặp lại” lịch sử qua những hình ảnh trực quan, sinh động. Trong mỗi tiết học, từng câu hát, từng câu chuyện kể đều được lựa chọn cẩn thận, vừa phù hợp với nhận thức của trẻ, vừa mang thông điệp sâu sắc về lòng yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Không phải bằng lời giảng, mà bằng cảm xúc, bằng trò chơi, những giá trị truyền thống đang lặng lẽ thấm vào tâm hồn con trẻ.
Bên cạnh đó, nhiều trường đã chủ động tổ chức các chuyến tham quan thực tế. Tại thành phố Lạng Sơn, các trường mầm non phối hợp tổ chức cho trẻ đến thăm doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Các em được tận mắt quan sát nơi ăn ở của bộ đội, xem khu tăng gia sản xuất, nghe kể chuyện truyền thống và giao lưu với các chú bộ đội. Những trải nghiệm sống động ấy giúp trẻ nhận diện hình ảnh người lính Cụ Hồ không còn là khái niệm xa lạ, mà là hình mẫu gần gũi, thân thương, để từ đó các em nuôi dưỡng tình cảm yêu mến và ngưỡng mộ. Em Hứa Minh Khang, học sinh lớp 5 tuổi Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ hồn nhiên bày tỏ: “Con muốn làm chú bộ đội để bảo vệ mọi người”.
Hiệu quả của các hoạt động này còn được ghi nhận từ phía phụ huynh, những người chứng kiến sự thay đổi tích cực của con em mình qua từng ngày. Chị Lăng Thị Huệ, xã Hoàng Đồng (thành phố Lạng Sơn), có con đang theo học tại Trường Mầm non Hoa Hướng Dương chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi thấy con mặc áo bộ đội, chào cờ nghiêm túc và tập hát Quốc ca. Những trải nghiệm như vậy không chỉ là kỷ niệm tuổi thơ mà còn gieo vào lòng trẻ những cảm xúc đầu tiên về tình yêu quê hương, đất nước”.
Từ lớp học đến sân trường, từ nhà trường đến mỗi gia đình, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” đang được ươm mầm bằng cảm xúc, bằng những trải nghiệm gần gũi và giàu tính giáo dục. Những “bài học không lời” ấy đang từng ngày chạm tới trái tim thơ trẻ, để mai này, các em lớn lên sẽ trở thành những công dân biết cống hiến, sống có trách nhiệm với Tổ quốc.
Nguồn: https://baolangson.vn/giao-duc-truyen-thong-tu-cap-hoc-dau-doi-5045872.html
Bình luận (0)