Nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm về việc cần thiết phải kéo dài thời gian ưu đãi thuế cho hoạt động R&D. Ảnh: Vietnam+ |
Kiểm soát nguy cơ "lách luật"
Điểm nổi bật của nội dung này là đề xuất cho phép doanh nghiệp tài trợ cho phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được trừ khoản tài trợ này vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhận tài trợ cũng được miễn thuế đối với khoản thu nhập này, không phân biệt nguồn tài trợ từ doanh nghiệp độc lập hay có quan hệ liên kết.
Chính sách này được đánh giá là một bước tiến quan trọng, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D. Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng, cũng có không ít lo ngại về khả năng bị lợi dụng để chuyển lợi nhuận, chuyển giá và trốn thuế.
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận một số đại biểu có ý kiến lo ngại các khoản chi cho phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thường rất lớn, phạm vi rộng và hiện còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể, việc định giá theo thị trường trong các lĩnh vực này là khó khả thi. Điều này cho thấy quy định này có thể tiềm ẩn rủi ro bị lợi dụng để thực hiện chuyển lợi nhuận, chuyển giá, trốn thuế khi giữa doanh nghiệp cho và nhận tài trợ là các bên có quan hệ liên kết. Trong khi, các nội dung này chưa được phân tích, đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Trước những lo ngại này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung quy định cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho mọi khoản tài trợ như đề xuất của Chính phủ, song cần có đầy đủ các quy định cần thiết về chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu chống việc bị lợi dụng chính sách.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá chi tiết về các khoản tài trợ được cho - nhận giữa các bên có quan hệ liên kết, sự thay đổi về nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và số nộp ngân sách Nhà nước của các đơn vị này trước và sau khi chính sách được ban hành, để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh trong trường hợp mức độ tác động là đáng kể.
Kéo dài thời gian ưu đãi
Không chỉ dừng lại ở vấn đề kiểm soát, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm về việc cần thiết phải kéo dài thời gian ưu đãi thuế cho hoạt động R&D. Đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) cho rằng thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm là rất ngắn so với chu kỳ đầu tư và phát triển của công nghệ, chưa đủ sức tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào các hoạt động nghiên cứu - phát triển.
Đại biểu Minh dẫn chứng thực tế, nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, công nghệ cao, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cần từ 5 đến 10 năm để hoàn thiện và thương mại hóa. Vì vậy, ông đề xuất vào dự thảo thu nhập tại khoản này được hưởng thuế ưu tối đa không quá 5 năm.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Duy Minh cũng đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực "kinh tế xanh".
"Tôi nhận thấy dự thảo luật chưa có các ưu đãi đặc thù dành riêng cho doanh nghiệp công nghiệp xanh và bền vững. Dự luật quy định miễn thuế cho doanh nghiệp từ chuyển nhượng tín chỉ carbon và trái phiếu xanh, nhưng đây chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ hoạt động công nghiệp xanh. Các lĩnh vực quan trọng (như là năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, sản xuất bền vững) chưa hề được đề cập đến," ông Minh phân tích. Từ thực tế này, ông đề nghị bổ sung các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trên và công nghệ thân thiện với môi trường được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tạo sức mạnh cộng hưởng
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm cụ thể hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, trong đó có quy định doanh nghiệp được phép khấu trừ 200% chi phí thực tế cho hoạt động R&D, bao gồm cả chi phí thử nghiệm và triển khai công nghệ mới khi tính thu nhập chịu thuế.
"Trong những quy định của Nghị quyết 68 có rất nhiều nội dung liên quan đến doanh nghiệp, như doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập trước khi thuế để đưa vào quỹ phát triển khoa học công nghệ, nhưng quy định tại Dự thảo luật là 10% vì vậy cần có sự chỉnh ngay. Hay, Nghị quyết cho phép các doanh nghiệp được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này, nhưng dự luật chưa đề cập đến vấn đề này", đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Ngoài ra, ông Cường cũng đề nghị cần sớm đưa các quy định của luật này vào thực tiễn để thúc đẩy các nghị quyết, đặc biệt như Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt là trong bối cảnh, tăng trưởng có thể ảnh hưởng bởi các sách thuế của Mỹ.
“Tôi xin đề nghị là hiệu lực thi hành của những quy định này sớm hơn, nên bắt đầu từ ngày 1/10 mà không nên chờ đến ngày 1/1/2026", ông Cường đề xuất.
Dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp. Để chính sách thực sự hiệu quả, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và xem xét các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo luật, nhằm tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động R&D, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Nguồn: https://baophuyen.vn/kinh-te/202505/uu-dai-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-tao-cu-hich-cho-nghien-cuu-va-phat-trien-a13522b/
Bình luận (0)