Hệ thống dữ liệu tập trung liên kết thông suốt giúp người dân dễ dàng kết nối với các dịch vụ ngân hàng số. (Trong ảnh: Cán bộ Agribank huyện Ý Yên nhập dữ liệu căn cước công dân đăng ký dịch vụ ngân hàng số trên hệ thống). |
Tỉnh đã đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Nhờ đó, hạ tầng viễn thông cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, phục vụ tốt việc vận hành, sử dụng các ứng dụng hệ thống chính quyền điện tử, ứng dụng TTKDTM và nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân trên địa bàn. Các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo đảm kết nối phục vụ TTKDTM và các dịch vụ trung gian thanh toán: hạ tầng kết nối mạng internet, phủ sóng di động; hạ tầng nền tảng tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu và kết nối liên thông với các hệ thống khác; nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.000 trạm BTS; 100% các thôn, xóm đã được phủ sóng thông tin di động băng rộng 3G, 4G; có 4.513 điểm cung cấp dịch vụ internet băng rộng tại các khu vực tập trung đông người... đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số do cơ quan Nhà nước cung cấp. 100% cơ quan Nhà nước được kết nối với mạng Truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ và mạng internet cáp quang tốc độ cao đảm bảo đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc.
Các doanh nghiệp: Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel, VNPT, Viettel, Mobifone, FPT đang từng bước thực hiện việc dịch chuyển từ cung cấp các dịch vụ truyền thống như bưu chính, viễn thông, internet sang cung cấp các dịch vụ mới phục vụ chuyển đổi số như cung cấp các phần mềm, nền tảng số, dịch vụ số, logistics... cho các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần từng bước thúc đẩy quá trình thực hiện chuyển đổi số. 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử, ứng dụng chữ ký số điện tử trong giao dịch với ngành thuế, hải quan, BHXH... Ngoài ra hiện nay có khoảng 30% doanh nghiệp đang triển khai sử dụng các nền tảng số khác, như: nền tảng quản trị nhân lực, nền tảng quản lý tài chính, kế toán... Bên cạnh đó, giao dịch TTKDTM được thực hiện khá phổ biến trên các nền tảng thanh toán số của các ngân hàng, đặc biệt là việc TTKDTM trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, kinh doanh bán lẻ, điện, nước và trong giải quyết TTHC, thanh toán nghĩa vụ thuế, về đất đai… Năm 2024, Nam Định có tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 52,96%; đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh đã cung cấp 100% thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến và niêm yết công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 52,96% là dịch vụ công TTTT, còn lại là dịch vụ công trực tuyến một phần. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện bằng hình thức trực tuyến đạt trên 96%; thanh toán trực tuyến đạt gần 90% và số hóa hồ sơ, kết quả đạt gần 80%.
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, của hệ thống ngân hàng tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các ngân hàng thương mại đã đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lý nghiệp vụ có thể tiếp cận khách hàng qua kênh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện ích. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán thẻ tiếp tục được cải thiện, nâng cao chất lượng. Nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), thanh toán/rút tiền tại ATM bằng QR Code, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật. Qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân. Đến nay, trên địa bàn có 241 ATM và 874 POS được lắp đặt ở 754 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu như Công ty Điện lực; Công ty Cổ phần Nước sạch; các cơ sở y tế, giáo dục... tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán đáp ứng nhu cầu TTKDTM.
Công ty Điện lực Nam Định đã hợp tác với 9 ngân hàng (Công thương, Ngoại thương, Kỹ thương, Bưu điện Liên Việt, Nông nghiệp, Việt Nam Thịnh vượng, Đầu tư và Phát triển, Quân đội, Đại Chúng) và 9 tổ chức trung gian (Bưu điện Nam Định, Vimo, Momo, ZaloPay, VNPT Media, Viettel Nam Định, Payoo, PayTech, VNPay) để thúc đẩy việc TTKDTM trong công tác thu tiền điện và các dịch vụ khác. Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định đã liên kết 6 ngân hàng (Vietinbank, Agribank, BIDV, Vietcombank, Pvcombank, Lpbank) và 6 ví điện điện tử (Momo, Zalo Pay, Vn Pay, Viettel Pay, VNPT Pay, Payoo) nhằm giúp người dân thuận tiện trong việc thanh toán hóa đơn. UBND các huyện và thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại để trả lương qua tài khoản, triển khai TTKDTM, thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng. Đến hết năm 2024, số lượng tài khoản còn hoạt động trên địa bàn đạt hơn 2 triệu tài khoản. Doanh số thanh toán thẻ trong năm 2024 đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng. 3 tháng đầu năm 2025, doanh số TTKDTM trên địa bàn tỉnh đạt hơn 141 nghìn tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cổ phần đã phát hành thêm được hơn 789 nghìn thẻ trong quý I/2025. Qua đó góp phần tăng thêm tỷ trọng kinh tế số của tỉnh chiếm đến 15% GRDP. Trong đó tỉnh Nam Định được Bộ Công Thương đánh giá là một trong những điểm sáng về triển khai thương mại điện tử, hiện nay tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ của tỉnh ước đạt khoảng 9%, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố về phát triển thương mại điện tử.
Để đáp ứng tốt hơn mục tiêu xây dựng kinh tế số, xã hội số thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh việc nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng thông tin dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng; ứng dụng, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), Mobile-Money nhằm thúc đẩy TTKDTM, nhất là ở khu vực nông thôn. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu về phân tích, khai thác dữ liệu sử dụng các công nghệ mới để tích hợp trên nền tảng ngân hàng số giúp người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các tiện ích ngân hàng hiện đại, tiện lợi hơn.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/uu-tien-phat-trien-ha-tangthanh-toan-so-hien-dai-b2810dd/
Bình luận (0)