Sau 6 năm gắn bó với cây vải, bà Vũ Thị Nan (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) nhận thấy loại cây ăn quả này không chỉ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Một trong những lợi thế lớn là thời điểm thu hoạch vải ở khu vực này thường diễn ra sớm hơn nhiều nơi khác, giúp nhà vườn chủ động đón đầu thị trường và bán được giá tốt. Hiện gia đình bà Nan đang canh tác 4,4 ha vải u hồng và vải u trứng; sản lượng năm nay ước đạt từ 25 - 30 tấn.
Từ đầu vụ đến nay, bà Nan đã bán hơn 3 tạ vải với giá 55.000 đồng/kg. Để bảo đảm tiến độ, gia đình bà phải thuê thêm lao động thu hái với mức giá 45.000 đồng/giờ. Dự kiến, năm nay gia đình bà cần hơn 100 công lao động để thu hoạch vải. “Vải được mùa, giá tăng cao ngay từ đầu vụ khiến gia đình rất vui mừng. Hy vọng giá cả sẽ giữ ổn định đến cuối vụ để bà con có thể thu được lợi nhuận, cải thiện thu nhập và tái đầu tư cho những mùa vụ tiếp theo”, bà Nan chia sẻ.
Nông dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar) phấn khởi thu hoạch vải thiều chín sớm. |
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ea Kar, toàn huyện hiện có 1.095 ha vải thiều, trong đó có 700 ha đang cho thu hoạch (năng suất trung bình khoảng 85 tạ/ha), tập trung chủ yếu tại các xã Ea Sar, Ea Sô, Cư Elang... Nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi, vải thiều tại địa phương có ưu điểm quả to, chín sớm, vị ngọt thanh nên được thị trường ưa chuộng và thu mua với giá cao, đầu ra ổn định. Giá vải đầu vụ năm nay đang dao động từ 55.000 - 62.000 đồng/kg, tăng khoảng 20 - 30% so với các năm trước. Thị trường tiêu thụ quả vải ở địa phương là các tỉnh thành phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… và xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia.
Toàn tỉnh hiện có 3.264 ha vải, trong đó 2.046 ha cho thu hoạch, với tổng sản lượng ước đạt gần 21.180 tấn (năng suất hơn 10 tấn/ha). Diện tích trồng vải tập trung chủ yếu tại các huyện Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc, M’Drắk… |
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình (huyện Ea Kar) cho hay, HTX hiện có 16 thành viên, với tổng diện tích canh tác hơn 100 ha, đồng thời liên kết sản xuất với khoảng 2.000 ha của các hộ dân trồng vải trong và ngoài tỉnh. Nhờ điều kiện thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, cây vải phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, năng suất trung bình đạt khoảng 10 tấn/ha. Từ đầu vụ đến nay, HTX đã xuất khẩu 10 container (khoảng 120 - 130 tấn vải) sang thị trường Trung Quốc. “Với giá thu mua duy trì ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng vải có thể thu lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi héc-ta”, ông Bình cho hay.
Tương tự, nông dân tại các huyện trồng vải ở một số địa phương thuộc các huyện Krông Pắc, Krông Bông cũng đang bước vào vụ thu hoạch vải chín sớm. Tại xã Ea Kly (huyện Krông Pắc), người dân đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích vải. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Duy Dương (thôn 12A) là một trong những hộ có sản phẩm đưa ra thị trường khá sớm. Từ cuối tháng Tư, gia đình ông đã bán được 1 tấn vải, với giá 65.000 đồng/kg.
Theo ông Dương, việc trồng vải đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật và chăm sóc đúng cách, vải năm nay cho năng suất cao, quả to và đồng đều. Hiện, ông Dương sở hữu 3 sào vải u trứng đang trong giai đoạn thu hoạch, với sản lượng ước tính khoảng 3 tấn. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về khoảng 150 triệu đồng lợi nhuận.
Theo đánh giá của các thương lái và doanh nghiệp thu mua, vải thiều Đắk Lắk trong vụ mùa năm nay có mẫu mã đẹp, quả to tròn, vỏ mỏng, cùi dày và đạt độ ngọt tiêu chuẩn. Đặc biệt, vải chín sớm hơn so với các tỉnh khác, giúp sản phẩm có lợi thế chiếm lĩnh thị trường và được bán với giá cao.
Để hướng tới một vụ mùa thắng lợi, các địa phương, HTX, tổ hợp tác trồng vải trên địa bàn tỉnh đang đặc biệt chú trọng đến công tác chăm sóc và thu hái nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Nông dân phân loại, đóng thùng vải để xuất hàng cho thương lái. |
Ông Nguyễn Duy Tân, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng vải Ea Kly (huyện Krông Pắc) cho biết, tổ hiện có 37 thành viên, trồng 22 ha vải, với sản lượng ước đạt 220 tấn. Để nâng cao năng suất và bảo đảm chất lượng đồng đều, tổ hợp tác thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình kỹ thuật từ khâu tưới tiêu, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đến kỹ thuật thu hái. Đồng thời, tổ hợp tác cũng khuyến cáo các thành viên không thu hái quả khi còn xanh hoặc chưa đạt độ chín hoàn chỉnh, tuân thủ thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm chất lượng quả và an toàn thực phẩm.
Xã Ea Sar được xem là vùng trọng điểm trồng vải chín sớm của huyện Ea Kar. Năm nay, toàn xã có 400 ha vải, trong đó có 320 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 5.000 tấn. Để nâng cao giá trị quả vải và tạo ra các sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giúp người trồng vải thay đổi tư duy trong canh tác và sản xuất. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Hà Trung Tướng cho biết, xã đã vận động người dân áp dụng và mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tập trung chăm sóc cây trồng theo đúng quy trình chuẩn để quả vải phát triển đồng đều. Đồng thời, xã cũng khuyến cáo người dân thu hái vải khi quả đạt độ chín từ 75 - 85% để bảo đảm mẫu mã, chất lượng…
Tuyết Mai - Thúy Nga
Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202505/vai-chin-som-nong-dan-boi-thu-af50d3f/
Bình luận (0)