Nhà văn Thái Chí Thanh (bìa trái) cùng các thành viên Hội đồng Văn học thiếu nhi chụp ảnh lưu niệm cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (thứ 3 từ trái qua) và nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc - chủ biên trang vanvn của hội (giữa). Ảnh: CTV |
Chúng tôi phỏng vấn nhà văn Thái Chí Thanh, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi, về việc chung tay thực hiện chuyên đề này, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em.
Tâm huyết với chuyên đề dành cho thiếu nhi
* Thưa nhà văn, ông có thể chia sẻ đôi nét về ý tưởng, cơ duyên dẫn đến sự ra đời của ấn phẩm Văn học thiếu nhi?
- Ấn phẩm Văn học thiếu nhi - tập 1 vừa ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) do Hội đồng Văn học thiếu nhi thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện. Đây là sự cố gắng rất lớn của những nhà văn, nhà thơ, nhà báo tâm huyết với văn học thiếu nhi. Lần đầu tiên, từ ngày ra đời, đến nhiệm kỳ sau đại hội khóa X (2021-2025), Hội Nhà văn Việt Nam mới có một ấn phẩm dành riêng cho thiếu nhi.
Chủ tịch, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã đánh giá cao vai trò văn học thiếu nhi, nâng cấp Ban Văn học thiếu nhi trước đây thành Hội đồng Văn học thiếu nhi, như các hội đồng chuyên ngành khác. Hơn thế nữa, Hội Nhà văn Việt Nam đã quan tâm, phát động Cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi 5 năm (2021-2025) và chú trọng công tác nhân sự của hội đồng, luôn khích lệ, động viên chúng tôi…
Nhưng như thế mới là “điều kiện cần”, còn “điều kiện đủ” để một ấn phẩm có tầm vóc như tạp chí văn học dành riêng cho thiếu nhi ra đời là từ chủ trương của Ban Chấp hành Hội Nhà văn, theo xu hướng xã hội hóa trong bối cảnh chung hiện nay, nếu thực sự muốn tồn tại và phát triển. Hội đồng Văn học thiếu nhi đã đoàn kết, thống nhất, đi từng bước chắc chắn để thực hiện trọng trách của mình. Ngoài những công việc thường niên như đề nghị xét giải thưởng hằng năm, xét kết nạp hội viên, Hội đồng Văn học thiếu nhi còn tích cực tổ chức các trại sáng tác, đi thực tế, gặp gỡ trao đổi, giao lưu với các ngành liên quan, địa phương, nối kết các phong trào, cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi… Tất cả những hoạt động ấy đều xã hội hóa, nghĩa là tự lo kinh phí, cơ sở vật chất, xây dựng mô hình hoạt động… Quả là lúc đầu khó khăn nhưng sau mấy năm, chúng tôi thấy đó là mô hình phù hợp, là điều kiện để phát triển. Đến nay, Hội đồng Văn học thiếu nhi đã chủ động tổ chức 7 trại sáng tác ở khắp các vùng miền và thu được những kết quả rất đáng khích lệ.
Thực hiện chuyên đề Văn học thiếu nhi là mong ước, quyết tâm của Hội đồng Văn học thiếu nhi chúng tôi. Vượt qua bao khó khăn, kiên định với tiêu chí về chất lượng, chúng tôi đã có bạn tâm giao đồng hành là Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Khi nhận được tập 1 Văn học thiếu nhi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Văn học thiếu nhi là một giấc mơ bền bỉ của các thành viên Hội đồng Văn học thiếu nhi, đặc biệt là nhà văn Thái Chí Thanh và nhà thơ Bảo Ngọc. Nhưng nếu không có Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng mà người đứng đầu là nhà văn Nguyễn Phan Khuê cùng ban biên tập báo thì giấc mơ ấy sẽ là một đám mây bay trên đầu chúng ta về phía chân trời và biến mất. Cùng với đó là sự ủng hộ của NXB Hội Nhà văn…”.
Bìa ấn phẩm Văn học thiếu nhi. Ảnh: YÊN LAN |
Mong có “bạn đồng hành” trên quãng đường dài
* Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá chuyên đề Văn học thiếu nhi là một sân chơi lý thú và bổ ích, là bức tranh toàn cảnh về văn học thiếu nhi Việt Nam. Hội đồng Văn học thiếu nhi cùng Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng sẽ duy trì sân chơi này như thế nào?
- Đây là một câu hỏi, hay nói đúng hơn là trăn trở, tâm nguyện của chúng tôi.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là người ủng hộ khi chuyên đề này còn trong trứng nước. Anh ấy đã dành thời gian và tâm huyết sáng tác trường ca thiếu nhi đầu tiên của mình để kịp in số đầu tiên. Thế đấy, Văn học thiếu nhi ra được số đầu cũng là sự tri ân, đáp lại mong ước của bao người.
Ra được chuyên đề Văn học thiếu nhi đã khó, duy trì và phát triển sẽ còn khó hơn, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà cơ chế, chính sách hoạt động của các hội đã chuyển đổi, khi mà các nhà văn đang phải “chiến đấu” với những sản phẩm của trí tuệ nhân tạo… Nhưng bao giờ cũng vậy, thách thức cũng là cơ hội để thay đổi, để bứt phá. Chúng tôi lạc quan, xem đây là thời cơ cho văn học thiếu nhi phát triển, ít nhất cũng trở lại thời hoàng kim của nó với tâm thế, tầm vóc khác của thế kỷ XXI. Hơn nữa, chúng tôi không cô đơn, lạc lõng trên con đường phát triển. Đồng hành với Hội đồng Văn học thiếu nhi - những nhà văn tâm huyết, cháy hết mình cho văn học thiếu nhi - là Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng - một địa chỉ yêu thương đã nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ, đã là “bà đỡ” cho bao nhà văn, nhà thơ ra đời và trưởng thành, lại có Hội Nhà văn Việt Nam đang chuyển mình và ưu ái hết lòng cho văn học tuổi thơ… Và trên hết là cả xã hội, cả đất nước đều yêu thương con em mình, trân trọng những gì tưới tắm cho tương lai đất nước. Còn gì hơn thế! Ấy vậy nên anh em chúng tôi rất lạc quan, tin tưởng vào sức sống của chuyên đề Văn học thiếu nhi.
Sau khi vừa ra mắt tập 1, chúng tôi đã tập trung lại rút kinh nghiệm và quyết tâm làm số sau hay hơn, tốt hơn số đầu. Nhưng không chỉ có tinh thần mà làm được những việc mình muốn, lại còn ti tỉ việc, từ “bếp núc” đến những chuyện “lớn lao” khác, như kinh phí, truyền thông, lên báo điện tử, lập quỹ để hỗ trợ… Nhiều, rất nhiều việc phải làm. Tôi tin là sẽ vượt lên được hết, nếu như các thành viên đoàn kết, tâm huyết, chung lòng chung sức như thời gian qua. Và, tất nhiên là có sự dìu dắt của Hội Nhà văn, Trung ương Đoàn, rồi sắp tới đây sẽ liên kết với Bộ GD&ĐT, Bộ VHTT&DL…
* Theo ông, làm thế nào để đưa ấn phẩm Văn học thiếu nhi đến với trẻ em nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa?
- Văn học thiếu nhi là của tất cả các em nhỏ, nói rộng hơn là của xã hội hôm nay và ngày mai. Chúng tôi sẽ cố gắng để đưa ấn phẩm này đến với tất cả các em nhỏ yêu thích văn chương trên đất nước hình chữ S này. Nhưng tâm nguyện là một chuyện, còn thực tế thì phải từng bước, dẫu chẳng ai muốn bỏ quên một em nhỏ nào, dù ở vùng xa, vùng sâu… Để ấn phẩm đến với các em nhỏ nói chung, trẻ em vùng sâu, vùng xa nói riêng, chúng tôi phải làm sao cho phù hợp nhất, chẳng những về nội dung, hình thức mà giá thành phải giảm đến tối đa. Và tất nhiên, phải tìm được “kênh” để chuyển tải đến. Ấy nên Hội đồng Văn học thiếu nhi, Ban Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng rất mong, rất cần các ngành, các tổ chức, địa phương cùng chung tay. Thực ra, chúng tôi đã chuẩn bị để thực hiện điều đó. Đầu năm nay, đã có trại viết tại Lâm Đồng dành cho thiếu nhi, cuối năm nay sẽ có trại viết tại cao nguyên Đắk Lắk; và vùng biển, hải đảo xa xôi… đều được tính đến. Hy vọng sau một quãng thời gian không dài nữa, những nguyện ước của chúng tôi sẽ thành hiện thực.
* Xin cảm ơn nhà văn!
Nguồn: https://baophuyen.vn/van-nghe/202505/van-hoc-thieu-nhinuoi-duong-tam-hon-con-tre-7162599/
Bình luận (0)